Vừa tắt máy dừng xe đổ xăng, lập tức có ba, bốn người xúm lại… xin tiền. Người mở nắp xăng, kẻ lau yên xe cho khách. Khi bị lắc đầu, không ’bo’ thì quăng nắp bình xăng xuống đất kèm theo những câu văn tục. Đó là những hình ảnh phản cảm tại các cây xăng ở TP HCM trong thời gian gần đây. Nhiều người đổ xăng lắc đầu ngao ngán: những đối tượng xin đểu này rất… đa dạng, từ trẻ con đến người lớn, kể cả cụ già. Đại bản doanh của một “gia đình cái bang” (gồm cả người lớn và trẻ em) tại chợ Lê Hồng Phong, quận10 là túp lều tạm bợ. Những đứa trẻ tóc cháy nắng, da đen nhẽm, đứa lớn nhất chừng 15 tuổi, nhỏ nhất chừng vài tháng. Một cô bé trong nhóm này nói: “Hồi xưa tụi em chỉ xin ăn ở các quán nước và công viên thôi, nhưng giờ mấy chỗ đó khó kiếm ăn lắm. Ra cây xăng xin dễ hơn nhiều lại đỡ đi nắng”. Ngày nào cũng thế, từ 6h30 đến 10 giờ là xong ca 1, ca 2 bắt đầu từ 17h cho đến khi cây xăng đóng cửa. Phần lớn những người xin ăn ở cây xăng trước đó thường xin ăn ở vỉa hè, bến xe.
Tại cây xăng trên đường Hồng Bàng, phường 6, quận 6, khi thấy khách tấp vào đổ xăng, rất đông trẻ em, phụ nữ, người già xúm lại. Người thì đưa tay, số khác chìa mũ ra để khách bỏ tiền vào. Những người chuyên nghiệp hơn thì “lịch sự” mở nắp bình xăng sau đó vặn lại cho khách khi xăng đã đầy bình. Thao tác tiếp theo là khách phải trả công cho họ. Chị N.T.N, ở đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, bức xúc: “Hôm trước đi đổ xăng ở gần nhà, có thằng nhóc chạy lại mở nắp bình xăng cho tôi. Trả tiền xăng xong, tôi quay xe định đi thì nó chận đầu xe lại bảo cho tiền công. Tôi bất ngờ, và thấy khó chịu trước thái độ vòi tiền như thế nên cương quyết không cho. Vậy là nó kêu đồng bọn xúm lại xin… đểu”. Không chỉ xin tiền ở cây xăng, gần đây nhiều đối tượng xấu lợi dụng lòng thương người của mọi người để trục lợi. Hằng ngày quanh các cây xăng, thường xuất hiện người đàn ông chừng 40 tuổi, quần áo phẳng lỳ, trông rất lịch sự. Trong vai người lỡ đường hết tiền đổ xăng, ông ta đã lừa được rất nhiều người. Quan sát “con mồi” từ xa, nhìn ai có vẻ sang trọng, nhất là phụ nữ thì họ xáp lại giở giọng buồn thảm. Chị T.T.H, ngụ quận 11, bức xúc: “Có một lần tôi đi đổ xăng ở ngã tư Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, quận 5, có một người đàn ông lại gần với vẻ mặt buồn rầu khổ sở. Ông ta bảo đi từ Đồng Nai lên đây bị móc túi hết sạch tiền, con gái thì đang nằm trong bệnh viện cấp cứu. Ông ta xin tôi tiền đổ xăng để về nhà chạy chữa bệnh cho con. Tội nghiệp quá nên tôi cho vài chục ngàn. Ai dè mấy bữa sau đổ xăng ở quận 3, tôi thấy người này giở trò y như thế với người khác”. Những nhân viên bán xăng không xa lạ gì với những màn kịch lừa đảo của các đối tượng xin đểu, nhưng họ không dám can thiệp. Anh T.V.B, nhân viên của một cây xăng ở quận 5, cho biết: “Chúng tôi nhẵn mặt những kẻ xin đểu nhưng không dám nói vì họ có phe cánh với nhau, không khéo bị chúng đánh hội đồng thì khổ!”.
Theo Tùng Minh
Đất Việt
Đất Việt