Những lễ hội xuân riêng có của dân tộc Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cứ độ mùa xuân, trên cả nước lại diễn ra nhiều lễ hội rộn ràng, gắn với văn hóa các vùng miền. Trong số đó, có những lễ hội đến từ sự giao thoa văn hóa, nhưng cũng có những lễ hội được ra đời từ bản sắc Việt, làm nên nét đẹp độc đáo chỉ riêng có của nước ta.
Lễ hội Yên Tử đầu xuân.
Lễ hội Yên Tử đầu xuân.

Lễ hội mang nét đẹp lịch sử - văn hóa Việt

Với nền văn minh lúa nước hơn 2000 năm, Việt Nam gắn với rất nhiều lễ hội liên quan đến việc trồng trọt cày cấy, vụ mùa, các lễ hội ngư nghiệp, lễ hội liên quan đến các tín ngưỡng, tôn giáo. Và mỗi độ xuân về, lại là “mùa của lễ hội”. Các lễ hội ấy không chỉ là thời điểm người dân Việt nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè, mà còn phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử lâu đời của dân tộc.

Nhắc đến những lễ hội mùa xuân riêng có của người Việt, không thể không nhắc đến Lễ hội Cổ Loa, một lễ hội mang đậm nét dấu ấn lịch sử của dân tộc. Lễ hội được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày mồng 6 đến 16 tháng giêng, nhân ngày kỷ niệm Thục Phán An Dương Vương nhập cung. Làng Cổ Loa gồm 12 xóm, hội tổ chức chung cho 8 làng gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội.

Một trong những lễ tái hiện chiến tích chống ngoại xâm của dân tộc, phải kể đến Lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Lễ hội diễn ra tại trung tâm Thủ đô, đúng ngày mùng 5 Tết, nhằm tái hiện lại chiến thắng gò Đống Đa và để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của Vua Quang Trung.

Tại miền Trung có Lễ hội đền Vua Mai (Nghệ An). Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ Vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, được sinh ra và lớn lên lại xã Đông Liệt (nay đã được đổi tên thành xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngoài ra, còn có nhiều lễ hội lớn, nhỏ vinh danh các anh hùng dân tộc diễn ra khắp nơi.

Một lễ hội mùa xuân gắn liền với lịch sử và tín ngưỡng, thu hút đông đảo người dân không chỉ một vùng mà cả nhiều vùng tham gia, đó là Lễ hội Yên Tử. Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân. Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng lừng lẫy của dân tộc từng tu hành. Đây cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam Yên Tử không chỉ là nơi để ngoạn cảnh, mà hành trình lên đỉnh núi thiêng còn là một hành trình tâm linh, là một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật.

Nhắc đến lễ hội mùa xuân gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, không thể không nhắc đến Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hoặc Lễ hội Đền Hùng được coi là Quốc giỗ, là ngày hội truyền thống của người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Một điều độc đáo là mỗi một vùng miền của đất nước lại có những hình thái lễ hội đặc trưng. Nếu như ở miền Bắc có đa dạng lễ hội liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, đến lịch sử dựng nước giữ nước... thì miền Nam và miền Trung lại có những cách tổ chức lễ hội riêng. Suốt dải eo biển miền Trung, đời sống nhân dân gắn liền với mưu sinh trên biển, thế nên, Lễ hội Cầu ngư với tục thờ cá Ông và Quan Âm Nam Hải là nét nổi bật nhất trong hệ thống lễ hội của người dân miền này.

Tại miền Nam, các lễ hội thường hướng đến quá trình “mang gươm mở cõi” của dân tộc, vinh danh các vị anh hùng mở cõi, giúp dân khai khẩn.

Điểm đặc sắc trong lễ hội của người Việt không chỉ là phần nghi lễ thiêng liêng, giàu ý nghĩa mà còn cả phần hội rất hấp dẫn, nhộn nhịp với các trò chơi dân gian truyền thống như đua thuyền, đấu vật, trèo cột mỡ, cờ người...

