Những chuyến hành hương mùa xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết thúc chuỗi ngày nghỉ Tết, người dân nô nức bước vào chuyến du xuân đầu năm đến các lễ hội, địa điểm tâm linh để cầu một năm bình an, may mắn.
Du khách nên giữ tâm được an yên, thanh tịnh khi đến địa điểm du lịch tâm linh. (Nguồn ảnh: tuoitrethudo.com.vn).
Du khách nên giữ tâm được an yên, thanh tịnh khi đến địa điểm du lịch tâm linh. (Nguồn ảnh: tuoitrethudo.com.vn).

Nhộn nhịp hành hương

Từ bao đời nay, việc đi lễ đền, chùa đầu năm mới đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Sau một năm bộn bề, bận rộn, vất vả với cuộc sống, gia đình, mọi người chọn đến địa điểm tâm linh để thư giãn tâm trí, tìm lại bình an ở bên trong. Chính vì thế mà việc đi lễ chùa đầu năm thường được bắt đầu ngày từ thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới và kéo dài đến hết tháng Giêng.

Với sự phát triển của xã hội, ngày nay, người Việt Nam có nhiều lựa chọn đi lễ đền, chùa. Họ có thể đi những nơi gần địa điểm sinh sống như đình làng, đền, chùa mà mỗi phường, xã, quận, huyện đều có. Với quan niệm đầu năm là thời gian tâm linh, linh thiêng khi đất trời hòa quyện vào nhau, nhiều người sẽ bắt đầu chuyến “hành hương” thăm thú, lễ lạt tại những ngôi chùa cổ kính, đền thờ những vị thần, anh hùng dân tộc nổi tiếng tại Việt Nam.

Như Quảng Ninh là một địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn xuất hành vào đầu năm mới. Tỉnh có khoảng hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa các loại. Trong đó, có rất nhiều di tích lịch sử trở thành những điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương như: Khu di tích Yên Tử, đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn), Ngọa Vân (Đông Triều)... Không chỉ có nhiều di tích, Quảng Ninh còn có trên 80 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm, trong đó có nhiều lễ hội diễn ra trong tháng Giêng như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội Ngọa Vân, Yên Tử... thu hút hàng vạn du khách về tham quan, chiêm bái, lễ Phật. Chỉ tính riêng những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán mỗi năm, số lượng du khách đổ về các khu di tích, danh thắng tăng đột biến.

Ngoài việc thắp một nén hương cầu bình an, hạnh phúc ở những đền chùa linh thiêng thì hiện nay, người dân cũng ưu tiên chọn địa điểm “hành hương” là những nơi có phong cảnh hữu tình. “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), cảnh xuân trăm hoa đua nở, trăm sông xanh ngát, đây là thời điểm để mọi người có thời gian thảnh thơi thăm thú, ngắm nhìn non sông, gấm vóc quê hương. Cho nên, những ngôi chùa, thiền viện, ngôi đền tựa núi, nhìn sông được nhiều du khách ưu ái.

Một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn người dân như tỉnh Ninh Bình. Là một trong những tỉnh, thành có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đặc sắc và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Cứ đến đầu năm mới, Ninh Bình lại trở thành một điểm đến hấp dẫn. Hiện tại tỉnh Ninh Bình có hơn 300 ngôi chùa, với hàng chục ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, hạng di tích cấp quốc gia. Nét độc đáo riêng của Ninh Bình là có tới gần 20 ngôi chùa gắn liền với núi đá, hang động. Như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, chùa Đồng Đắc, khu du lịch Bái Đính. Với những lợi thế trên, du lịch tâm linh luôn là một trong những thế mạnh góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Ninh Bình. Vào thời gian đầu năm mới Giáp Thìn, hàng trăm nghìn lượt khách đổ về nơi đây, để thăm thú đền, chùa, ngắm cảnh và thư giãn tâm hồn.

Đặc biệt, với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đầu năm còn là chuỗi ngày người dân lựa chọn để đến hàng loạt đền thờ, lễ hội tổ chức tại đền, chùa ở Việt Nam. Có những người đi ba bốn lễ hội liên tiếp bắt đầu từ đầu tháng Giêng sang đến tận tháng ba âm lịch mới kết thúc. Ví dụ như họ sẽ đi Lễ hội chùa Hương (lễ hội được kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Tết Âm lịch hàng năm), đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất Việt Nam, thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương mỗi dịp đầu năm mới. Sau đó, họ tiếp tục tham dự Lễ hội Khai ấn đền Trần là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam, diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại Khu di tích đền Trần thuộc phường Lộc Vương, Nam Định, thu hút du khách thập phương đến tham gia với mong muốn một năm mới phát tài, thành đạt. Cuối cùng tham dự Lễ hội đền Ông Hoàng Mười diễn ra vào rằm tháng 3 âm lịch ở tỉnh Nghệ An.

Tâm an trong mùa lễ hội

Tháng Giêng là tháng của những chuyến du xuân đến các địa điểm tâm linh.

Tháng Giêng là tháng của những chuyến du xuân đến các địa điểm tâm linh.

