Có nhiều bậc cha mẹ đưa con em mình đến khoa răng hàm mặt tại các bệnh viện để khám vì lý do răng trẻ mọc chen chúc, mọc lệch lạc. Họ thường phân vân lo lăng không biết có nên đi nắn chỉnh răng cho con mình khi trẻ chưa thay hết răng sữa hay không? Liệu có thể bắt đầu việc điều trị chỉnh nha cho trẻ khi trẻ chưa có đủ các răng vĩnh viễn hay là phải đợi đến khi trẻ thay hoàn toàn các răng sữa?
Những bất thường cần được khắc phục
Những bất thường của hàm răng trẻ cần được đi đến bác sĩ chuyên về chỉnh hình răng mặt để khắc phục, ví dụ: hàm trên hay các răng cửa hàm trên nhô ra nhiều; cung răng bị hẹp, các răng trẻ mọc khít sát nhau quá, chen chúc lẫn nhau; răng cửa nghiêng ra ngoài đến mức đẩy môi trên ra, trẻ không thể ngậm kín miệng được; răng cửa dưới phủ ngoài răng cửa trên; khi trẻ ngậm miệng, cắn chặt răng có một khoảng hở giữa các răng cửa trên và răng cửa dưới.
Những bất thường của hàm răng trẻ cần được đi đến bác sĩ chuyên về chỉnh hình răng mặt để khắc phục.
|
Việc đến khám bác sĩ chuyên về chỉnh hình răng mặt không có nghĩa là tất cả những đứa trẻ cần phải điều trị nhưng để bác sĩ chỉnh hình răng mặt đánh giá, phát hiện được một số trường hợp cần được chỉnh hình răng hàm mặt sớm cho trẻ nhằm ngăn ngừa các rối loạn trầm trọng và giúp cho việc điều trị sau này nhanh hơn và ít phức tạp hơn. Không cần phải chờ tới lúc trẻ rụng hết răng sữa, vì lúc đó có thể dẫn đến hậu quả lệch lạc răng trầm trọng hơn.
Điều trị sớm sẽ giúp tiết kiệm được kinh phí và mang lại cơ hội để chỉnh hình những trẻ có lệch lạc trầm trọng về xương. Nếu để đến thời điểm trẻ đã lớn, sẽ không thể điều trị được bằng chỉnh nha đơn thuần, mà phải dùng phương pháp chỉnh hình phẫu thuật phức tạp và tốn kém để có được một kết quả hoàn hảo.
Nhìn chung, thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10 – 12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng.
Những lệch lạc răng mặt nào thường gặp ở trẻ em nhất?
Răng mọc chen chúc:
Răng mọc chen chúc là tình trạng các răng sắp xếp lộn xộn, không ngay ngắn trên cung hàm, răng mọc không đều, các răng khấp khểnh do thiếu chỗ (răng quá to hay xương hàm cung răng quá nhỏ không đủ chỗ để các răng sắp xếp).
Hô răng hàm trên, hô hàm trên:
Hô răng hàm trên và hô hàm trên là một lệch lạc khá phổ biến, làm cho khuôn mặt không thẩm mỹ. Hô răng hàm trên là tình trạng răng cửa hàm trên nghiêng nhiều ra trước, trong khi xương hàm trên vẫn bình thường theo tương quan chiều trước sau.
Hô hàm trên là tình trạng hàm trên nhô quá về phía trước, hoặc hàm dưới lùi quá về phía sau.
Cắn ngược hay cắn chéo (móm):
Cắn ngược hay cắn chéo là tình trạng răng dưới phủ ngoài răng trên. Hiện tượng này xảy ra khi răng hàm trên cắn vào bên trong răng hàm dưới. Cắn chéo có thể gặp ở vùng răng sau nhưng thường xảy ra ở vùng răng trước, ảnh hưởng cả thẩm mỹ và chức năng nhai.
Răng thưa:
Răng thưa là tình trạng có khe hở giữa các răng. Răng thưa xảy ra khi răng quá nhỏ so với cung hàm hoặc cung răng quá rộng.
Cắn hở:
Cắn hở xảy ra khi răng cửa trên và răng cửa dưới không chạm nhau khi trẻ cắn lại. Khi cắn 2 hàm răng lại, răng hàm phía sau chạm nhau nhưng răng cửa vẫn hở. Ngoài việc mất thẩm mỹ, khi cắn hở, trẻ sẽ không thực hiện được chức năng cắn và xé thức ăn, ảnh hưởng đến hiệu quả nhai.
Cắn sâu:
Cắn sâu là tình trạng răng trên phủ răng dưới quá mức (hơn 3mm). Khi cắn lại, răng hàm trên che khuất răng hàm dưới. Trường hợp nặng, răng cửa dưới cắn chạm vào vùng nướu hay khẩu cái phía sau các răng cửa trên.
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống