Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vùng đất thép Củ Chi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Củ Chi là vùng đất huyền thoại đã từng gắn liền với biết bao chiến tích vẻ vang cũng như đau thương mất mát trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Đây cũng là nơi cất lên những bản anh hùng ca bất hủ về những người mẹ bình dị mà quả cảm, không tiếc hy sinh cả hạnh phúc đời mình cho độc lập tự do của dân tộc.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trao Nghị quyết về việc đặt tên mới 171 tuyến đường cho lãnh đạo các xã, thị trấn ở Củ Chi năm 2021. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trao Nghị quyết về việc đặt tên mới 171 tuyến đường cho lãnh đạo các xã, thị trấn ở Củ Chi năm 2021. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Huyền thoại mẹ Củ Chi, vùng đất ngoại ô

TP HCM với địa đạo có một không hai trong lòng đất dài gần 250km, là một sáng tạo độc đáo của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Củ Chi cũng là vùng đất anh hùng với bao chiến công lừng lẫy của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 17/9/1967, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng Vũ trang Nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ 2, quân và dân huyện Củ Chi vinh dự được Ủy ban Trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”.

Vùng “đất thép” ấy đã sản sinh ra biết bao người anh hùng chiến công vang dội. Trong số ấy, có không ít người anh hùng mang hình dáng giản dị của những người mẹ. Có thể nói, Đất thép Củ Chi là một trong những địa phương có nhiều mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) nhất.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành, “huyền thoại” của đất thép Củ Chi.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành, “huyền thoại” của đất thép Củ Chi.

Nhắc đến mẹ VNAH, không thể không nhắc đến mẹ Nguyễn Thị Rành, “huyền thoại” của đất thép với nhiều chiến công và sự hy sinh to lớn. Từ nhỏ, cha mẹ hoạt động cách mạng rồi mất, mẹ của mẹ cũng qua đời. Mẹ phải đi ở đợ cho nhà tên địa chủ trong vùng. Lớn lên, mẹ lập gia đình với thầy giáo Nguyễn Văn Cầm, một trí thức tử tế, yêu thương con người. Năm 1941 thầy nghỉ dạy để tham gia hoạt động cách mạng và mất năm 1970 do bệnh nặng.

Trong những năm tháng chiến tranh, mẹ là một tấm gương chiến đấu hết mình, đầy quả cảm. Năm 1945, mẹ là người đầu tiên gắn lá cờ đỏ búa liềm lên ngọn cây điệp, cùng nhân dân trong xã đứng lên giành chính quyền. Gia đình mẹ, bốn đời tham gia đánh giặc cứu nước, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ. Địch nhiều lần bắt mẹ, hết lừa gạt, tra tấn, dụ dỗ mẹ kêu gọi con cháu từ bỏ cách mạng, đầu hàng quân giặc. Thế mà, mặc cho bao trận đòn thừa sống thiếu chết, bao lần đối mặt sinh tử, mẹ vẫn kiên gan bền chí, không khuất phục.

Qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc 8 người con trai: Nguyễn Văn Dúng (1920 - 1947) - Xã đội trưởng Phước Hiệp; Nguyễn Văn Sóc (1926 - 1954) - Tiểu đội trưởng đặc công; Nguyễn Văn Vé (1932 - 1959); Nguyễn Văn Hè (1935 - 1967); Nguyễn Văn Huội (1938 - 1968); Nguyễn Văn Sướng (1939 - 1968); Nguyễn Văn Nâng (1940 - 1967); Nguyễn Văn Luông (1942 - 1969) và hai cháu: Cháu nội Nguyễn Văn Rưng (1939 - 1967) - Tiểu đội phó; Cháu ngoại Huỳnh Văn Cường (1948 - 1970).

Những nỗi đau của sự hy sinh, mất mát liên tục kéo đến đè nặng lên vai mẹ, tưởng chừng khiến mẹ không gượng dậy nổi. Nhưng người mẹ kiên cường ấy đã biến đau thương thành hành động. Trong 250km đường hầm địa đạo Củ Chi, có dấu ấn bàn tay mẹ Rành đào hầm miệt mài để che giấu các con dưới mắt quân thù, nuôi bộ đội, nuôi du kich. Mẹ là một trong những người tích cực vận động bà con đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi hiệp thương, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Mẹ cất chòi ở sát bưng làm nơi đi lại liên lạc của anh em du kích, cán bộ. Mẹ cũng nhiều lần mưu trí cứu anh em thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù, đồng hành cùng nhiều trận đánh của du kich... cho đến ngày quân ta toàn thắng.

Ngày 6/1/1978, mẹ Nguyễn Thị Rành được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bản tuyên dương mẹ ghi rõ: “Đồng chí Nguyễn Thị Rành, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh đã làm được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Năm 1994, mẹ được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH, ghi dấu một cuộc đời nhiều hy sinh, mất mát những cũng rất lẫm liệt, đáng kính nể.

Ngày nay, những người dân trong và ngoài nước đến Củ Chi thăm quan di tích địa đạo, thăm lại chiến khu, thăm chiến trường xưa, hầu như không quên ghé đến nhà tưởng niệm Mẹ Rành để thắp nén nhang, tưởng nhớ người mẹ anh hùng trung kiên bất khuất đã hy sinh trọn vẹn cuộc đời cho nền độc lập của dân tộc.

