[links()]Số lượng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ cụ thể hiện còn khá khiêm tốn so với mỹ phẩm trôi nổi kém chất lượng và hàng xách tay bạt ngàn trên thị trường.
Ngành y tế, lực lượng quản lý thị trường và công an cũng chỉ kiểm tra, xử lý được các cơ sở sản xuất lớn còn những điểm bán lẻ ở chợ, các lề đường, các hình thức trao đổi mua bán qua mạng thì vẫn bỏ ngỏ. Sở dĩ việc quản lý mỹ phẩm gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra còn mỏng, thủ đoạn bán hàng giả lại tinh vi, phức tạp.
Những gian hàng bày bán mỹ phẩm giả chỉ đơn sơ như thế này |
Cảnh giác mua bán online
Mỹ phẩm giả không chỉ xuất hiện tràn lan tại các khu chợ, cửa hiệu mà ngay cả các diễn đàn, các trang web mua bán trên mạng cũng có không ít hàng giả và người bán hàng giả. Có rất nhiều cách để nhập mỹ phẩm giả về bán trên mạng, nhưng dễ dàng và thuận tiện nhất là cứ ra chợ Đồng Xuân mua, vì ở đó có đủ loại, đủ hãng mà giá thì cực kỳ rẻ.
Nhưng hàng nhập ở đó có nhược điểm là rất dễ bị phát hiện ra hàng giả, nên một số người cầu kỳ hơn là đặt hàng The Face từ trong TP.Hồ Chí Minh ra để bán. Loại này thì giống y hàng thật, từ kiểu dáng, màu sắc, code, HSD, còn về chất lượng thì tất nhiên thua kém rất nhiều. Hàng face đắt hơn một chút nhưng bù lại sẽ khó bị phát hiện hơn...
Chỉ cần một cú nhấp chuột với từ khóa “mỹ phẩm xách tay”, bạn có thể dễ dàng tìm được rất nhiều địa chỉ website có nội dung mời chào hấp dẫn. Tất cả các mỹ phẩm xách tay về từ nước ngoài đều có giá rẻ hơn so với mỹ phẩm cùng loại được nhập khẩu chính thức.
Thậm chí, nhiều sản phẩm mới của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng chưa được phân phối chính thức, nhưng vẫn xuất hiện trên thị trường hàng xách tay. Các nguồn mỹ phẩm xách tay từ các đại lý bán hàng qua mạng đều được thông qua “người thân”, “sinh viên du học”, “bạn bè”. Những thông tin chính thức về mặt hàng như hướng dẫn sử dụng, hạn bảo hành, ngày sản xuất, xuất xứ... đều rất mập mờ và dựa trên tiêu chí “tin nhau là chính”.
Thực tế, nhiều trang web mua bán trên mạng của Việt Nam chỉ là trang rao vặt chứ chưa phải là mua bán online theo đúng nghĩa. Người mua và người bán không có gì ràng buộc và kiểm soát, dẫn đến những rủi ro cao cho người mua. Dù vậy, sự hấp dẫn từ mác “hàng hiệu”, đặc biệt chênh lệch quá lớn về giá cả khiến hàng xách tay trở nên hấp dẫn và sức tiêu thụ không giảm.
Cách thức phổ biến khi mua hàng qua mạng là: Đầu tiên cần vào trang các website kinh doanh, bạn có thể lựa chọn sản phẩm muốn mua sau khi tham khảo hình sản phẩm, mẫu mã, giá cả. Bạn cần liên lạc với người bán để đặt cọc 30-40%, đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản; nhiều trường hợp cần đưa trước 100%.
Thời gian đợi hàng là từ 1 tuần đến 20 ngày tùy thuộc chuyến hàng và người mang hàng về. Sau khi hàng về và đưa phần tiền còn lại, bạn sẽ nhận hàng cùng với lời đảm bảo hành chính gốc, không có phản ứng phụ. Không có cơ sở gì để đảm bảo chất lượng của hàng xách tay lẫn những rủi ro xảy ra đối với làn da khách hàng.
Sản phẩm có thể mang bao bì chính hãng nhưng bên trong là hỗn hợp pha trộn những nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc các sản phẩm quá hạn sử dụng. Hoặc họ nhập hàng thật, hàng chính hãng về, sau đó mở sản phẩm ra, đánh tráo vào một nửa hàng kém chất lượng rồi lại đóng gói bao bì lại như mới.
