Những chuyến xe chở một góc hồn xứ Huế

 

Ai một lần đến Huế cũng đều muốn được ngồi trên xích lô, để dạo quanh kinh thành hay len lỏi vào những con ngõ nhỏ cổ kính… 

 

“Khung giờ vàng” của hoạt động nghề xích lô là sáng sớm và xế chiều, lúc tiết trời dịu nhẹ, mát mẻ, cũng là thời điểm trên phố xuất hiện nhiều bóng dáng cần mẫn của những người đạp xích lô nhất. Nhưng xích lô ở Huế có sự “nhường nhịn nhau” khá thú vị: những người hoạt động có tổ chức quản lý thường chỉ đạp vào buổi sáng và để dành buổi tối cho những người làm tự do.

 

Để hành nghề xích lô không cần qua trường lớp nào, chủ yếu do “cha truyền con nối”, nhưng để phát triển nghề và nâng cao thu nhập, đòi hỏi người đạp xích lô phải có vốn liếng về kiến thức lịch sử địa phương và ngoại ngữ giao tiếp cơ bản. 

Bác Trần Tiến – hành nghề xích lô đã hơn 20 năm cho biết: “Tôi không ngại khổ vì làm nghề này, tôi chỉ ngại khi du khách họ hỏi những gì về địa phương mà tôi toàn không biết thôi, bởi vậy ngày nào cũng phải nạp thêm kiến thức từ đồng nghiệp hay sách báo”.

Nói đến cái cực của nghề, phải kể đến tác động của thời tiết, nhất là khi thời tiết Huế vốn thất thường “sáng nắng, chiều mưa” khiến cho những người hoạt động xích lô luôn phải đề phòng, chuẩn bị để có thể trở tay nhanh nhất che chắn cho du khách, cũng như bảo vệ chiếc xích lô qua mưa gió.

 

Thời buổi phương tiện giao thông phát triển ồ ạt như bây giờ, xích lô không còn chiếm vị trí độc tôn trong lựa chọn đi lại của du khách. Tuy vậy, các bác đạp xích lô vẫn luôn lạc quan trước sự “thất thủ” theo năm tháng của loại hình này. 

Bác Hồ Văn Trứ (57 tuổi) chia sẻ: “Du khách trong và ngoài nước vẫn rất thích đi xích lô, bởi vì ngồi trên đó dễ ngắm nhìn, dừng đỗ rất nhiều điểm và đi qua những con đường nhỏ cũng dễ.”

 

Đi cùng vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất, xích lô vẫn là lựa chọn di chuyển truyền thống và phù hợp nhất để du khách có thể từ từ tận hưởng hết những tinh túy mà nơi đây có được. Dạo một vòng qua những tuyến đường rợp bóng cây xanh, đến tham quan lăng tẩm, mái chùa cổ kính và nghe họ kể về những câu chuyện lịch sử xoay quanh địa điểm đó. Hay dừng chân thưởng thức những món ăn ngon nổi tiếng xứ Huế và mua sắm quà lưu niệm tại chợ Đông Ba luôn là gợi ý hàng đầu của các hướng dẫn viên đạp xích lô.

 

Nói đến màu sắc đặc trưng của một thành phố, hẳn chỉ có màu tím như đã dành riêng cho Huế. Cũng chính vì điều đó, màu tím luôn được sử dụng như một điểm nhấn trong cách tân trang những chiếc xích lô hay lựa chọn đồng phục cho dịch vụ này. Chiếc xe màu tím di chuyển chầm chậm giữa một biển người, ô tô, xe máy cũng là một nét duyên mộc mạc gợi thương gợi nhớ. 

 

Xích lô đã có ở nhiều nơi nhưng đã bao giờ bạn biết về “xích lô hát”? Đây là cụm từ chỉ xuất hiện ở riêng nơi đây. Có lẽ vì người Huế dường như ai cũng có một chút “máu” nghệ sĩ và đặc biệt ai cũng yêu thích nhạc Trịnh, vì thế những người đạp xích lô sở hữu giọng hát tha thiết và luôn sẵn sàng cất lên những ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ tài hoa. Một lần được trải nghiệm ngồi trên chiếc xe nhàn nhã ngắm phố xá và nghe những câu hát quen thuộc, mộc mạc sẽ khiến du khách cảm mến hơn thành phố này.

 

Hình ảnh giản dị của những người lao động đã đi vào nghệ thuật và Phương ‘Xích lô’ (tên thật là Nguyễn Văn Phương) chính là thi sĩ đầu tiên bước vào cõi thơ trên ba bánh xe xích lô ấy. Sinh thời, ông là hội viên Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế và có nhiều tập thơ được ra mắt. Trong đó bài “Xích lô hành” xuất bản năm 2007 được rất nhiều chú, bác trong nghề ngâm thơ mỗi khi tụ tập với nhau chia sẻ về công việc, hay đó cũng là cách để mời khách lên xe và hiểu hơn về cái nghề của họ.

 

“Ta xích lô hề! Ngươi xích lô/ Ráng cho xong hết một đời phu/ …../ Dù sao mình cũng còn lương thiện/Ngươi xích lô! Ta xích lô”.

 

“Đây là lần đầu tiên tôi ngồi xích lô để đi dạo, vì đi du lịch nên cũng sợ bị chặt chém nhưng thật sự rất bất ngờ vì những bác đạp xích lô ở đây rất vui vẻ bắt chuyện, nhiệt tình chỉ dẫn và đưa tôi cùng người nhà đến những nơi có thể mua sắm đồ lưu niệm, hơn nữa cái mức giá cho phương tiện này cũng rất rẻ. Tôi rất hài lòng và chắc chắn sẽ đi xích lô nhiều hơn nữa.” – một du khách thành phố Hồ Chí Minh vui vẻ cho biết.

Không cần áp đặt, nhưng nghề xích lô ở Huế dường như mang trên mình sứ mệnh quảng bá văn hóa, giới thiệu điểm du lịch và nâng tầm vẻ đẹp con người của vùng đất này đến với du khách thập phương. Nếu một ngày nào đó, Huế vắng bóng hình ảnh chiếc xích lô trên những con đường thì e rằng nơi đây này sẽ mất đi một phần vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ mà nó vốn có./.