Tháng Giêng trở lại là tháng của những lễ hội, đặc biệt là những lễ hội lớn và kéo dài nhiều ngày như chùa Hương hay các lễ hội trọng điểm, thu hút hàng vạn, hàng triệu du khách thập phương như hội Gióng đền Sóc, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Gò Đống Đa… Không khí hội hè, tràn ngập sắc xuân mang đến nhiều cảm xúc, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu phải đổi mới, sát sao, quyết liệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giúp người dân nhận thức đúng đắn hướng đến một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Mỗi du khách đi đền chùa, lễ Phật cần mang một tâm thế hướng đến điều thiện lành, bỏ bớt tâm tham, sân si. Thực tế, nhiều người đến chùa đầu năm, để hướng đến tiền tài, danh lợi. Vì vậy, việc đi đền chùa vốn là một nét đẹp văn hóa, là thời gian để mọi người để thư giãn, tìm về bình an, hạnh phúc, nay lại nặng nề, mệt mỏi vì công danh, lợi lộc chiếm trọn tâm trí.

Thực chất, thờ Phật, thờ thánh thần, không phải sợ hãi, tôn sùng quyền năng của các bậc chí tôn này. Mà sâu xa hơn, là một biểu hiện của sự kính ngưỡng cao cả và tỏ lòng tri ân chân thành của mọi người đối với giá trị tốt đẹp. Đồng thời, việc thờ tự hình tượng Phật, thánh thần trong đền chùa còn là cách để mọi người có cơ hội thường được chiêm ngưỡng dung nghi và học theo những đức hạnh tốt đẹp. Ví dụ như Phật là một tấm gương sáng, nhờ noi gương Phật, chúng ta tích cực chuyển hoá những suy nghĩ, lời nói và hành động xấu ác của tự thân trở về chân - thiện - mỹ.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế từng chia sẻ với báo chí, truyền thông rằng nhiều người nghĩ có thần thánh nên không theo thần thánh là không được, nhiều khi do con người tự “vẽ ra” để làm cho nhau sợ hãi rồi tìm cách cúng kính, cầu xin các thứ, đó là mê tín. Thần thánh sinh ra phải nhằm mục tiêu giáo hóa con người sống tốt đẹp hơn, hướng tất cả mọi hành động và lời nói của con người phải trên cơ sở suy xét kỹ, có tư duy sâu, áp dụng vào cuộc sống hiện tại chứ không phải mơ hồ.

Điều màu nhiệm, thiêng liêng khi du khách tìm đến đền, chùa là đạt đến trạng thái tinh thần tuyệt vời nhất. Như sư thầy Minh Niệm từng nói: “Chất liệu quý giá nhất là chất liệu của sự thanh tịnh. Đó là trạng thái của bình an, trong trẻo, trạng thái lắng yên hoàn hoàn, không có cái tôi nào, kỳ thị nào ở đó. Ta phóng chiếu ra thế giới xung quanh thấy cái gì cũng đẹp. Khi tâm ta thanh tịnh trong trẻo, thuần khiết là khi thế giới quanh ta trở nên màu nhiệm”.

Chính vì vậy, du khách đi lễ đền, chùa đến cần phải tránh hành vi “xấu xí” như cầu cúng, thắp nhanh, thắp hương bừa bãi ở khắp mọi nơi khi không được ban quản lý đền, chùa cho phép. Hay việc cúng sao giải hạn, hình nhân thế mạng, lập đàn cầu duyên, xem bói, xem tướng số,... Như vào năm mới, có những đàn cầu duyên được lập ra ở một số đền, chùa, thu hút rất nhiều nam thanh, nữ tú tham gia. Những cô gái, chàng trai này đều hy vọng sang năm mới sẽ tìm được người yêu ưng ý, tìm được mối duyên lành để dựng vợ, gả chồng. Tuy nhiên, việc kết hôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thực tế cho thấy có không ít người tham gia cắt duyên âm, lập đàn cầu duyên, nhưng vẫn “lẻ bóng”. Vì vậy, thay vì tốn chi phí vào hành động cầu cúng mê tín dị đoan, những người tham gia các chuyến du lịch tâm linh nên cẩn trọng, tránh “tiền mất, tật mang”.

Ngoài ra, để giữ văn minh mùa lễ hội, việc đốt vàng mã cần hạn chế tối đa. Mặc dù, trong quan niệm của ông cha người Việt Nam từ bao thế hệ nay cho rằng “trần sao, âm vậy”, cứ đến ngày lễ quan trọng, như Tết Nguyên Đán, người dân lại đốt nhà lầu, xe hơi, ngựa gỗ,... bằng vàng mã. Không chỉ đốt ở nhà, mà họ còn đốt tại đền, chùa để gửi chút “lòng thành” đến các vị thầnh, phật. Đây cũng không phải là một hành động đẹp, đốt vàng mã làm ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Đặc biệt hơn, đốt vàng mã không phải là quy định của các tôn giáo mà chỉ là quan niệm của ông cha từ thời xưa. Như Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh (TP HCM) từng nhận định, đốt vàng mã là tục lệ của dân gian, không mang tính tôn giáo. Trong hoạt động của Phật giáo không có hình thức đốt vàng mã. Tín ngưỡng dân gian cũng cần được tôn trọng. Đồng thời hiện nay, có nhiều đền chùa đã giải thích để tín đồ, phật tử và những người đến chiêm bái hiểu rằng việc đốt vàng mã không có giá trị về mặt tâm linh giúp mọi người dần hạn chế rồi bỏ tục đốt vàng mã.

Đọc thêm