Những 'cánh tay' nối dài của quản lý thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kể từ khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng này đã tập hợp thêm cho mình rất nhiều đơn vị, hiệp hội, cơ quan trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... 
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an trong khi thi hành công vụ.
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an trong khi thi hành công vụ.

Dễ dàng tiếp cận, xử lý thông tin trong lĩnh vực du lịch

Hệ thống tiếp nhận phản ánh của khách hàng về dịch vụ du lịch đã chính thức vận hành từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Theo đó, khách du lịch chỉ cần cài app "Du lịch Việt Nam an toàn" là có thể dễ dàng phản ánh tất cả vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, ép giá, quảng cáo không đúng thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... trong lĩnh vực du lịch. Các thông tin phản ánh sẽ được Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tiếp nhận, xác minh và xử lý.

Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” được kết nối liên thông với hệ thống thông tin nghiệp vụ của Tổng cục QLTT, cho phép 2 bên dễ dàng phối hợp tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của du khách trong và ngoài nước. 

Đại diện Tổng cục QLTT khẳng định, với sự kết hợp giữa 2 đơn vị và hệ thống tiếp nhận được vận hành, những phản hồi của khách du lịch sẽ được tiếp nhận và xử lý tức thì. Đây chính là cách làm nhanh nhất, hiệu quả nhất trong việc góp phần làm lành mạnh thị trường nói chung và môi trường du lịch Việt Nam nói riêng.

Trước đó, Tổng cục QLTT cũng đã ký kết với một tổ chức quốc tế của Nhật Bản trong việc hợp tác, thúc đẩy và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tin từ Tổng cục QLTT cho biết, do toàn thế giới vẫn đang trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 nên lễ ký kết giữa 2 đơn vị không thể thực hiện theo hình thức truyền thống. Do đó, 2 bên đã quyết định tổ chức ký kết từ xa. Đây là bước đầu tiên đánh dấu việc hợp tác giữa 2 đơn vị nhằm tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm SHTT tại Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều mặt hàng Nhật Bản được tin dùng và lựa chọn tại thị trường Việt Nam như sữa Meiji, thương hiệu thời trang Uniqlo, các sản phẩm gia dụng của Panasonic, máy tính Casio. Đó là lý do cho những loại hàng giả mang thương hiệu này có đất sống. Thậm chí, đã từng có những thông tin cho biết, giá các loại sản phẩm Nhật bán ở Việt Nam còn rẻ hơn những sản phẩm này bán ở Nhật. 

Trước tình hình này, một số cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cần có sự hợp tác sâu rộng, chặt chẽ trong việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. Do đó, Bản ghi nhớ mới ký kết giữa Tổng cục QLTT và Văn phòng Sáng chế Nhật Bản được kỳ vọng có thêm một cánh tay nối dài nữa cho lực lượng QLTT trong việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát tình hình thực thi SHTT tại Việt Nam nói chung và đối với các mặt hàng mang thương hiệu Nhật Bản nói riêng. 

Nhiều vụ bắt giữ có sự phối hợp với các lực lượng

Kể từ khi thành lập Tổng cục QLTT, lực lượng này đã tập hợp thêm cho mình rất nhiều cơ quan phối hợp, hậu thuẫn trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Hàng loạt các quy chế phối hợp được ký kết từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đến các hiệp hội, doanh nghiệp… Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá, việc ký kết các quy chế phối hợp đã khiến cho công tác kiểm tra, giám sát thị trường thuận lợi và chặt chẽ hơn. Việc ký kết từ Tổng cục cũng tạo điều kiện cho các Cục địa phương hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Mới đây, lực lượng QLTT tại các tỉnh đã đồng loạt thực hiện ký quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn với lực lượng công an.

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc ký kết quy chế phối hợp giữa 2 lực lượng nhằm gắn kết, chung sức trong công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, nhất là buôn lậu và gian lận thương mại. Đặc biệt, hiện nay việc kinh doanh hàng hoá trên không gian mạng ngày càng nở rộ, do đó, 2 bên sẽ phối hợp, ngăn chặn hiệu quả việc lợi dụng không gian mạng để buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TP HCM cho biết, trong thời gian qua, lực lượng QLTT thành phố luôn chủ động phối hợp với các Phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện để trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật, diễn biến thị trường, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm; phối hợp xử lý nhiều vụ việc có tính chất phức tạp... 85% số vụ việc do Cục QLTT TP Hồ Chí Minh bắt giữ đều có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, trong đó chủ yếu là cơ quan Công an.

Đọc thêm