Những “điểm sáng” nổi bật từ hoạt động chuyển đổi số tại Hải Phòng

(PLVN) -  Dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng mạnh, cơ sở dữ liệu đất đai được triển khai thống nhất qua phần mềm; 450 tuyến phố được quét mã QR với 2.800 biển hiệu… là những “điểm sáng” nổi bật từ hoạt động chuyển đổi số đã và đang triển khai tại TP Hải Phòng trong thời gian qua.

Năm 2022, Hải Phòng xác định chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. Điều này cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị TP để sớm hoàn thành mục tiêu “xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành TP đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hải Phòng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về nền tảng, kho dữ liệu dùng chung làm cơ sở thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. TP lựa chọn 5 lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên cấp kinh phí để hoàn thành dứt điểm trong 2022 gồm: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.

Sau 01 năm nỗ lực, hạ tầng số được cải thiện với số trạm phát sóng tăng 12%, tốc độ di động tăng 20 bậc. Bước đầu, Mobifone khai trương Trung tâm dữ liệu tại quận Dương Kinh; Viettel, Vinaphone tăng cường trạm phát sóng 5G tại khu vực trung tâm TP…

Dịch vụ công (DVC) trực tuyến tăng trưởng mạnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn TP tăng theo từng tháng (trung bình 55%/năm). Cổng DVC quốc gia đánh giá DVC trực tuyến của Hải Phòng có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 98%, cao nhất toàn quốc…

Chính thức từ tháng 12/2022, du khách đến Hải Phòng có thể tìm hiểu về các con đường, công trình bằng cách quét mã QR trên 2.800 biển hiệu của 450 tuyến phố.

Một “điểm sáng” khác không thể không nhắc tới là Cổng thông tin đất đai TP Hải Phòng đã chính thức khai trương và ra mắt vào ngày 14/10/2022. Với mục tiêu quản lý, vận hành Hệ thống thông tin đất đai trên cơ sở hạ tầng đồng bộ, Hải Phòng đã xây dựng phần mềm thống nhất tại địa chỉ: https://hph.mplis.gov.vn/og/.

Năm 2023, Hải Phòng triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo hướng tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, loạt mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được đặt ra rõ ràng.

Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng xây dựng nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp bằng cách khuyến khích họ kiến tạo và sử dụng giải pháp số. Hải Phòng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển, hợp tác về thương mại điện tử, đặc biệt kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất.

Đối với một số ngành kinh tế chính của TP, Hải Phòng khuyến khích các doanh nghiệp số hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng ứng dụng công nghệ số trong ngành điện; thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch, công nghệ cao tập trung vào công nghiệp điện khí. Trong thế mạnh cảng biển, Hải Phòng đặt nhiệm vụ phải xây dựng hệ thống thông tin quản lý về cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển và dịch vụ logistic. Dự kiến, toàn bộ hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu tại cửa khẩu cảng biển sẽ được lên môi trường số kết nối với hệ thống logistic để hỗ trợ liên kết vùng trong đó sử dụng liên kết số toàn diện thông qua Digital ID, QRCode.

Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực, tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng thẳng thắn nhìn nhận rằng kế hoạch trong năm 2022 đề ra nhiều nhiệm vụ nhưng việc thực hiện chưa tương xứng. Hiện vẫn còn một số ngành, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến Chuyển đổi số, do vậy Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các Sở, ngành chức năng rà soát lại các nhiệm vụ một cách cụ thể, đồng thời quyết tâm cao độ thực hiện nhằm tạo chuyển biến về chuyển đổi số trong năm 2023.

Đọc thêm