Câu chuyện thứ nhất
Họ gặp nhau trên chuyến tàu Thống Nhất vào lúc cả hai đã quá tuổi tứ tuần và đều đã trải qua những cuộc hôn nhân tan vỡ. Những câu chuyện từ chỗ xã giao nhanh chóng chuyển thành đồng cảm.
Họ quan tâm tới nhau như một cách chia sẻ và bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh ngang trái của nhau. Một cốc nước chanh cho đỡ mệt, một ít thực phẩm thêm cho bữa ăn đạm bạc trên tàu, một lời nhắc: "Mình" ngủ đi kẻo đã khuya rồi...
Những cử chỉ thân thiện hơi trên mức bình thường đó khiến những người từng có cuộc sống gia đình không khỏi liên tưởng đến hơi ấm một mái nhà và buột miệng: "Giá như!..." dù rằng họ cũng đã ra đi từ đó.
Tàu dừng bánh tại ga Hà Nội. Họ để lại cho nhau số điện thoại và những lời hẹn vội vàng, nhưng lại là tất cả những gì họ quan tâm lúc ấy.
Liên, người phụ nữ, đã chủ động tìm đến người bạn đường. Một tuần sau đó, họ thuê nhà cùng ở với nhau, trước khi tính chuyện xa hơn. Thành, người đàn ông đang gặp những khó khăn trong công việc, tỏ ra vui mừng khi gặp lại người "bạn gái". |
Mỗi cuộc chia tay có một nỗi buồn riêng, song với một số trường hợp riêng, nếu "được" buồn có lẽ những người phụ nữ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn cảm giác bị lừa dối (Ảnh minh họa) |
Mọi việc đang yên ổn thì đùng một cái, Thành cho biết mình được điều vào Nam công tác. Anh an ủi Liên chừng vài tháng sẽ ra và tính chuyện tương lai. Liên bất đắc dĩ phải nghe theo khi chưa có gì ràng buộc, nhưng cũng hy vọng nếu cần thiết, chị vẫn có thể chuyển vào để không ảnh hưởng công tác của Thành.
Thế nhưng điều đáng lo chưa phải là chuyện ấy mà là những cuộc liên lạc bằng điện thoại lúc được, lúc không, kể từ khi Thành rời Hà Nội. Kỳ lạ hơn là các cuộc gọi thành công của Liên chỉ được thực hiện từ những số máy không phải của mình. Ngờ vực, hoang mang nhưng không dám tin có điều gì quá xấu, chưa đầy một tháng, chị xin nghỉ phép vào Sài Gòn với ý định khi gặp Thành sẽ nói rằng mình đi công tác cơ quan.
Mười ngày ở Sài Gòn, Liên cũng chỉ được gặp Thành qua điện thoại. Anh ta nói rằng mình rất bận và đề nghị Liên khi xong việc cứ... về. Liên hụt hẫng nhưng vẫn cố bám vào lời hẹn cũ, tập tễnh ra ga trong tâm trạng rối bời. Chị bấm tin nhắn cho Thành như nỗ lực trấn an mình về kết quả thảm hại của chuyến đi: "Em đã lên tàu, toa số 7, anh ra được không?". Tin trả lời: "Chúc em đi mạnh khỏe. Anh đang nấu dở... nồi cơm".
Câu chuyện thứ hai
Minh làm nghề chụp ảnh, Liễu là nhân viên một hiệu ảnh có tiếng ở thành phố. Công việc khiến họ gặp nhau hàng ngày và chẳng bao lâu, cô nhân viên giao dịch lịch thiệp và khả ái đã ngồi sau xe của chàng "nhiếp ảnh gia" có tiếng... bảnh trai và mau miệng. Đã từng có một tình yêu dang dở nên đến tuổi "băm" Liễu vẫn là cô gái độc thân.
