Những điều cần biết khi kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Mạnh Hưng (Hà Nội) hỏi: Người đang chấp hành hình phạt tù, muốn cung cấp tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hình sự đối với họ. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật phải làm thế nào?
Những điều cần biết khi kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Luật sư Bùi Văn Đoàn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo Điều 397 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ sau: Căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.

Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật. Hoặc những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Theo khoản 1 Điều 399 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

Căn cứ quy định nêu trên, người đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt tù như trường hợp bạn nêu có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Cũng vì đang chấp hành hình phạt tù, họ phải thực hiện quyền này theo trình tự, thủ tục của người đang chấp hành án.

Theo quy định tại Điều 400 của Bộ luật này, những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm: Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ…

Nếu kháng nghị tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án, thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Trường hợp kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án thì chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật Hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 1 năm kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

Theo đó, thời hạn kháng nghị thuộc trường hợp này được xác định như sau: Thứ nhất, căn cứ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đã được Tòa án xét xử, ra bản án nay kháng nghị. Thứ hai, thời hạn kháng nghị không được quá 1 năm kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, Hội đồng tái thẩm có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Đọc thêm