Những đứa trẻ chào đời lúc 0 giờ ngày 10/10

Trong khi người dân khắp nơi vẫn tìm cách đổ về khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, thì nằm cách đấy không xa, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có rất nhiều sản phụ đã trở dạ, sinh những đứa trẻ. 

Đêm ngày 9/10, cả Hà Nội dường như không ngủ để đón chờ thời khắc đặc biệt - thời khắc Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Trong khi người dân khắp nơi vẫn tìm cách đổ về khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, thì nằm cách đấy không xa, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có rất nhiều sản phụ đã trở dạ, sinh những đứa trẻ. 

BS Nguyễn Thị Bích Vân, Bác sỹ trực Khoa Sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong ngày 9/10, bệnh viện đã thực hiện đỡ cho 60-70 ca cả đẻ thường và đẻ mổ. Cứ nghĩ đêm 9/10, do cấm đường và tắc đường, sản phụ nhập viện sẽ ít, vì chuyển sang những viện khác thuận tiện giao thông hơn. Nhưng bất chấp những khó khăn khách quan ấy, bệnh viện vẫn liên tục nhận những sản phụ mới từ nhiều nơi chuyển về.

Đếm từng ngày chờ tin con chào đời

Những sản phụ được "ước chừng" sinh con đúng vào thời khắc Hà Nội chuyển giao tròn 1.000 năm tuổi đã rất hạnh phúc, sung sướng từ trước đó rất lâu. Và càng đến gần thời gian sản phụ sinh, thì người thân sản phụ càng có những tâm trạng đặc biệt.

Anh Phan Thanh Hoài, nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, ngày chị Đào Thị Thuý, vợ anh mới có bầu, đi siêu âm bác sỹ dự kiến ngày vợ đẻ là 15 tháng 10, anh đã rất vui, vì nghĩ thế nào, con anh cũng sẽ ra đời sớm hơn vào đúng dịp Hà Nội 1.000 năm tuổi, 10/10.

Vì vậy, ngày ngày đi làm qua khu Bờ Hồ, nhìn bảng đồng hồ đếm ngược thời gian Hà Nội 1.000 năm, vợ chồng anh lại thấy "đồng hồ như đang đếm cái thời khắc con anh ra đời vậy".
Cháu Phan Thuỳ Chi, sinh lúc 0 giờ, 7 phút tại BV PSTW
Cháu Phan Thuỳ Chi, sinh lúc 0 giờ, 7 phút tại BV PSTW

Mới đây, khi đi siêu âm lại, bác sỹ xác định khả năng vợ sinh vào đúng ngày 10/10, gia đình mừng lắm. Bản thân anh mấy ngày này, dù Hà Nội đang Đại lễ nhưng anh cũng chẳng dám đi đâu. Cuối buổi chiều vợ chuyển dạ, anh đã phải cấp tốc đưa chị vào viện.

Chỉ khi đưa được vợ vào đến bệnh viện, anh mới bớt đi một phần lo lắng. Bởi trong ngày này, người dân khắp nơi kéo về khu Bờ Hồ rất đông, anh lại nghe nói thành phố sẽ cấm một số tuyến đường vào trung tâm vào đúng chiều tối ngày 9/10.

Sau khi nhập viện và trải qua nhiều giờ đau đớn, đến 0 giờ 7 phút, chị Đào Thị Thuý, vợ anh Hoài đã sinh đứa một cô công chúa vào ngày 10 tháng 10 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đứa bé nặng 3,3 kilogam và được gia đình đặt tên là Phan Thuỳ Chi.

Anh Phan Thanh Hoài cho biết: Con gái sinh ra vào thời khắc đặc biệt, gia đình rất vui, thấy niềm vui như được nhân lên nhiều lần. Nhưng với anh và gia đình, đó là một kỷ niệm đặc biệt, chứ anh không “duy tâm” để tin rằng, con gái anh sẽ có một tương lai đặc biệt hơn những đứa trẻ khác. Bởi, tương lai của con anh sẽ phụ thuộc vào sự dạy dỗ của bố mẹ, sự cố gắng học tập của chính nó và sự đổi thay của đất nước.

Còn chị Đào Thị Thuý, vừa trải qua cơn “vượt cạn”, rất đau đớn, nhưng ai đến hỏi hay chúc mừng, chị cũng cười đầy mãn nguyện, bảo, đó là một kỷ niệm đẹp và chị rất hạnh phúc.

Sau đó không lâu, vào lúc 0 giờ 15 phút, một bé trai khác cũng ra đời bằng phương pháp sinh nở thông thường. Cháu trai này là con của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Long và chị Đỗ Vân Anh, nhà ở Bạch Mai, Hà Nội. Đứa trẻ được đặt tên là Nguyễn Tuấn Linh, nặng 3,3 kilogam.

Bi hài chuyện đưa vợ đi đẻ lúc gần 0 giờ!

Trước thời khắc Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi đúng một giờ đồng hồ, nghĩa là lúc đó đã 11 giờ đêm, chị Nguyễn Hải Yến, một sản phụ mang thai song sinh, sống ở quận Hà Đông mới chuyển dạ. Lúc này, mọi con đường đổ về trung tâm thành phố đều tắc nghẽn, nhưng anh Vũ Văn Chung, chồng chị Yến vẫn quyết định đưa vợ đến Bệnh viện phụ sản Trung ương để sinh.
Nguyễn Tuấn Linh, cháu trai,  sinh lúc o giờ 15 phút!
Nguyễn Tuấn Linh, cháu trai, sinh lúc o giờ 15 phút!

Tại đây, vì hai cái thai quá lớn nên các bác sỹ đã quyết định cho chị Yến sinh theo phương pháp mổ đẻ. Đến 1 giờ 15 phút, chị Yến sinh được 2 con trai, một nặng 2,9 kilogam và một nặng 3,1 kilogam.

Anh Vũ Văn Chung, sau khi vợ đã mẹ tròn con vuông, lúc đó mới thốt lên lời cho biết: Quyết định đưa vợ đi đẻ vào đúng lúc Hà Nội đang rất đông người, mọi ngả đường về trung tâm đều tắc, anh rất lo, chỉ sợ vợ đẻ ở dọc đường thì chẳng biết xoay sở thế nào. Vì vậy, vừa chở vợ đang đau đẻ, anh vừa phải kêu to: “Đang chở vợ sắp đẻ, mong mọi người nhường đường”. Và thế là, cuối cùng, anh cũng đưa vợ kịp đến bệnh viện.

Anh Chung cho biết, hai đứa con trai đầu lòng chào đời vào ngày 10/10 là niềm hạnh phúc quá lớn của gia đình. Anh hy vọng các con anh sẽ trở thành những con người đặc biệt và có một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc sau này. Nhưng tên của các con anh thì vợ chồng chưa đặt, nhường vinh dự ấy cho ông bà nội.

Được biết, tại bệnh viện này, đến rạng sáng ngày 10/10, một bé trai nặng 4 kilogam cũng đã chào đời bằng phương pháp đẻ mổ.

Trước khi đứa bé chào đời rất lâu, chị Nguyễn Thị Đào, mẹ của cháu bé đã cho biết, gia đình đã dự định đặt tên cháu từ trước đó rất lâu. Việc đứa trẻ sinh ra trong một thời khắc quá đặc biệt là một niềm hạnh phúc quá lớn của gia đình chị.

Theo
Nguyễn Tuyến
VietNamNet

Đọc thêm