Lễ hội chùa Hương được tổ chức đầu xuân hàng năm.

Lễ hội chùa Hương được tổ chức đầu xuân hàng năm.

Độc đáo lễ hội mới của người Việt

Có rất nhiều lễ hội mùa xuân rất đặc sắc riêng chỉ có ở Việt Nam, làm nên nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Có thể kể đến các lễ hội như: Lễ hội chùa Hương (Hà Tĩnh), hội Lim (Bắc Ninh) hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), Lễ hội vật làng Sình (Huế), Lễ hội chùa Viềng (Nam Định), Lễ hội Bánh chưng bánh giày ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, Lễ hội Căm Mường ở Lai Châu, Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên...

Ngoài những lễ hội cổ truyền thống có từ ngàn năm, trăm năm, người Việt còn có những lễ hội mới xuất hiện trong những thập kỉ gần đây. Những lễ hội ấy được sản sinh bởi những nhu cầu của người Việt hướng đến đời sống tâm linh, tinh thần, vun đắp tâm hồn.

Một trong số đó là Lễ hội thơ Nguyên tiêu hay còn gọi là Lễ hội thơ Rằm tháng Giêng. Từ bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Rằm tháng Giêng hàng năm được chọn là Ngày Thơ Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào năm Quý Mùi 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà thơ và công chúng yêu thơ.

Mỗi năm Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng, sự kiện vừa là nơi gặp gỡ của các thi sĩ và công chúng yêu thơ, vừa góp phần tôn vinh nền thi ca Việt Nam, bồi đắp tâm hồn, giá trị nhân văn, vẻ đẹp tinh thần của dân tộc.

Sau một năm gián đoạn do dịch bệnh, năm 2023, Ngày Thơ Việt Nam sẽ trở lại với một diện mạo mới, đặc biệt hơn. Ngày Thơ Việt Nam 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam và Hoàng thành Thăng Long đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 4 - 5/2 (tức ngày 14 và Rằm tháng Giêng) với chủ đề “Nhịp điệu mới”.

Các chương trình sẽ hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa và thơ. Mục tiêu của lễ hội năm nay là “mở rộng” cõi thơ, dùng nhiều phương tiện để không chỉ người yêu thơ mà cả những người chưa yêu thơ cũng sẽ thử mở cửa tâm hồn, chào đón thi ca, để trái tim rung động với những điều đẹp đẽ, nhân văn từ thi ca mang đến.

Rộn ràng mỗi mùa xuân đến còn có “Tết trồng cây” diễn ra trên khắp đất nước Việt. Ngày 28/11/1959, Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân và trong dịp đầu xuân năm 1960, chính Người đã phát động phong trào “Tết trồng cây” và trồng cây đa đầu tiên tại Công viên Thống Nhất. Từ đó đến nay “Tết trồng cây” vẫn giữ nguyên được giá trị ấy sâu sắc trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Và mỗi một độ mùa xuân, lễ hội trồng cây, “Tết trồng cây” lại được chính quyền, người dân cả nước náo nức tham gia.

Có thể thấy, những lễ hội mùa xuân trên đất nước Việt, dẫu là lễ hội có lịch sử hàng ngàn năm, lễ hội trăm năm hay những lễ hội mới xuất hiện cách đây vài thập kỉ, đều là sự phản ánh nét đẹp rạng rỡ của tâm hồn Việt trong niềm náo nức đón xuân về.

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Mỗi một lễ hội như một sợi dây gắn kết cộng đồng, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Các lễ hội đã tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng nhưng đầy rộn ràng, náo nức. Là nơi mỗi người Việt tìm đến để vui chơi mùa xuân, nhưng cũng để tưởng nhớ cha ông, kính ngưỡng biết ơn tiền nhân, tìm hiểu, thấm nhuần và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đọc thêm