- Bộ Tư pháp trả lời: Bản chất của việc chứng thực sơ yếu lý lịch chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch đó là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Thủ tục chứng thực chữ ký được quy định Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, tại khoản 1 quy định: “Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây: a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng; b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký”.
Cũng theo khoản 4 Điều 24 nêu rõ, thủ tục chứng thực chữ ký được áp dụng đối với các trường hợp sau đây: Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản; Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân; Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật; Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Như vậy, để chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân, bạn cần mang theo các giấy tờ gồm: (1) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng và (2) Sơ yếu lý lịch cần chứng thực.