Cụ thể tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (từ 12,29% cuối năm ngoái xuống còn 9,39% cuối năm nay), điển hình tại huyện nghèo 30a Đà Bắc giảm bình quân 8% trong 3 năm liên tiếp.
Thành quả đó mang niềm vui lớn đến các lớp cán bộ tham gia cuộc hành trình vì an sinh xã hội, trong đó có những người làm công tác tín dụng chính sách đã tận tâm, nhiệt thành chuyển từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước đến tận tay hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Minh Hưng - người có nhiều năm liền làm nhiệm vụ tác nghiệp, điều hành nguồn vốn ưu đãi - cho biết: Những năm qua, hoạt động ở địa bàn miền núi rộng lớn, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng không một cán bộ, nhân viên tín dụng chính sách nào ngại ngần, mà luôn đoàn kết, hăng hái tham gia chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương.
Chính từ ý chí và nỗ lực đó đã tạo nên sức bật mới của NHCSXH Hòa Bình đến nay có tổng nguồn vốn đạt 4.900 tỷ đồng, tổng dư nợ tăng hơn 4.800 tỷ đồng và số nợ quá hạn giảm còn 0,06% so với tổng nguồn vốn. Đặc biệt sau 21 năm hoạt động, NHCSXH đã triển khai đến 19 chương trình tín dụng chính sách, tăng 16 chương trình so với thời kỳ thành lập năm 2003. Các chương trình đều được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định. Tất thẩy nguồn vốn cũng được giải ngân trực tiếp đến tay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cả hộ mới thoát nghèo, giúp họ chuyển biến nhận thức, cách thức thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay tại quê nhà.
|
Được mùa bưởi tại nhà bà Lê Thị Vòng (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc). Ảnh: Trần Việt |
Thực tế thời gian qua, dòng vốn tín dụng ưu đãi luôn được khơi thông, chảy đều đặn về khắp miền quê Hòa Bình. Những người làm tín dụng chính sách nơi “cửa ngõ” vùng Tây Bắc này đã làm được khá nhiều việc ích lợi cho dân nghèo, đánh thức các thôn xã đặc biệt khó khăn.
Những cán bộ NHCSXH trong trang phục áo hồng cánh sen đã chẳng quản gian nan vất vả, tháng ngày băng rừng, vượt đèo chuyển tải an toàn, đầy đủ 4.900 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, kể cả 136 tỷ vốn ngân sách của địa phương chuyển sang về tới bản làng, khối phố, giúp các đối tượng chính sách vay thuận lợi, kịp vào vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cán bộ điều hành NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên đi cơ sở, trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân thu nợ, thu lãi vốn vay và tham gia “3 cùng” với cán bộ tín dụng cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể địa phương, cùng sẻ chia, đồng hành với người dân, qua đó giúp các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn ưu đãi.
Cán bộ tín dụng chính sách nơi đây luôn chủ động tham mưu cho UBND cấp xã, phường thường xuyên rà soát bổ sung hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo vào danh sách hộ được vay vốn ưu đãi, phối hợp chặt chẽ với toàn mạng lưới 2455 tổ tiết kiệm và vay vốn ( TK &VV) và 604 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cấp xã nắm bắt nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chủ động cân đối, đáp ứng đủ, kịp thời cho mọi đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn trên địa bàn.
Đặc biệt, những năm gần đây với cách thức “giao dịch tại nhà”, giải ngân thu nợ tại xã “do cán bộ tín dụng chính sách thực hiện cũng góp phần thuận lợi giúp hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của NHCSXH, giảm thời gian đi lại, tạo lòng tin của khách hàng. Đây là động lực to lớn để Hòa Bình thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội…
Trở lại Hòa Bình vào những ngày này mới thấy rõ ràng ý nghĩa từng việc làm của những cán bộ tín dụng chính sách đã và đang tận tâm, nhiệt thành tham gia cuộc hành trình vì an sinh xã hội. Trên mảnh đất này, không có hộ nghèo nào có nhu cầu, đủ điều kiện không vay được vốn ưu đãi.
Đơn cử như vợ chồng anh Thuận chị Hà - dân tộc Mường ở khu 2 thị trấn Cao Phong - được đồng vốn ưu đãi hỗ trợ đã cải tạo 3.000m2 đồi hoang, vườn tạp thành vườn cây ăn quả, đến nay thu hoạch hơn 4 tấn cam lồng vàng, quýt ngọt.
|
Mùa cam chín ở huyện Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: Trần Việt |
Tương tự bà Lê Thị Vòng ngụ xóm 1 xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đã sử dụng 80 triệu đồng vốn ưu đãi của chương trình tín dụng giải quyết việc làm, trồng được 400 cây ăn quả có múi là bưởi da xanh, bưởi múi đỏ thu lãi đến 200 triệu đồng/ năm.
Còn tại xã Pà Cò, gia đình anh Phàng A Páo, người Mông đã vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Mai Châu mạnh dạn thâm canh nương chè sạch và nuôi bò nhốt chuồng. “Dân tộc Mông quê mình trước kia khổ cực lắm, quanh năm vào rừng kiếm củi, săn bắt muông thú. Từ khi được cán bộ ngân hàng chính sách mang tiền của Chính phủ về tận bản làng cho dân vay, lại còn chỉ bảo cách thức sử dụng vốn vay vào trồng chè giống mới, nuôi trâu, bò sinh sản, sửa chữa cả nhà cửa để đón khách xa gần đến du lịch, tham quan. Cuộc sống giờ no đủ, tươi vui rồi”, anh Páo tâm sự.
Đã 21 năm qua, những người làm tín dụng chính sách ở Hòa Bình trọn vẹn với công cuộc xóa nghèo đói, đạt được thành tích đáng khích lệ, nhưng ở nơi “cửa ngõ” vùng Tây Bắc này vẫn tồn tại nhiều hộ nghèo, nhiều thôn xã khó khăn. Thế nên thời gian tới tập thể, cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, góp phần thiết thực thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững trên quê hương mến yêu.