Về Đà Nẵng sinh sống và làm việc sau vài năm bôn ba nơi xứ người là lựa chọn của nhiều trí thức trẻ. Mỗi người là một câu chuyện, một niềm chia sẻ khác nhau. Nhưng, dù làm việc ở lĩnh vực nào, trong họ cũng căng đầy nhiệt huyết và niềm đam mê.
Chung một niềm ấp ủ
|
Tổ chức thành công chương trình Danang Wedding 2009 cũng là cách để MPA giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp đến với người dân. |
Mới đây nhất, ông đã cùng hai học trò của mình là Phạm Việt Cường (lớp 12A2) và Nguyễn Kiều Hiếu (lớp 12A1) mang về cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hai Huy chương bạc Olympic Toán Quốc tế (IMO) 2010 lần thứ 51 tổ chức tại Astana, Kazakhstan.
Về trường hợp TS Nguyễn Duy Thái Sơn, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh: “Sau 10 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài với nhiều chế độ ưu đãi, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 727 trường hợp. Trong đó có 8 TS và 111 Thạc sĩ. Phần lớn những TS khi về Đà Nẵng công tác đều có năng lực thật sự. TS Nguyễn Duy Thái Sơn là một ví dụ. Dù trong thỏa thuận hợp đồng với Sở Nội vụ, TS Sơn có thể đi sau 5 năm làm việc hoặc hơn, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng, việc thực hiện chính sách tốt và tình cảm của người Đà Nẵng sẽ giữ chân ông ở lại để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của thành phố”.
Thu hút nhân tài là chính sách mới, mang tính đặc thù trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đà Nẵng và là giải pháp quan trọng, tạo nguồn kế thừa có chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nếu một TS khi về Đà Nẵng trước năm 2007 được hỗ trợ 30 triệu đồng thì từ năm 2007-2010 được hỗ trợ 50 triệu đồng, và từ 2010 được hỗ trợ 70 triệu đồng, hưởng lương gấp đôi cùng nhiều ưu đãi khác về nhà, đất ở, môi trường làm việc… Cách làm này đã tạo điều kiện cho những trí thức trẻ “an cư lạc nghiệp”, yên tâm làm việc trên mảnh đất Đà Nẵng.
Không chọn cho mình cách đi trên “thảm đỏ”, nhiều trí thức trẻ khác khi về Đà Nẵng đã tự tìm cho mình lối đi riêng. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân, họ còn mang trong lòng niềm ấp ủ sẽ được sống và cống hiến sức trẻ cho thành phố. Anh Huỳnh Trần Huy Thịnh, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến và Quảng bá thương mại MPA từng có thời gian 5 năm học tập và làm việc tại Pháp với 2 bằng cao học về AIM (Ứng dụng công nghệ cao cấp của Internet) và Truyền thông, từng là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Sẵn có những mối quan hệ khi tổ chức các hoạt động giao lưu, ra trường, anh quyết định ở lại Pháp làm việc. Nhưng thỉnh thoảng sau những chuyến đi-về giữa Pháp và Việt Nam, trong đầu anh luôn hiện lên suy nghĩ “Mình cần gì? Vật chất? Tinh thần? Hay cả hai?”. Cuối cùng, anh quyết định về Đà Nẵng. Theo anh: “Tôi chọn Đà Nẵng, bởi nhận thấy đây là môi trường thật sự tiềm năng. Hơn nữa, ở đây tôi còn có gia đình, bạn bè, những người bạn cùng chí hướng và mong muốn xây dựng Đà Nẵng thật sự phát triển trên nhiều lĩnh vực…”.
Cần sự giúp sức từ thành phố
Tốt nghiệp hạng ưu tại ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, KTS Vương Quang Hưng, hiện là Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Đèn Bão chưa từng có suy nghĩ sẽ về Đà Nẵng làm việc. Bởi, 10 năm gắn bó với TP. Hồ Chí Minh đủ để anh gầy dựng sự nghiệp và mối quan hệ cho riêng mình. Nhưng cuối cùng, anh quyết định quay về Đà Nẵng mở quán café Katynat để có thời gian tìm hiểu lại thị trường, văn hóa và con người nơi đây.
Sau gần một năm, nhận thấy thị trường nhà ở Đà Nẵng đang thật sự tiềm năng, Hưng quyết định thành lập Công ty TNHH Đèn Bão, chuyên thiết kế và trang trí nội ngoại thất, thi công công trình, nhà thầu hệ thống mạng và an ninh. Anh chia sẻ: “Theo khảo sát của chúng tôi, ở Đà Nẵng hiện có khoảng 300 công ty thiết kế. Điều này càng làm tăng thêm khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Là một cá thể độc lập, chúng tôi luôn hòa nhập cùng các công ty khác, biến cạnh tranh trở thành sự cộng hưởng, đôi bên cùng có lợi”.
Cùng kinh doanh trong lĩnh vực thiết kế, Công ty CP Kiến trúc Tết do anh Lê Xuân Hùng làm giám đốc cũng đã có mặt ở Đà Nẵng năm 2004. Về Đà Nẵng, phải mất hơn một năm, Lê Xuân Hùng mới thôi có cảm giác muốn quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Bởi, anh vẫn cảm thấy thiếu điều mình mong muốn về một môi trường thật sự năng động để làm việc. Nhưng bây giờ, sau 6 năm gắn bó với Đà Nẵng, Hùng nhận thấy sự lựa chọn của mình là đúng. “Tôi đánh giá rằng, thị trường Đà Nẵng đang rất tiềm năng. Dù hiện nay, mức lương tôi nhận được hằng tháng chưa thể bằng con số tôi đã nhận được khi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu bản thân mỗi người biết chủ động nắm bắt cơ hội, thì việc làm giàu trên mảnh đất Đà Nẵng là không khó”.
“Những doanh nghiệp trẻ như chúng tôi luôn mong chờ có một buổi tọa đàm với UBND thành phố, Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch để tìm ra điểm chung, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố sự kiện”. Những chính sách thông thoáng sẽ giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất ý tưởng…”. Thịnh chia sẻ mong muốn của mình.
Hiện nay, nhiều trí thức trẻ thực sự có năng lực đang quần tụ về Đà Nẵng để khởi nghiệp. Đây là tín hiệu vui. Tuy nhiên, nếu thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền, họ sẽ lại vỗ cánh bay đi tìm miền đất mới. “Giúp đỡ các doanh nghiệp trẻ không phải là cho họ tiền, mà hãy cho họ làm chủ những dự án vừa và nhỏ, để họ dần phát huy năng lực bản thân”, suy nghĩ của KTS Hưng âu cũng là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ sau khi về thành phố lập nghiệp.
Tiểu Yến