Những con đường mang tên các mẹ

Củ Chi đất thép còn có biết bao người mẹ VNAH đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, chống lại quân thù, bảo vệ quê hương đất nước. Như chuyện về mẹ Lê Thị Sắc có chồng và 2 người con trai là liệt sĩ. Chồng của mẹ là đảng viên, liệt sĩ Lê Văn Quyến, người chiến sỹ kiên trung của Đảng Cộng sản Đông Dương, bị giặc bắt trong khi đi làm nhiệm vụ. Ông Lê Văn Quyến bị giặc đánh đập tra tấn dã man để moi thông tin về đồng đội nhưng người chiến sĩ kiên trung ấy đã thà chết trung thành với cách mạng. Ông bị đày ra Côn Đảo rồi bị giặc Pháp bí mật thủ tiêu cùng nhiều đồng đội khác. Hai con trai của mẹ là đảng viên, liệt sỹ Lê Văn Bốn và Lê Văn Trưởng cũng lần lượt hy sinh. Người con trai còn lại Lê Văn Nợi, sinh năm 1925, thấm nhuần lý tưởng cách mạng của gia đình, quyết tâm trả thù giặc, đã tích cực nuôi giấu cán bộ cách mạng, để rồi nhiều lần bị địch bắt, tra tấn, hành hạ đến mức sức khỏe suy kiệt. Bản thân mẹ cũng nhiều lần bị địch tra tấn, hành hạ dã man khiến mẹ đau yếu qua đời năm 1963. Hai con gái của mẹ cũng sớm qua đời vì bệnh tật. Ngày 24/4/1996, mẹ Sắc được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Mẹ VNAH Lê Thị Sắc có chồng và hai con trai là liệt sĩ. (Ảnh tư liệu).

Mẹ VNAH Lê Thị Sắc có chồng và hai con trai là liệt sĩ. (Ảnh tư liệu).

Còn có mẹ VNAH Huỳnh Thị Ó, sinh năm 1909 tại làng Bình Mỹ, huyện Củ Chi, hi sinh vào năm 1961. Mẹ Ó đã sinh được 7 người con (2 con trai và 5 con gái). Trong số ấy, chỉ có 2 người con bị bệnh và qua đời từ khi còn nhỏ, còn lại 5 người con khác đều thoát ly gia đình để tham gia kháng chiến hoặc hoạt động cách mạng tại địa phương. Mẹ có hai con là liệt sỹ, một con trai và một con gái, đã dũng cảm hi sinh trong cuộc kháng chiến chống lại xâm lược Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Củ Chi còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện đầy đớn đau mà cũng đầy xúc động về cuộc đời và sự hy sinh của các mẹ. Nhiều mẹ VNAH ở Củ Chi không những là “chiến sĩ” thời chiến mà còn là những “chiến sĩ” thời bình. Hòa bình rồi, trong cuộc sống hàng ngày, các mẹ cũng luôn luôn sống tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng, giàu tình làng nghĩa xóm. Có mẹ thì luôn dạy bảo con cháu, thế hệ sau những điều hay lẽ phải, có mẹ hiến đất làm đường, làm trường học cho địa phương. Như trường hợp các mẹ VNAH Nguyễn Thị Nghị, 86 tuổi (ấp Phú Bình, xã An Phú) và mẹ VNAH Nguyễn Thị Hãnh, 85 tuổi (ấp Xóm Chùa, An Phú)...

Đi qua hai cuộc kháng chiến, Củ Chi, vùng đất nhỏ bé bình dị ấy đã có hơn 10.000 liệt sỹ hy sinh và hàng chục ngàn thương binh, gia đình chính sách; với hơn 2000 mẹ VNAH. Củ Chi có 178 ấp khu phố, với 1.828 tổ nhân dân, tổ dân phố thì hầu hết đều có đền thờ phụng, tri ân.

Năm 2021, Củ Chi đã công bố đặt tên đường mới cho 171 tuyến đường mang tên Mẹ VNAH trên địa bàn 17 xã. Như vậy tính đến nay, huyện có 452 tuyến đường được đặt tên, trong đó có 370 tuyến đường mang tên Mẹ VNAH. Đồng thời, huyện thực hiện biên soạn kỷ yếu “Bà mẹ VNAH của quê hương Đất Thép thành đồng” ghi tiểu sử của 2.132 Bà mẹ VNAH.

Ngày nay, người dân Củ Chi vinh dự được đi trên những tuyến đường mang tên các mẹ. Đó không chỉ là một sự tri ân mà còn là một lời nhắc nhở cho bao thế hệ rằng, để có hòa bình, độc lập ngày hôm nay, các mẹ đã đánh đổi cả xương máu, cả hạnh phúc, cả cuộc đời mình. Những người con Củ Chi và cả nước, dẫu thời gian có trôi qua bao lâu cũng không được phép lãng quên những hy sinh đầy cao quý ấy, phải nỗ lực dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp để đáp đền, và phải sống sao cho xứng đáng với tiền nhân.

Đọc thêm