Những cổ phiếu “mất hút” trên thị trường OTC

Không chỉ "mất hút" về thanh khoản, nhiều cổ phiếu trên thị trường OTC còn bặt vô âm tín về thông tin.

Những cổ phiếu “mất hút” trên thị trường OTC ảnh 1
 

Không chỉ "mất hút" về thanh khoản, nhiều cổ phiếu trên thị trường OTC còn bặt vô âm tín về thông tin.

Không ít NĐT đã lãng quên khoản đầu tư vào những cổ phiếu này.

CTCP Tập đoàn Hanaka có vốn điều lệ gần 400 tỷ đồng. Thời hoàng kim (năm 2007), cổ phiếu này được giao dịch từ 60.000 - 80.000 đồng/CP. Lúc đó, lãnh đạo Hanaka liên tục xuất hiện, PR về tiềm năng Công ty để thực hiện việc huy động vốn, trang trải nợ nần và đầu tư tài chính vào các DN khác.

Trải qua hai năm khó khăn 2008 và 2009, Hanaka trở nên "im hơi, lặng tiếng". Năm 2009, nghị quyết ĐHCĐ Hanaka là sẽ lên niêm yết vào quý III. Tuy nhiên, hết năm 2010, DN này vẫn chưa niêm yết và không có bất cứ thông tin nào giải thích nguyên nhân vì sao. Hiện cổ phiếu Hanaka mất thanh khoản trên thị trường OTC, mặc dù chỉ được rao bán ở mức trên dưới 10.000 đồng/CP. Tuy đã đăng ký trở thành công ty đại chúng với UBCK từ năm 2007, nhưng lượng thông tin Hanaka gửi về và công bố trên website ssc.gov.vn của UBCK vẫn rất hạn chế.

CTCP Xi măng Phú thọ là DN nhà nước thực hiện CPH vào năm 2006. Tại thời điểm đó, giá trị của DN này là 61 tỷ đồng, Nhà nước giữ nguyên vốn, tương đương mức sở hữu 43% tại DN sau CPH. 57% vốn mới được DN phân phối theo tỷ lệ 1% bán cho nhà đầu tư chiến lược, 15% bán ưu đãi cho người lao động và 41% bán ra thị trường. Đến nay, vốn điều lệ của DN này đạt 125 tỷ đồng. Cổ phiếu của Xi măng Phú Thọ hiện cũng mất thanh khoản, chỉ có vài lời rao mua ở mức 7.000 đồng/CP. Một trong nhiều nguyên nhân là thông tin từ DN này ra thị trường quá ít. Tại ĐHCĐ năm 2010, nhiều cổ đông tham gia bức xúc cho biết, tiến độ xây dựng dây chuyền mới của nhà máy chậm, đề nghị lãnh đạo Công ty có biện pháp tích cực để làm xong dây chuyền sản xuất mới. Đặc biệt, do Công ty không thống nhất được với kiểm toán nên chưa đưa được cổ phiếu lên sàn giao dịch. Cũng tại ĐHCĐ kể trên, DN đã ra nghị quyết đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2010. Tuy nhiên, đến nay không có bất cứ thông tin nào về kế hoạch này. Thậm chí, hồ sơ của DN cũng chưa được nộp lên HNX.

CTCP Mai Linh Đông Bắc Bộ cũng rục rịch kế hoạch lên niêm yết trên sàn HNX từ tháng 4/2010. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì về việc niêm yết của DN này. Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Xây dựng Năng lượng đã thông qua việc chào bán cổ phiếu và niêm yết trên HNX trong năm 2008. HĐQT được quyền lựa chọn công ty tư vấn, tổ chức tiến hành các công việc cần thiết cho việc niêm yết. Vậy nhưng, đến ĐHCĐ năm 2010, cổ phiếu Xây dựng Năng lượng vẫn chưa được niêm yết. Theo tìm hiểu của ĐTCK, năm 2007, Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết lên HNX. Sau khi thẩm định hồ sơ, HNX yêu cầu Công ty phải hoàn thành nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội thì mới được cấp phép. Tuy nhiên, đến nay DN vẫn chưa xử lý xong vấn đề này. Được biết, Công ty có kế hoạch tăng vốn từ 32,5 tỷ đồng lên trên 70 tỷ đồng. Nếu có nguồn vốn huy động được, Công ty sẽ cơ cấu lại để xử lý những vấn đề tài chính còn tồn đọng, sau đó tiếp tục hoàn thiện hồ sơ niêm yết trên HNX. Như vậy, có thể hình dung lộ trình niêm yết của DN này khá mờ mịt, khi mà TTCK còn đang khó khăn và việc tăng vốn của các DN nói chung là không dễ dàng.

Theo số liệu cập nhật từ UBCK, tính đến hết năm 2010, có 970 công ty đại chúng chưa niêm yết đăng ký với Ủy ban. Vậy nhưng, số DN thực hiện công bố thông tin đều đặn rất ít, chỉ tập trung vào các DN chuẩn bị niêm yết hoặc có tình hình kinh doanh tốt. Phải chăng là do chưa có DN nào bị phạt vì chậm và không công bố thông tin theo quy định?

Kinh tế vĩ mô khó khăn không hỗ trợ cho TTCK nói chung và thị trường OTC nói riêng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc không bố thông tin thường xuyên, kịp thời về tình hình hoạt động khiến tên tuổi của DN mất hút trên thị trường và NĐT mất niềm tin vào DN.

Theo Nguyên Thành
ĐTCK

Đọc thêm