Những hạt giống đầu tiên đã nảy mầm

(ĐNĐT) - Khóa đào tạo nguồn các chức danh bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND phường, xã đầu tiên của thành phố Đà Nẵng đã tốt nghiệp; 95 học viên sẽ được bố trí ngay về các xã, phường, trong đó 2 học viên xuất sắc được giới thiệu làm Phó Bí thư Đảng ủy.

(ĐNĐT) - Khóa đào tạo nguồn các chức danh bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND phường, xã đầu tiên của thành phố Đà Nẵng đã tốt nghiệp; 95 học viên sẽ được bố trí ngay về các xã, phường, trong đó 2 học viên xuất sắc được giới thiệu làm Phó Bí thư Đảng ủy.

Ngày 15-1, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp và phân công công tác cho 95 học viên khóa 1 đào tạo nguồn các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã theo Đề án 89 của thành phố.

Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy trao giấy chứng nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp Trung cấp chính trị-Hành chính cho 5 học viên xuất sắc nhất khóa đào tạo
Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy trao giấy chứng nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp Trung cấp chính trị-Hành chính cho 5 học viên xuất sắc nhất khóa đào tạo

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy, khóa học có 5 học viên xuất sắc nhất gồm: Nguyễn Thị Diệu Oanh, Đinh Thị Diệu Châu, Huỳnh Nghĩa, Trương Thu, Lê Thị Thu Hà. Các học viên xuất sắc nhất được quyền lựa chọn công tác tại 1 trong 5 phường (Phước Ninh, Thạc Gián, Nại Hiên Đông, Khuê Mỹ, Hòa Khánh Nam) theo nguyên tắc ai cao điểm hơn được chọn trước.

Theo quy định, hai học viên Trương Thu và Huỳnh Nghĩa là đảng viên chính thức sẽ được Ban Thường vụ Thành ủy giới thiệu để Ban Thường vụ quận ủy Hải Châu và Ngũ Hành Sơn chỉ định vào Ban chấp hành Đảng bộ phường làm Phó Bí thư Đảng ủy tại phường Phước Ninh và Khuê Mỹ. Thủ khoa Nguyễn Thị Diệu Oanh chọn nơi công tác là phường Thạc Gián (Thanh Khê). Hai học viên xuất sắc Đinh Thị Diệu Châu và Lê Thị Thu Hà chọn công tác tại phường Hòa Minh và xã Hòa Khương, nơi mình sinh sống.

81 học viên còn lại đều đạt yêu cầu và được quyền lựa chọn nơi công tác theo thứ hạng tốt nghiệp. Chỉ 14 người có nguyện vọng về lại phường, xã mình đang công tác. Tại khóa học, có 23 học viên được kết nạp đảng.

Tích lũy kinh nghiệm để làm lãnh đạo

Khi Ban tổ chức xướng tên Thủ khoa của khóa đào tạo nguồn các chức danh bí thư, chủ tịch xã, phường, thật bất ngờ, đó là Nguyễn Thị Diệu Oanh, mới 24 tuổi. Oanh đến từ huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, là sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa quản lý Nhà nước, Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực II tại TP.HCM.

 

Oanh là học viên duy nhất liên tục giành được học bổng 1 triệu đồng/tháng trong 8/10 tháng của khóa học. Mỗi tháng chỉ có 10 học viên xuất sắc nhất được cấp học bổng. Oanh rất vinh dự là một trong số 23 bạn trẻ được kết nạp đảng một ngày trước lễ bế giảng hôm nay. Nơi công tác Oanh chọn là phường Thạc Gián (quận Thanh Khê), nơi hoàn toàn mới mẻ, không có ai thân thuộc.

Oanh nói: “Về lý thuyết quản lý Nhà nước, em có lợi thế, còn kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống, thuyết trình trước đám đông và trả lời chất vấn, phong cách lãnh đạo thì chủ yếu là kinh nghiệm của người đi trước truyền lại. Trải nghiệm thực tế về làm lãnh đạo của em mới chỉ thực hiện trên lớp trong các vai bí thư, chủ tịch”.

