Những gì có thể diễn ra phía trước Triều Tiên?

Cái chết đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã đặt ra những câu hỏi lớn về quá trình chuyển giao quyền lực cũng như tương lai của đất nước Triều Tiên, những căng thẳng trên bán đảo đang bị chia cắt và nhiều vấn đề lớn khác.

Cái chết đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã đặt ra những câu hỏi lớn về quá trình chuyển giao quyền lực cũng như tương lai của đất nước Triều Tiên, những căng thẳng trên bán đảo đang bị chia cắt và nhiều vấn đề lớn khác.

Thi thể ông Kim Jong-il. Ảnh AFP
Thi thể ông Kim Jong-il. Ảnh: AFP

Thành phố Bình Nhưỡng 2 ngày nay chìm trong yên ắng sau khi sự ra đi của Chủ tịch Kim Jong-il được truyền hình thông báo. Các cơ quan hành chính đều treo cờ rủ. Hàng nghìn người đổ về tượng đài cố cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành để tưởng nhớ về nhà “lãnh tụ kính yêu” vừa qua đời.

Tại các đơn vị quân đội, những người lính xếp hàng dài để tưởng niệm Tổng bí thư Đảng lao động Triều Tiên kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il. Các vòng hoa có dán băng đen được đặt khắp nơi. Trên các đường phố, nhiều người quỳ gối trên đường, khóc như mưa trước sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo.

Truyền hình Triều Tiên hôm qua (20/12) đã phát đi đoạn phim ghi lại cảnh nhà lãnh đạo quá cố nằm trong quan tài thủy tinh đặt tại Lăng Kumsusan. Người con trai thứ 3 đồng thời là nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un và các quan chức cấp cao trong chính phủ đã tới viếng thăm, bày tỏ lòng thành kính. “Đồng chí Kim Jong-un cùng với lãnh đạo Đảng, chính phủ và quân đội đã đến viếng đồng chí Kim Jong-il và bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc nhất” – KCNA đưa tin.

Cũng trong ngày hôm qua, cộng đồng quốc tế tiếp tục gửi lời chia buồn với Triều Tiên về cái chết của ông Kim Jong-il, đồng thời kêu gọi giữ ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Chính phủ Cuba đã ra sắc lệnh để tang Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 20/12 đến hết ngày 22/12.

Tuyên bố chính thức phát trên truyền hình nhà nước Cuba hôm 19/12 cho biết, chính phủ nước này đã yêu cầu hạ quốc kỳ xuống thấp một nửa so với thông thường tại tất cả các trụ sở công cộng và đơn vị quân đội. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon bày tỏ sự thương cảm với người dân Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết của LHQ vì hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên và tỏ ý tiếp tục viện trợ lương thực cho nước này. Sáng 20/12, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tới Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh để bày tỏ chia buồn sâu sắc về sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

Tương lai nào phía trước?

Các nhà phân tích nhận định, ban lãnh đạo Triều Tiên đã có sự chuẩn bị tinh thần cho sự kiện bước ngoặt này, dù không phải là trong thời gian quá gần như vậy. Trong bản tin thông cáo việc Chủ tịch Kim Jong-il từ trần, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cũng kêu gọi nhân dân nước này tiếp tục vững vàng dưới sự chỉ đạo của “người kế nhiệm vĩ đại” Kim Jong-un. “Trong những năm cuối đời, ông Kim Jong-il đã tạo lập những đảm bảo nhất định để bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm” – AP nhận định.

Theo một số học giả, vì nhà lãnh đạo mới còn quá trẻ lại chưa có kinh nghiệm nên có thể trong thời gian đầu ông sẽ chỉ giữ vai trò nhiếp chính trong khi quyền lực thực sự sẽ do các quan chức quân sự như Jang Song-taek – em rể ông Kim Jong-il nắm giữ.

“Trong vòng khoảng một năm sẽ có một hệ thống mới. Ban đầu các quyết định sẽ được người kế nhiệm Kim Jong-un thông qua cùng với ông Chan Son Thek – em rể và bà Kim Kyong Hui – em gái duy nhất của lãnh tụ Kim Jong-il quá cố” – một nhà phân tích nhận.

Báo chí Pháp dẫn phân tích của giới quan sát cũng cho rằng “hầu như không có nguy cơ xảy ra đấu đá nội bộ gây rối loạn” và quá trình kế thừa lãnh đạo đã và đang được tiến hành ở nước này.

Theo ông Peter Beck – một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại ở New York, cơ cấu bộ máy nhà nước, cảnh sát, an ninh và quân đội của Triều Tiên thực sự rất vững mạnh. Vì vậy, về ngắn hạn, Bình Nhưỡng vẫn sẽ duy trì được vai trò và sự ổn định theo hướng hướng nội “kiểm soát chặt chẽ người ra người vào”.

Chính phủ của Triều Tiên vốn tồn tại khá cô lập và gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài. Câu hỏi đang được đặt ra là chiến lược này liệu có được duy trì trong những năm tới khi người con trai thứ ba của ông Kim Jong-il lên nắm quyền?. “Sự ra đi của ông Kim Jong-il sẽ mở ra một chương mới của Triều Tiên” – ông Vishakha Desai - Chủ tịch Hiệp hội Châu Á đặt trụ sở tại New York, nói.

Ngoài ra, quan điểm của Kim Jong-un cũng có thể khác cha mình vì nhà lãnh đạo tương lai từng học tập tại Thụy Sĩ. “Sự thay đổi dần dần theo thời gian có thể xảy ra. Nhưng nếu mức độ không lớn thì chế độ hiện hành vẫn tiếp tục được duy trì”  - Mike Chinoy - chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ nói. Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc thì đưa ra dự đoán nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên sẽ ưu tiên duy trì tình trạng ổn định hiện nay.

Bảo An (theo AFP, CNN, NYT)

Đọc thêm