Nếu chỉ nhìn vào những tên tuổi từng đến biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì chưa chắc người ta đã tin rằng ở Việt Nam nhạc cổ điển còn lâu mới được gọi là phổ biến rộng rãi: huyền thoại cello Mstislav Rostropovich, thần đồng dương cầm Lang Lang, nghệ sĩ vĩ cầm Hilary Hahn, Dàn nhạc Giao hưởng New York Philhamonic, nghệ sĩ opera Francesca Patanè… và gần đây là nghệ sĩ cello Giovanni Solima.
12 cây cello thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Berlin biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 10-7-2010 |
Càng không có gì để phàn nàn khi chỉ cần dưới 500 nghìn đồng đã có thể sở hữu một tấm vé hạng trung ở những buổi hòa nhạc đỉnh cao như vậy, mà không bao giờ có chuyện phải đặt chỗ trước cả năm như ở nhiều nước khác. Với giá vé đó mà còn kêu đắt thì tự cảm thấy mình không phải, nếu hiểu rõ giá trị lao động của nghệ sĩ - họ đã bay cả ngàn cây số đến chỉ để chơi một đêm duy nhất, và phía sau đêm biểu diễn là hàng bao năm trời luyện tập vô cùng cực nhọc. Nên cảm thấy mình may mắn khi có được tấm vé mua bằng số tiền không nhỏ so với mức thu nhập của mình, dù có vô khối người chẳng coi tấm vé mời được trao tận tay ra gì. Một khi đã mắc bệnh hay để ý thì bạn không thể đến một buổi hòa nhạc nào ở Việt Nam mà không đem về vài ấn tượng khó chịu. Trẻ con chạy loắng quắng khi đã bắt đầu buổi diễn, điện thoại di động đột ngột lấp loáng ré lên, hay “bà tám” quá sức vô tư thoải mái… - từ năm này qua năm khác, những chuyện đó không lúc nào thiếu. Nhưng có thể bạn sẽ khó chịu ngay từ khi buổi diễn chưa bắt đầu, khi có tiền cũng không mua nổi vé, vì những chỗ ngồi tốt nhất đã được đem mời cả rồi. Cho những người cần phải mời, hoặc cho những người xin vé thuộc dạng cần phải cho. Nếu xin vì muốn nghe nhạc thì không có gì phải nói, nhưng trong số đó không ít người nhiễm cái tật, thấy được mời, được cho thì cứ lấy, dù không quan tâm, không thích. Khi chương trình hòa nhạc Hennessy mới sang Việt Nam, sau mỗi buổi biểu diễn, Ban tổ chức thường phát CD lưu niệm cho khán giả, nhưng cử chỉ đẹp này nhanh chóng bị loại bỏ chỉ sau hai, ba năm, do nhiều người cứ tiện tay cầm liền cả mấy đĩa, chả hiểu để làm gì, khiến những người thật sự muốn có một chiếc đĩa kỉ niệm phải về tay không. Số phận những chiếc vé mời thường không khá hơn. Phần lớn các vị quan khách quá bận để có thể dành thời gian đến các khán phòng, vé mời tiện tay đem cho người quen, mà những người cầm vé chẳng chút trân trọng nên mới dẫn trẻ con theo kèm như đi siêu thị, và biến khán phòng thành nơi biểu diễn các bộ sưu tập thời trang. Đêm nghệ sĩ người Ý Giovanni Solima, “Jimmi Hendrix của cello”, biểu diễn ở Nhà hát Lớn mới đây, có hai nàng Kiều ngồi ở hàng ghế sát sân khấu thu hút sự ánh mắt của không ít người, nhưng thu hút không phải vì hai nàng quá xinh đẹp và ăn mặc sành điệu mà vì hai nàng chỉ quay sang nói chuyện với nhau là chính, để mặc âm nhạc đi từ tai nọ qua tai kia. Trong một phút ngẫu hứng, nghệ sĩ mang cây cello chế tạo từ năm 1679 bước xuống sân khấu, dạo một vòng quanh khán phòng tầng 1. Có người đứng cả lên mong được chiêm ngưỡng kỹ hơn nhạc cụ cổ hiếm có, riêng hai nàng vẫn vui vẻ nhắn tin và thì thầm vào tai nhau, như không hề có gì xảy ra. Chẳng rõ nghệ sĩ có lấy làm buồn không, còn những người chậm chân hoặc ít tiền chỉ mua được vé trên tầng 3 thì tiếc đứt ruột. Tất nhiên chỉ đủ tiền mua vé rẻ thì phải chịu, nhưng vẫn ngẩn ngơ vì những tấm vé vốn chẳng liên quan gì đến mình. Buổi biểu diễn của 12 cây cello thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Berlin lừng danh đầu tháng 7 vừa qua là cơ hội có một không hai cho người Hà Nội - ở nước ngoài cũng hiếm khi 12 nghệ sĩ chơi riêng một đêm nhạc như thế. Nhờ nằm trong chuỗi sự kiện văn hoá "Năm Đức tại Việt Nam" mà buổi diễn mới được tổ chức, những khán giả bình thường, thì dù là người Đức sống ở Hà Nội, cũng không dễ kiếm được vé. Khán phòng đông chật đến tận hàng ghế cuối cùng. Nhạc mục toàn những tác phẩm lừng danh được xếp đặt khéo léo, kỹ thuật trình diễn toàn hảo của các nghệ sĩ khiến người nghe vừa thỏa mãn vừa vô cùng thán phục. Vậy mà sau giờ giải lao, nhiều ghế đẹp ở tầng 1 và các lô (những vị trí đặc biệt ưu tiên khách mời) không thấy người trở lại. Trong khi đó trên tầng 3 không ai bỏ về. Dãy “chuồng gà” phút cuối vẫn đông như phút đầu. Dù nhiều người không có chỗ ngồi, tất cả vẫn đều nán lại cho tới khi những nốt nhạc cuối cùng của bản bonus kết thúc. Một người nước ngoài cao lớn, chắc không muốn ngồi trong chiếc ghế chật chội đã đứng suốt cả buổi diễn, vỗ tay thật nhiệt thành sau mỗi tác phẩm, mái tóc bạc của ông đẫm mồ hôi. Lại thấy tiếc. Giá như những chiếc vé không hề được trân trọng kia được trao vào tay những khán giả như ông. Qua các chương trình nghệ thuật mà các sứ quán hay các viện văn hóa kỳ công đưa đến Việt Nam, có thể thấy nhiều nghệ sĩ lừng danh đã rất ưu ái công chúng nước ta khi dành một vài đêm trong lịch trình biểu diễn chật kín của mình để ghé qua Nhà hát Lớn. Ngoài nghĩa vụ đối với tổ quốc, thì trước tiên họ là những nghệ sĩ, luôn mong muốn đem âm nhạc đến với những người đồng cảm. Họ biểu diễn hết mình một cách chuyên nghiệp dù thấy rõ nhiều người trong khán phòng chẳng hề để tâm, nhưng sau mỗi cuộc giao lưu như thế, lại có thêm những bằng chứng cho thấy Việt Nam thật sự vẫn còn là vùng trũng về văn hóa.
Theo Tia Sáng