Khách hàng dùng hết lớp kem thật sẽ tới lớp kem giả, và nếu có điều gì xảy ra thì không thể trách người bán hàng giả được, sẽ chỉ biết đổ lỗi cho cơ địa của mình vào thời điểm đó không tốt nên bị dị ứng thôi, bởi trước giờ dùng đâu có gì xảy ra. Hoặc sau khi mua hàng rồi mới phát hiện ra là hàng pha trộn, có tìm người bán để bắt đền, lấy lại tiền cũng rất khó. Bởi người mua chỉ giao dịch thông qua chuyển khoản và bưu điện với những thông tin không biết thật hay giả như nickname, tên, số điện thoại... Số tài khoản và tên chủ tài khoản là có thật, nhưng cũng có thể chỉ là “đồ mượn”.
Thủ đoạn tinh vi, phức tạp
“Những loại mỹ phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm giả nhiều” - đó là nhận xét của chị Hằng - nhân viên có thâm niên trong nghề (cửa hàng Shiseido ở phố Lê Thái Tổ).
Theo chị Hằng, mỹ phẩm giả, không nguồn gốc chủ yếu là sản phẩm kem dưỡng da, kem thoa mặt, trắng da, kem tắm trắng, son môi và phấn lót có xuất xứ khác nhau, như sản xuất “chui” trong nước hoặc nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan. Có nơi còn phân ra hàng loại 1 (của công ty xịn) và loại 2 (hàng lậu Trung Quốc không có tem nhập khẩu), nhưng tất cả đều mang những nhãn hiệu nổi tiếng như L’Oreal, Lancôme, Tresór, Miracle, Chanel, M.A.C, Dior, Shiseido... Khách hàng như rơi vào một ma trận khôn lường của thật và giả.
Công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả ngày càng tinh vi, trong khi đó, vẫn chưa có một quy chuẩn nào của cơ quan chức năng hướng dẫn người dân phân biệt và nhận biết mỹ phẩm giả. Do đó, người dân nếu không dựa vào kinh nghiệm bản thân hoặc mách nước của những người quen thân thì sẽ không làm sao phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.
Mỹ phẩm giả còn được những đại lý mỹ phẩm lớn trà trộn bày bán theo các đợt “siêu khuyến mãi” và “siêu giảm giá”. Các đại lý này đều tung ra nhiều băng rôn “hoành tráng” quảng cáo về những đợt khuyến mãi đặc biệt của hãng, son phấn, kem dưỡng da giảm giá tới 50-70%. Nhiều người mua đổ xô vào những đợt “siêu hạ giá” vì ham rẻ và thiếu kiến thức. Kỳ thực, chẳng có hãng mỹ phẩm nào “siêu giảm giá” hàng với tốc độ thường xuyên và chóng mặt như vậy.
Hiện thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là xuất hàng theo hợp đồng tại Trung Quốc, sau đó đưa về Việt Nam, người bán giới thiệu là hàng tiểu ngạch, hàng xách tay từ nước ngoài về nên có giá rẻ, khách hàng không rành về sản phẩm rất dễ bị “sập bẫy”. Đôi khi, để hợp thức hóa các loại mỹ phẩm giả này, một công ty đứng ra là nhà nhập khẩu chính thức, sau đó họ sang Trung Quốc đặt hàng nhái y chang đưa về tiêu thụ, vẫn đảm bảo giấy tờ nhập khẩu khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Một thủ đoạn khác là sản phẩm giả được bày lẫn hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành “đánh lận” người tiêu dùng. Đây là cách thức tiêu thụ mỹ phẩm nhập lậu hữu hiệu hiện nay. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đối tượng chỉ để số lượng ít hàng lậu ở cửa hàng, còn lại thuê kho để chứa, khi nào hết hàng lại lấy thêm ra để tiêu thụ tiếp.
Theo quy định về quản lý mỹ phẩm mới, các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm ra tiêu thụ trên thị trường phải chịu trách nhiệm về an toàn cho người sử dụng. Mỹ phẩm không đạt chất lượng sẽ bị thu hồi. Người tiêu dùng có quyền được thông tin về chất lượng, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sử dụng hàng không bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng ít có thói quen khiếu nại khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Phản ứng thông thường là... âm thầm ngừng dùng sản phẩm đó. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân khiến việc mua mỹ phẩm thật tại Việt Nam thì khó, còn mua giả thì... quá dễ!
Thu Hồng