Những “con qủy” đội lốt người cha

Vụ án “tẩm xăng đốt con” gây phẫn nộ dư luận trong thời gian qua đã khép lại. Thêm một lần hình ảnh thiêng liêng về người cha đã bị làm cho hoen ố. Án phạt rồi cũng sẽ qua đi, nhưng nỗi đau của con trẻ sẽ còn đọng lại trong ký ức con trẻ...

Vụ án “tẩm xăng đốt con” gây phẫn nộ dư luận trong thời gian qua đã khép lại. Thêm một lần hình ảnh thiêng liêng về người cha đã bị làm cho hoen ố. Án phạt rồi cũng sẽ qua đi, nhưng nỗi đau của con trẻ sẽ còn đọng lại trong ký ức con trẻ...

1. Tại phiên tòa, bé Linh 3 tuổi với thương tật 86,16% nằm co ro trong lòng mẹ. Gương mặt em bị biến dạng khủng khiếp, những ngón tay bé bỏng bị tháo rời. Nhìn thấy em, bao người dù không phải máu mủ ruột rà từ cảnh sát, cán bộ tư pháp, phóng viên đến chủ tọa, hội thẩm đều không kiềm được xúc động, nhiều người đến dự đã rơi nước mắt.

Có lẽ nỗi đau ấy cũng không thấm vào đâu so với nỗi đau tinh thần sau này khi em đã ý thức được những hành động tàn ác người cha đã gây ra cho mình. 20 năm tù của Vũ Văn Quang rồi cũng qua đi, kẻ phạm tội sẽ lại được trở về với cuộc sống bình thường, còn em, đến bao giờ em mới được trả lại cái hình hài bình thường như khi em mới được sinh ra?

Tại sao người ngoài nhìn thấy đứa trẻ tội nghiệp còn buốt xót như vậy mà chính kẻ đã sinh thành ra em lại chẳng mảy may động lòng khi thấy đứa con vô tội đang quằn quại trong vòng lửa giết người ấy? Em được sinh ra đâu phải để bị hủy hoại, vứt bỏ như một món đồ như thế...

2. Và rồi khi những câu hỏi day dứt ấy vẫn chưa tìm được những lí giải thích đáng thì người ta lại giật mình và bàng hoàng trước một “con quỉ đội lốt người cha” khác: Bùi Ngọc Thắng, kẻ đang tâm hãm hiếp con gái ruột của mình trong một thời gian dài. Bé N với đôi mắt u hoài, thân hình gầy gò năm nay mới chỉ bước sang cái tuổi 11. Em còn quá nhỏ, quá trong sáng và ngây thơ để cảm nhận được đầy đủ nỗi đau thể xác và cả tinh thần mà hai tên “yêu râu xanh” gây ra cho mình. 

Bùi Ngọc Thắng tại cơ quan điều tra

Một trong hai tên lại chính là người cho em hình hài và cũng chính là kẻ đang tâm gieo bất hạnh lên tuổi thơ vốn đã không hề yên ả của em. Người xưa có câu: “Hổ dữ chẳng ăn thịt con”, vậy mà, em N lại gặp nguy hiểm bởi chính người cha đốn mạt của mình. Và rồi, nếu cái “có thể” trong câu nói của bà nội em xảy ra, tên bố “súc vật” của em bị nhiễm căn bệnh thế kỷ thì rồi tương lai vốn đã u ám của em sẽ đi về đâu?

Đau lòng thay những tội ác tày trời như trên vẫn đang hang ngày hiển hiện trong xã hội. Một Hồ Văn Duyến (Sơn Tây – Hà Nội) hiếp dâm con gái đã phải lĩnh án Chung thân. Một Lê Văn Đấu đã bị Tử hình vì tội hiếp dâm, làm có thai và giết chính đứa con gái ruột của mình.

3. Người ta sinh ra không được chọn cha, chọn mẹ, chọn gia đình. Có người sướng từ “trong trứng” và cũng có người khổ từ khi lọt lòng... Bố mẹ có thể giàu, có thể nghèo nhưng bố mẹ nào cũng yêu thương con cái. Trong gia đình, người cha hiện diện như một trụ cột, một chỗ dựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở người cha có một cái uy vô hình, lúc dạy con mẹ “nhu”, thì đã có bố cứng rắn, nghiêm khắc... Vai trò của người cha thật khó có thể thay thế.

