Một người cháu gái bị chú để ý quá mức tới cơ thể; một cô bé bị các anh học cùng trường đón đường trêu chọc, đụng chạm; một cậu bé nhờ anh hàng xóm giảng bài nhưng thường xuyên bị anh ta “vô tình” chạm vào “vùng nhạy cảm” trên cơ thể...
Đây chính là những khởi đầu của nạn lạm dụng tình dục. Thế nhưng, hiện không ít thanh thiếu niên, trẻ em không hề biết “sự khởi đầu” này để biết cách phòng tránh lạm dụng tình dục.
Nhiều trẻ mơ hồ
Tình trạng hành hạ, xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta đang ở mức báo động và ngày càng trở nên phức tạp.
Số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy: Hàng năm, trên cả nước phát hiện gần 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nghĩa là, cứ mỗi ngày trôi qua lại có 3 đứa trẻ bị xâm hại tình dục.
|
Trẻ bị xâm hại thường sợ hãi vu vơ. Ảnh minh họa |
Đáng lo ngại là vậy, nhưng hiện còn rất nhiều thanh thiếu niên và trẻ em không hay biết về khái niệm và những biểu hiện của xâm hại tình dục. Nhiều thanh thiếu niên ngơ ngác khi được hỏi: “Như thế nào là xâm hại tình dục”.
Trong cuộc tham thảo ý kiến của các bạn sinh viên có mặt tại trường quay S9 Đài Truyền hình Việt Nam ngày 15/1/2011 xung quanh chủ đề này, có tới 80% bạn được hỏi đã trả lời là: Nam giới không có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Và họ rất chủ quan về vấn đề này.
Trên thực tế, cả trẻ em trai và trẻ em gái đều bị xâm hại tình dục nhưng nạn nhân thường gặp hơn là trẻ em gái. Về độ tuổi, 51% trường hợp bị xâm hại tình dục ở khoảng tuổi 13-16, 40% ở khoảng tuổi 6-12, số trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 9,4%... Cũng theo kết quả cuộc khảo sát nêu trên, số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học sống lang thang bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%.
Ngoài ra, rất nhiều em mất cảnh giác khi cho rằng việc hàng xóm, người thân trong gia đình sẽ không lạm dụng tình dục mình. Theo kết quả điều tra thì có tới 54,8% số vụ xâm hại do hàng xóm gây ra, 35,5% do người không quen biết, 9,7% là người thân trong gia đình (ông, bố, chú, bác, anh...).
Bố mẹ phải dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục
Trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, bởi vậy, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình là hết sức quan trọng. Các bậc cha mẹ phải tìm hiểu kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để tạo ra sự an toàn cho con em chính mình.
Bố mẹ không được để các con nhỏ, chưa biết bảo vệ mình ở nhà một mình, ra đường, ra chỗ vắng một mình; không được cho con tiếp xúc với những người hàng xóm, hoặc kể cả họ hàng có biểu hiện xấu, nhân cách xấu, hay uống rượu, xem phim “đen”, những người ở hoàn cảnh vắng vợ, độc thân, bệnh lý, hoặc những em trai đang ở tuổi dậy thì, phát dục, chưa hoàn thiện nhân cách; không để các con đi chơi, ngủ trưa, ăn mặc hớ hênh nhất là các bé đang tuổi ăn tuổi lớn, phổng phao, dễ gây tò mò, kích thich các đối tượng “bệnh hoạn”.
Bố mẹ cần dạy các con từ 4 tuổi trở lên về việc xấu, không cho làm như: “Không cho ai sờ vào đây con nhé”, “Không cho ai bế, ôm, hôn”, “Nếu ai làm thế, con thét to lên và chạy nhanh”... Tâm sự để con luôn dám thổ lộ, “mách” với bố mẹ những chuyện xảy ra với mình. Nói cho trẻ biết cách phản ứng xử lý với sự việc: Tìm cách tránh xa, gọi người xung quanh giúp đỡ. Tốt nhất là dạy con không tiếp xúc một mình với người lạ, không đi theo họ dù vì bất cứ lý do gì.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý những người quen biết ngắn hạn, mới xuất hiện như thợ xây nhà bên cạnh, người thuê nhà... Và cũng hết sức cẩn trọng khi trao các bé cho những người thân, vì đã có trường hợp bạn thân của chú ruột lạm dụng bé gái.
TS.Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý Trẻ em N-T Nguyễn Khắc Viện đưa ra lời khuyên: “Bố mẹ cần thường xuyên quan sát, để ý các biểu hiện cơ thể và tâm lý của con mình.
Trẻ bị xâm hại tình dục thường có những biểu hiện: Trẻ hay qua lại nhà của một ai đó bất thường, nhất là cùng vào những thời điểm; trẻ giật mình vu vơ, hơi có biểu hiện “ngơ ngơ” hoặc đờ đẫn; sợ sệt, xấu hổ khi gặp “một số” người; đau khổ, khóc lóc, trốn tránh, nhưng lại sợ ngủ một mình, ác mộng; cơ thể có những vết bầm tím, xây sát; đi lại, ngồi, sinh hoạt gượng, khó khăn, đau; có vết xây sát, sưng tấy, máu hoặc chất nhầy ở bộ phận sinh dục...”.
VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam vừa thực hiện chuyên đề “Điểm nóng” với chủ đề “Làm thế nào để phòng tránh bị lạm dụng tình dục”. Chương trình có sự tham gia của 100 em sinh viên và các nhà quản lý, nghiên cứu liên quan vấn đề này. Chương trình đã giúp các bạn trẻ, trẻ em nhận biết nguy cơ và có biện pháp đối phó hữu hiệu, phòng tránh bị xâm hại tình dục. |