Những dấu mốc của viễn thông Việt Nam 2010

Một loạt chính sách quản lý đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường viễn thông. Cuộc cạnh tranh giành thị phần di động ngày một quyết liệt hơn… 2010 được đánh giá năm hoạt động không kém phần sôi động của Viễn thông Việt Nam với nhiều dấu mốc quan trọng.

 
Một loạt chính sách quản lý đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường viễn thông. Cuộc cạnh tranh giành thị phần di động ngày một quyết liệt hơn… 2010 được đánh giá năm hoạt động không kém phần sôi động của Viễn thông Việt Nam với nhiều dấu mốc quan trọng.


Siết khuyến mại: Giải quyết nạn "mua sim thay thẻ cào"

Ngày 14/5/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT quy định về hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động về khuyến mãi trong lĩnh vực di động.

Thông quy định rõ, các mạng di động không được khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hoá. Cùng với đó, những “cơn mưa” khuyến mãi của nhà mạng sẽ chấm dứt khi nhà mạng chỉ được khuyến mãi không quá 90 ngày/năm và không được kéo dài quá 45 ngày. Thông tư cũng quy định, nhà mạng sẽ chỉ được khuyến mãi không quá 180 ngày/năm cho cả hai dịch vụ là trả trước và trả sau.

Đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, sau gần nửa năm áp dụng, Thông tư 11 đã chứng minh, việc khuyến mại đúng quy định của pháp luật là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và điều đó mới mang lại lợi ích đích thực cho người dùng.

Trong nhiều cuộc trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã đánh giá, sau một thời gian chính thức siết khuyến mại của các mạng di động, hoạt động khuyến mãi đã dần vào khuôn khổ, tình trạng bán sim thay thẻ giảm hẳn.

Thay vì chạy đua khuyến mại như trước đây, doanh nghiệp đã tập trung vào những chương trình khuyến mại có thể “giữ chân” được các khách hàng của mình hiệu quả hơn. Chính vì vậy, nếu như trước đây, tình trạng cháy số khiến các doanh nghiệp phải liên tục tính chuyện xin thêm đầu số, thì nay kho số đã được sử dụng hiệu quả hơn rất nhiều.

CDMA ngày càng gặp khó

Năm 2010, thị trường thông tin di động Việt đã có 7 nhà cung cấp dịch vụ chính thức tham gia với 5 mạng GSM và hai vẫn trung thành với công nghệ CDMA. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã cho thấy phần nào những khó khăn của nhà mạng lựa chọn cung cấp dịch vụ công nghệ CDMA ở thời điểm này. Đầu năm, Sfone đã không tránh khỏi ít nhiều bị lao đao trước việc SK rút vốn khỏi S-Fone.

Sfone đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh sau khi toàn bộ nhân sự phía đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) rút về nước trong tháng 1/2010. SK Telecom chỉ đóng vai trò là một như một cổ đông trong liên doanh. S-Fone chính thức được Saigon Postel (SPT) quản lý, vận hành và đầu tư phát triển vào giữa năm 2010. “Đơn thương độc mã” trong cuộc chiến giành thị phần di động khác khốc liệt, đại diện của SPT đã từng tuyên bố công khai tìm đối tác mới để cùng phát triển mạng S-Fone dù việc tìm kiếm đối tác cho S-Fone được đánh giá chắc chắn sẽ không mấy dễ dàng.

Sau sự kiện của Sfone, vào những tháng cuối cùng của năm 2010, sự kiện FPT mua cổ phần của EVN Telecom lại thêm một lần nữa khiến người ta nghĩ tới cái khó của CDMA. Tháng 11/2010, FPT và Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) tuyên bố sẽ mua hơn 50% cổ phần EVN Telecom. Vậy là mạng di động công nghệ CDMA thứ hai này lại cùng phải tìm đối tác cùng “chung lưng đấu cật” sau một thời gian dài nỗ lực triển khai cung cấp dịch vụ nhưng hiệu quả đạt được không cao.

Sự kiện FPT mua hơn 50% cổ phần của EVN Telecom còn được đánh giá là dấu hiệu khởi đầu hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các mạng di động của Việt Nam.

Thêm cơ hội cho công nghệ mới

Tháng 9/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cấp phép thử nghiệm công nghệ tiền 4G LTE cho 5 doanh nghiệp bao gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm mạng di động tiền 4G (LTE). Thời hạn thử nghiệm trong vòng 1 năm. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép này.

Ban đầu, nhiều băn khoăn được đưa ra: trong khi việc phát triển 3G của Việt Nam đến giờ vẫn còn rất khiêm tốn, người dùng chủ yếu sử dụng để truy cập Internet, vẫn chưa thực sự mặn mà với dịch vụ giá trị gia tăng thì việc cấp phép thử nghiệm 4G LTE ở thời điểm này đã nên?

Thế nhưng, các chuyên gia viễn thông cũng đánh giá, không còn quá sớm khi ở thời điểm này, các doanh nghiệp Viễn thông Việt cùng đồng loạt triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ công nghệ 4G LTE. Việc thử nghiệm công nghệ LTE của các doanh nghiệp viễn thông Việt trong giai đoạn này là rất cần thiết để có thể đánh giá công nghệ đó có phù hợp với doanh nghiệp và thị trường hay không. Nhưng để việc thử nghiệm thành công với kết thúc có hậu là thương mại hoá dịch vụ, theo các chuyên gia, có rất nhiều việc phải làm.

Khai hỏa đầu tiên cho sự kiện này là VNPT liên doanh với một công ty của Nga thử nghiệm LTE tại Hà Nội vào tháng 11/2010. Trước đó, trong tháng 10, VDC (đơn vị thành viên VNPT) đã hoàn thành việc lắp đặt những trạm LTE đầu tiên tại Hà Nội.
(Theo Vnmedia)

Đọc thêm