“Hòn ngọc” Sơn Trà đang bị làm mờ đi bởi bàn tay và sở thích của những du khách trẻ: Ghi khắc loạn xạ lên tường, cột các điểm tham quan.
Trên đỉnh Bàn Cờ của bán đảo Sơn Trà cao gần 700m so với mặt nước biển, có một phiến đá phẳng lì khá rộng trông giống như chiếc bàn cờ, và một bức tượng Tiên Ông đang chơi cờ giữa đất trời. Lúc mới được xây dựng, bàn cờ có đầy đủ quân cờ. Nhưng ngày tháng trôi qua, những chuyến pic-nic, dã ngoại của các bạn trẻ thích “khám” và “phá” đã làm nhiều quân cờ lần lượt ra đi, với mục đích nghe khá quen tai: Giữ làm kỷ niệm. Kết quả là, Tiên Ông không còn quân cờ nào để đánh cả!
Ngay trên nóc cao của chòi nghỉ chân cho du khách trên đỉnh Bàn Cờ cũng xuất hiện nhiều dòng quảng cáo không đụng hàng như: “Đ.L 0935XXXXX Vá xe…”. Sáu cây trụ của chòi nghỉ chịu chung số phận, khi trở thành nơi ghi dấu mọi xúc cảm hỉ, nộ, ái, ố của du khách mà hầu hết là giới trẻ.
“Anh yêu em” ở... chùa Linh Ứng
|
Một bạn trẻ vừa hoàn thành một “kiệt tác”. |
Lý giải về việc viết, vẽ bậy ở chùa, Đ.M.P – một học sinh lớp 11 nói: “Các bạn em bảo ở đây thiêng lắm, nên em muốn thử xem có “linh” hay không?”. Nói rồi, P. tiếp tục dùng dao rạch lên thân cây những dòng chữ “lưu niệm” của mình. Vô tình hay cố ý, các bạn trẻ không quan tâm việc để lại bút tích đã làm xấu đi hình ảnh của ngôi chùa lớn.
Bức xúc trước những “dấu ấn” không đẹp đẽ đó, D.X.P - một học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết: “Mình nghĩ, bạn trẻ có nhiều cách để thể hiện tình cảm của mình chứ không phải bằng cách viết, vẽ bậy lên công trình, chùa chiền. Các khu di tích lịch sử, chùa chiền, danh lam thắng cảnh… là của cải chung của toàn xã hội. Hằng ngày, có biết bao người đủ mọi lứa tuổi, trình độ, quốc tịch… đến đây thăm thú, họ sẽ nghĩ sao khi nhìn thấy những dòng chữ chi chít vô ý thức, thậm chí là quá lộ liễu như thế này? Không chỉ thế, khi viết lên trên các di tích lịch sử, nơi công cộng, bạn trẻ có thu được gì về cho bản thân hay không? Hay đây chỉ là một hành động phá hoại, làm tốn ngân quỹ Nhà nước cho việc tu tạo?”.
Phạm Bình