Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992; đồng thời, cũng đã bổ sung một số quyền mới. Quá trình thảo luận Dự thảo tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII nhiều ĐB đánh giá cao những bước tiến mới trong những quy định nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước của người dân do người dân, vì người dân.
|
Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi công dân. |
Phải đảm bảo thực thi trong thời gian sớm nhất
Dẫn chứng quyền phúc quyết của nhân dân đã được nêu trong Hiến pháp từ lâu mà chưa được thực hiện chỉ vì thiếu luật, tương tự, các quyền tự do hội họp trong đó có quyền biểu tình, quyền lập hội và luật thực thi trưng cầu dân ý cũng chỉ vì thiếu công cụ ấy…, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị ghi vào Điều 3 của dự thảo về việc nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phải có thêm một nội dung là mọi quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được bảo đảm thực thi đầy đủ trong thời gian sớm nhất.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Các quyền con người là bẩm sinh, vốn có của mỗi cá nhân con người, không ai có thể vi phạm và không chủ thể nào có thể ban phát. Nhà nước phải có trách nhiệm thừa nhận và đảm bảo những quyền đó được thực hiện trên thực tế”.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điểm yếu nhất của Hiến pháp 1992 khi quy định về quyền con người, quyền công dân lại nằm ở chỗ các quyền này hầu như không có hiệu lực trực tiếp. Hiến pháp không quy định về việc ban hành những đạo luật cần thiết tạo cơ chế để thực thi quyền thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Do vậy, đã dẫn tới tình trạng khá nhiều quyền hiến định (như quyền hội họp, lập hội, quyền biểu tình, quyền biểu quyết khi có trưng cầu ý dân…) không được triển khai trên thực tế.
Quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) cho biết, có loại ý kiến đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước để các quyền trong Hiến pháp có tính hiện thực và khả thi.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban đã dự kiến trình Quốc hội chỉnh sửa các điều khoản để rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện quyền, bảo đảm nguyên tắc vừa ghi nhận quyền con người, quyền công dân vừa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền.
Quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật
Lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban DTSĐHP cho biết, có luồng ý kiến cho rằng về cơ bản quyền con người là không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế phải chỉ rõ cơ sở để hạn chế và chỉ được hạn chế theo quy định của luật.
Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, một số quyền có thể bị giới hạn vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác… Như vậy, tùy vào từng quyền mà việc giới hạn quyền được quy định cho phù hợp.
Do đó, trên cơ sở ý kiến nhân dân, theo tinh thần các Công ước quốc tế, Ủy ban DTSĐHP đã chỉnh sửa trình Quốc hội quy định làm rõ hơn lý do và những trường hợp có thể giới hạn quyền, khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền. Theo đó, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.
ĐBQH Đặng Công Lý (Bình Định) nhấn mạnh: “Có những quyền con người là tuyệt đối, bất luận trong trường hợp nào thì cũng không bị hạn chế, tước bỏ. Ví dụ quyền không bị tra tấn, nhục hình, quyền được xét xử công bằng, quyền được bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh đó cũng có những quyền bị hạn chế trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định như quyền tự do đi lại, quyền hội họp, biểu tình, đình công”.
Tuy nhiên, theo ĐB Lý, quy định như dự thảo là chưa chặt chẽ, vì chưa thể hiện được nội dung cốt lõi của việc hạn chế quyền con người là phải bằng đạo luật. Do vậy, ĐB Lý đề nghị sửa theo hướng "quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe của cộng đồng".
ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phê, “quy định thể hiện chưa thống nhất dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau”. Theo ĐB Xuyền, Hiến pháp chỉ nên dẫn chiếu đến luật. Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân cũng phải do luật định chứ không thể do văn bản dưới luật. Các văn bản dưới luật quy định chi tiết thi hành luật không được phép có nội dung trái với quy định của luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quy định cụ thể quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong trường hợp nào nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng không nên quá “dễ dãi” trong việc quy định các quyền này, tránh việc lợi dụng dân chủ để gây nhiễu, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác…
Nguyễn Duy