Những bài thơ hình khối

Trại sáng tác Điêu khắc Đà Nẵng 2010 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật thành phố phối hợp cùng Quỹ Điêu khắc  Đà Nẵng tổ chức đã khép lại với 20 phác thảo có chất lượng, phong phú về đề tài được hoàn thành.

Trại sáng tác Điêu khắc Đà Nẵng 2010 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật thành phố phối hợp cùng Quỹ Điêu khắc  Đà Nẵng tổ chức đã khép lại với 20 phác thảo có chất lượng, phong phú về đề tài được hoàn thành.

Mô tả ảnh.
Tác giả Lê Huy Hạnh bên cạnh phác thảo “Tình biển”.
Đây là Trại sáng tác điêu khắc lần thứ 24 của cả nước, song là lần đầu tiên Trại được các tác giả tham gia thực hiện phác thảo ngay trong thời gian dự trại, nên hầu hết các sáng tác được thể hiện vô cùng sinh động. Trong đó, ở mảng đề tài phản ánh về cuộc sống con người và đất nước, nhiều phác thảo đã tạo được nhiều sự chú ý như: Những con thuyền bị vỡ, Từ Đà Nẵng nhìn ra thế giới (Lưu Danh Thanh), Sông Cổ Cò (Nguyễn Hiền), Hôm nay là quá  khứ của mai sau (Lê Công Dũng), Biển đảo 1 (Vũ Tiến), Âm vang Tây Nguyên (Phạm Hồng)... Ở các đề tài ngợi ca tình yêu, hòa bình, môi trường như: Nhạc tình (Tạ Quang Huy), Bên nhau (Nguyễn Quang), Đợi (Trần Đức), Tâm trạng (Trần Hữu Hóa), Khát vọng (Lê Huy Hạnh), Giọt thời gian (Phan Tiến Dũng)...

Mô tả ảnh.
Tại buổi tổng kết Trại sáng tác Điêu khắc Đà Nẵng 2010.
Đánh giá tổng kết, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam nêu một số nhận xét: Tác giả Lê Huy Hạnh, qua 2 tác phẩm “Khát vọng” và “Tình biển” đã cho chúng ta thưởng ngoạn những hình khối cuồn cuộn nhịp sống. Tất cả những dòng chảy của chất trữ tình trong thơ anh gửi vào khối đường nét mềm mại và có nhịp điệu. Phác thảo “Giọt thời gian” của Phan Tiến Dũng là một bố cục hoàn chỉnh, gợi được dư âm giọt mưa tí tách. Cách xử lý khối uyển chuyển, không tả người mà lại khiến ta liên tưởng đến hình tượng một người phụ nữ đẹp bên cạnh tiếng đàn quê hương.
Mô tả ảnh.
Phác thảo “Bên nhau” của Nguyễn Quang.
Lê Công Dũng với phác thảo “Hôm nay là quá  khứ của mai sau”, bố cục thật đẹp, có sáng tạo. Hai hình chóp nón úp chồng chéo nhau tạo nên được sự khép mở hờ hững. Khi đi quanh tượng, người xem bất ngờ nhìn thấy một em bé bò ra từ lỗ hổng. Hình tượng này nói lên sự tiếp nối không ngừng của cuộc sống. Trần Hữu Hóa với phác thảo “Tâm trạng” ngôn ngữ rõ ràng, mạnh mẽ. Nguyễn Quang với phác thảo “Bên nhau” đề cập tình yêu đôi lứa. Hai hình khối tròn đầy sức sống, nhiều chất quy nạp. Có những lỗ hổng cần thiết. Lỗ hổng đó chính là không gian đáng quý cho tác phẩm...

Có mặt tại Trại sáng tác lần này, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cùng tham dự với tư cách là trại viên. Phác thảo “Những con thuyền bị vỡ” của ông, qua hình tượng người phụ nữ ngóng nhìn ra chiếc thuyền mong manh ngoài biển khơi, đã làm gợi nhớ chúng ta những câu chuyện chân thật và vô cùng xúc động từ những làng biển Liên Chiểu, Thanh Khê... qua trận bão tố thảm khốc Chanchu, hoặc những mùa biển động gây nên bao thảm họa cho ngư dân. Phác thảo “Từ Đà Nẵng nhìn ra thế giới”, với hình cửa sổ là cánh chim hòa bình. Tác giả gây ấn tượng ở lỗ thoáng đột ngột của khối trong điêu khắc, đồng thời cũng là lỗ thoáng tư duy của người thưởng ngoạn. Tác phẩm nhắc nhủ chúng ta cần quan tâm chăm sóc hơn thế hệ trẻ cũng như thành phố thân yêu.

Được biết, trong thời gian đến, một số phác thảo chọn lọc từ Trại sáng tác sẽ được đề xuất nâng cao thành tác phẩm hoàn chỉnh và đặt ở công viên, quảng trường, bờ sông, bãi biển... trên địa bàn thành phố.

TRẦN TRUNG SÁNG

Đọc thêm