Theo Oanh, chương trình khóa học có thực hành nhiều hơn lý thuyết nhưng để làm lãnh đạo không chỉ trình độ, kỹ năng, tác phong mà còn phải xây dựng và tích lũy được uy tín của mình đối với người dân địa phương. Do đó, người chưa từng công tác tại xã, phường cần phải có thời gian trải nghiệm thực tế mới gánh vác được trọng trách làm lãnh đạo.

Thủ khoa Nguyễn Thị Diệu Oanh chọn nơi công tác là phường Thạc Gián, quận Thanh Khê
Thủ khoa Nguyễn Thị Diệu Oanh chọn nơi công tác là phường Thạc Gián, quận Thanh Khê

Lê Thị Thu Hà xếp hạng thứ 4 trong top 5 học viên xuất sắc nhất đã không chọn công tác tại phường nơi sẽ làm Phó Bí thư Đảng ủy cũng như phường khác ở trung tâm thành phố. Hà đã chọn công tác tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang với lý do muốn cống hiến cho quê hương mình.

Hà cho biết: Làm cán bộ từ xã, phường là môi trường rất tốt để tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo. Bởi xã, phường là cấp hành chính cuối cùng, là cấp đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. Đây cũng là nơi gần dân nhất. Chủ trương, chính sách đúng hay không đúng cũng phản ánh từ đây. Vì thế, Hà mong muốn nỗ lực phấn đấu để khẳng định mình ngay từ cấp xã, phường.

Cũng như Hà, á khoa Đinh Thị Diệu Châu đã không chọn về công tác tại nơi mình sẽ được làm Phó Bí thư Đảng ủy (sau khi chuyển đảng chính thức). Châu đã chọn về công tác tại nơi mình đang sinh sống là phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Châu cũng đồng tình với các bạn trẻ khác: Không phải cứ học xong khóa này là làm lãnh đạo được ngay. Vì thế không đặt mục tiêu làm lãnh đạo sớm hay muộn mà đặt mục đích sẽ trở thành một lãnh đạo ở cơ sở làm được việc và thực sự có uy tín với dân.

Tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ trẻ

Phát biểu tại lễ bế giảng khóa đào tạo, đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao kết quả khóa 1 đào tạo cán bộ nguồn chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã. Khóa đào tạo đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện và 56 xã, phường phải làm hết trách nhiệm để tạo điều kiện cho 95 cán bộ trẻ về công tác tại xã, phường có môi trường làm việc tốt nhất trong điều kiện có thể để họ hoàn thành nhiệm vụ. Phải đề phòng tư tưởng đố kị, cô lập, “thọc gậy bánh xe” làm nản lòng cán bộ trẻ được đưa về xã, phường.

Đồng chí chỉ đạo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ phải có báo cáo đánh giá nhận xét các cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác sử dụng, quản lý, quan tâm tạo điều kiện công tác; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năm phải đảm bảo chế độ, chính sách cho 95 cán bộ này.

Đồng chí Trần Thọ yêu cầu các học viên sau khi về công tác tại phường, xã phải tiếp tục phấn đấu để trở thành lãnh đạo. Kết quả học tập mới chỉ là bước đầu, phía trước là chặng đường dài các cán bộ trẻ phải thể hiện được năng lực của mình bằng hiệu quả thiết thực trong công việc mình phụ trách. Cần xác định không phải ai đi học về rồi đều sẽ được làm bí thư, chủ tịch. Quyết định vẫn chính là bản thân mình qua quá trình công tác. Làm lãnh đạo phải có tính quyết đoán, thuyết phục, uy tín với dân. Những phẩm chất này chỉ hình thành qua quá trình công tác.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

Đọc thêm