Những điều thú vị về mưa sao băng Anh Tiên

Sao băng Anh Tiên (Perseid) lao vào khí quyển trái đất với tốc độ 60 km/giây và bị nung nóng tới hàng nghìn độ C.

Sao băng Anh Tiên (Perseid) lao vào khí quyển trái đất với tốc độ 60 km/giây và bị nung nóng tới hàng nghìn độ C.

Mưa sao băng Anh Tiên là sự kiện diễn ra vào tháng 8 hàng năm do trái đất lọt vào vùng bụi do một sao chổi để lại.

Mưa sao băng Anh Tiên tại
Mưa sao băng Anh Tiên gần Grazalema, phía nam Tây Ban Nha vào sáng sớm ngày 13/8. Ảnh: AFP.

Những vệt sao băng Anh Tiên bay rất nhanh. Chúng lao vào khí quyển trái đất với tốc độ trung bình 60 km/giây. Phần lớn sao băng chỉ nhỏ tương đương hạt cát, song một số có thể to bằng hòn bi ve. Những sao băng rơi xuống đất được gọi là thiên thạch. Tuy nhiên, đa số sao băng không rơi xuống đất.

Tàn dư của sao chổi Swift-Tuttle gây nên mưa sao băng Anh Tiên. Sao chổi Swift-Tuttle là vật thể lớn nhất bay qua trái đất hàng năm. Lõi của nó có đường kính khoảng 9,7 km, tương đương với thiên thạch từng khiến khủng long tuyệt chủng.

Trong thập niên 90, một nhà thiên văn có tên Brian Marsden từng dự đoán sao chổi Swift-Tuttle có thể lao vào trái đất trong tương lai. Ngay sau đó nhiều nhà khoa học đã bác bỏ phán đoán này. Mặc dù vậy, Marsden khẳng định sao chổi Swift-Tuttle và trái đất sẽ suýt đâm nhau vào năm 3044.

Khi một vệt sao băng Anh Tiên tiến vào bầu khí quyển, nó nén không khí ở phía trước. Sự cọ xát với không khí khiến sao băng có thể bị nung nóng tới nhiệt độ hơn 1.650 độ C. Mức nhiệt đó khiến phần lớn sao băng bay hơi, tạo ra vệt sáng trên trời. Con người có thể nhìn thấy sao băng khi chúng ở độ cao khoảng 97 km trở xuống. Một số sao băng có kích thước lớn nên tạo thành cầu lửa và đôi khi có thể gây nên tiếng nổ khi chạm đất.

Sao chổi Swift-Tuttle có rất nhiều "họ hàng". Phần lớn những sao chổi đó hình thành ở một đám mây bụi rất xa có tên là Oort và chưa bao giờ tiến vào hệ Mặt Trời. Chỉ có một số sao chổi, như Swift-Tuttle, bị kéo về phía hệ Mặt Trời bởi lực hấp dẫn của một ngôi sao nào đó.

Những vệt sao băng Anh Tiên có thể cách nhau từ 96 tới 160 km. Chúng duy trì khoảng cách đó ngay tại vùng có mật độ vật chất dày đặc nhất trong đám mây mà sao chổi Swift-Tuttle để lại. Sao chổi này mất 130 năm để bay một vòng quanh mặt trời. Trong quá trình di chuyển nó để lại đám mây bụi. Đám mây này trôi dạt trong vũ trụ và cũng di chuyển quanh mặt trời theo quỹ đạo gần giống quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle.

Do trái đất xoay tròn, phần hướng về phía mặt trời có xu hướng nhận nhiều bụi từ vũ trụ hơn. Vùng trời có nhiều bụi vũ trụ lại xuất hiện ở phía trên vào lúc bình minh. Vì lý do đó, con người thường nhìn thấy mưa sao băng Anh Tiên và các trận mưa sao băng khác rõ nhất trước khi mặt trời mọc khoảng vài giờ.

Các nhà thiên văn nhìn thấy sao chổi Swift-Tuttle lần cuối vào năm 1992. Khi đó người ta có thể dùng ống nhòm để quan sát nó. Trước đó nó được phát hiện bởi hai nhà thiên văn Mỹ là Lewis Swift và Horace Tuttle vào năm 1862. Vì thế mà người ta đặt tên cho sao chổi này là Swift-Tuttle.

Giới khoa học vừa tính toán được quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle trong gần 2.000 năm qua. Dựa trên nhiều tài liệu cổ, họ cho rằng nó được nhìn thấy từ năm 188. Thậm chí một số nhà khoa học còn cho rằng nó đã được phát hiện từ năm 69 trước Công nguyên.

Sao chổi Swift-Tuttle sẽ hiện ra trên bầu trời vào năm 2126 và khi đó con người có thể nhìn nó bằng mắt thường.

  Nguồn:  VNExpress

Đọc thêm