Chính vì thế lần này những người quen biết đều tin rằng cô đã suy nghĩ kỹ và khen cô khéo chọn người yêu vừa quảng giao vừa "đẹp mã". Liễu cũng tin là như vậy khi tìm được người có "gốc gác": Từ bạn bè, cha mẹ, đến nơi làm việc, cả... số nhà và những mối quan hệ của Minh. Nhưng quan trọng hơn cả là trái tim cô, một lần nữa, đã rung lên sau nhiều năm... "bất động".
Mọi việc đều suôn sẻ. Mỗi ngày Minh đến nhà, đưa Liễu đi làm việc, chiều lại đón về, đưa nhau đi dạo phố, khiến bạn bè đã có gia đình phải... ân hận vì không còn son rỗi như cô. Điều duy nhất khiến Liễu phiền lòng là Minh không bao giờ nói chuyện cưới hỏi.
Mãi đến khi cô "kể chuyện" đã có vài người muốn "đặt vấn đề" với ba mẹ cô, Minh lại bảo: "Hay là em cứ theo ý ông bà". Tưởng điều đó đã khiến Minh tự ái, cô vội vàng xin lỗi thì anh chàng lại tỏ ra buồn bã: "Công việc còn chưa ra gì, làm sao nói chuyện cưới xin". Vậy là cô cảm động và lập tức, họ cùng bàn với nhau về công việc của Minh.
Với mối quan hệ của Liễu và gia đình cô, ngay sau đó Minh đã trở thành nhân viên của một công ty lớn, có thu nhập cao và ổn định. Không cần đợi "nhắc nhở", Minh nói với "vợ chưa cưới" - cách mà anh vẫn gọi Liễu, chuẩn bị ngày giờ để đưa "các cụ" đến làm quen.
Cho đến giờ, Liễu vẫn mơ hồ không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình. Chỉ biết rằng đó là một ngày đau khổ, bắt đầu một sự đổ vỡ mà cô chẳng thể giải thích vì đâu. Ba ngày trước khi hai gia đình lần đầu giáp mặt, Minh đến đón Liễu ở hiệu ảnh như thường lệ.
Vừa lên xe, Minh đã phủ đầu cô bằng giọng ráo hoảnh: "Cô dạo này ghê gớm nhỉ?". Liễu kinh ngạc: "Anh nói gì vậy?". Xe chạy loanh quanh một lúc rồi dừng lại ở một góc khuất. Cả hai bước xuống. Minh căng thẳng: "Lúc chiều tôi thấy cô đùa cợt với thằng nào đấy?" Liễu nhẫn nhịn: "Anh sao vậy? Em đùa với ai nào?".
Minh mô tả lại tình huống "lả lơi quá trớn" của cô với một gã nào đó mà có vắt óc ra cô cũng không hiểu. Mà cô không hiểu cũng đúng. Với công việc của cô, việc "nở nụ cười xã giao với khách hàng" là chuyện bình thường. Điều đó lẽ ra "chồng tương lai" của cô đã thấy từ lâu chứ không phải đợi đến giờ. Và Liễu không thể ngờ rằng đó là cách kết thúc mọi việc ít phức tạp nhất của kẻ ma lanh đã no xôi chán chè và thỏa mãn những gì anh ta muốn.
Thay lời kết
Mỗi cuộc chia tay có một nỗi buồn riêng, song với những trường hợp trên đây, nếu "được" buồn có lẽ những người phụ nữ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn cảm giác bị lừa dối. Có thể vì thế mà chị Liên đã phải cố gắng tìm thấy niềm an ủi vào một lời hứa cho đến khi không còn chờ đợi được; và Liễu vẫn tin rằng câu chuyện của cô đổ vỡ chỉ vì một sự hiểu nhầm.
Mọi thứ đã kết thúc và có lẽ không cần phải phân tích thêm về những gì đã xảy ra cũng như không bình phẩm thêm về những nhân cách... "trời ơi đất hỡi!". Cuộc sống còn ở phía trước và hy vọng rằng, bài học của những người phụ nữ này sẽ có ích cho những ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu, nhưng không vì thế mà ngờ vực tình yêu. Tình yêu vẫn tuyệt vời đấy chứ!
Theo Gia đình xã hội