Đứa con với bố mẹ là trái ngọt hạnh phúc, đứa con ấy dù ngoan hay hư, dù là một thần đồng hay một tội nhân, dù lành lặn hay tật nguyền... thì nó vẫn là con của bố của mẹ, nó vẫn cùng mang trong mình dòng máu của người bố. Vậy mới có những câu chuyện cảm động khi hai vợ chồng già vẫn ngày ngày gom góp chút sức lực cuối cùng nuôi một đàn con tật nguyền, mất trí; một người cha của từ tù Nguyễn Đức Nghĩa trước lúc chết vẫn cố gắng hết sức bảo vệ cho đứa con tội đồ của mình...

So với những đứa con như họ thì em N, hay bé L... quả thật bất hạnh hơn rất nhiều. Chính người đã cho các em có mặt trong cuộc sống này, người đáng nhẽ phải cho các em yêu thương và một chỗ dựa để bước đến tương lai lại nhẫn tâm làm đau đớn hiện tại của các em và ban thêm cho một tương lai u ám...

Trước đây, những vụ án loạn luân gây bàng hoàng dư luận như vậy, những người cha mất nhân tính như vậy thường chỉ xuất hiện ở những vùng dân tộc thiểu số, nơi mà nhận thức và trình độ của người dân còn nhiều hạn chế. Bây giờ ngay cả những nơi mà đời sống và dân trí đã lên cao người ta thấy số vụ án mà nạn nhân có quan hệ huyết thống với bị cáo ngày càng nhiều.

4. Nguyên nhân của tội lỗi là ở đâu? Từ sự sa đọa, lối sống ích kỉ, dựa dẫm, bất cần; lối nghĩ gia trưởng... Đúng nhưng chưa đủ. Người cha dù với bất cứ lí do gì cũng không được quyền gây ra những tội ác ghê tởm như vậy. Nhưng sai lầm cũng thuộc về chính những bà mẹ. Nhiều người dù biết những chuyện đê tiện ấy vẫn chọn giải pháp im lặng để “giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Sợ “gia đình đổ vỡ”, họ không dám nhờ tới sự can thiệp của người thân, họ hàng và cả chính quyền. Hạnh phúc khi ấy sẽ chỉ là cái vỏ, bọc bên trong nó là những đau đớn có thực. Im lặng có thể dàn xếp được hiện tại, còn tương lai của những đứa trẻ thì sao?

Với những vấn đề nhạy cảm, con gái thường có xu hướng giấu giếm kể cả với chính mẹ của mình, im lặng khi đó là một giải pháp an toàn. Những dọa dẫm và sự thiếu hụt về kiến thức sẽ khiến các nạn nhân dễ chấp nhận mọi chuyện. Nếu có sự quan tâm sát sao, dạy bảo cặn kẽ hay can thiệp kịp thời và đúng cách từ phía người mẹ, chuyện của các em sẽ phần nào đỡ bị kịch hơn.

Trở lại với vụ án của Hồ Văn Duyến, Lê Văn Đấu hay vụ hiếp dâm con gái ở Hà Tĩnh do Trần Đình Báo gây ra... nếu những bà mẹ tinh ý hơn, hỏi han, động viên các em nhiều hơn, tạo cho các em một chỗ dựa tinh thần vững chắc thì chắc chắn những ông bố đồi bại sẽ không thể giấu giếm hành vi thú tính của mình trong một thời gian dài như vậy.

Nếu mẹ của em N kiên quyết không để em lớn lên trong gia đình có người cha sa đọa, tàn nhẫn như vậy... Nếu trong suốt 4 năm bà L (vụ Lê Khắc Tự - Bình Phước) không chọn cách làm ngơ dù ngày nào cũng chứng kiến cảnh con gái mình cũng bị bố cưỡng bức... và nếu có một tiếng nói quyết đoán, một hành động quyết liệt từ phía những người mẹ, thì những đứa con sẽ dũng cảm hơn và bớt đau đớn hơn nhiều, rất nhiều...

Phương Huyền

Đọc thêm