Những loại phí quái chiêu của nhà băng

Trước khi điều chỉnh tỷ giá, cùng với những hợp đồng mua bán ngoại tệ, các ngân hàng có những nguồn thu quái chiêu như phí kiểm đếm tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng..
 

Trước khi điều chỉnh tỷ giá, cùng với những hợp đồng mua bán ngoại tệ, các ngân hàng có những nguồn thu quái chiêu như phí kiểm đếm tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng..

Được người bạn cho xem một chứng từ thanh toán với ngân hàng, anh Hà – cán bộ một công ty lớn ở Hà Nội, tá hỏa khi thấy khoản phí nộp rút tiền mặt có số tiền lên tới gần 200 triệu đồng. Tưởng người bạn phải nộp vào ngân hàng một khoản tiền cực khủng thì mới mất tới số tiền đó, anh hỏi: “Tiền mặt ở đâu mà nhiều thế?”.

Người bạn cho biết, khoản phí mà ngân hàng tính trên thực tế là để che đi khoản tiền chênh lệch giữa tỷ giá mua bán danh nghĩa là 19.500 đồng và thanh toán thực tế khoảng 20.900 đồng. “Ai cũng mua bán với giá 20.900 đồng nhưng quy định thì không cho phép nên mới sinh ra cái mức phí quái dị kia. Còn khoản nộp vào ngân hàng cũng là tiền ’ảo’ thôi”, anh bạn nói.

Trao đổi với VnExpress.net, chuyên viên kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng cổ phần lớn cho biết, các loại phí có phần rất vô lý như nộp rút tiền mặt với giá trị lớn chỉ được áp dụng với các công ty tư nhân. Với những doanh nghiệp nhà nước, tính phí kiểu này có thể bị khép vào tội trục lợi bởi nó quá cao so với mức thông thường. Vì thế, những khoản phí khác hợp lệ hơn như rút tiền trước hạn, tư vấn, chuyển tiền, hạ lãi suất vay… được áp dụng cho những đơn vị khó tính hơn.

Với những khách hàng mua ngoại tệ của ngân hàng, nếu nhìn vào các hóa đơn thanh toán, giá vẫn là 19.500 đồng một đôla. Thế nhưng, trong số các chứng từ khác, người ta có thể thấy nhiều khoản phí thu cao đến mức vô lý về chuyển tiền, rút tiền, mở LC…. Còn ở những doanh nghiệp bán đôla cho ngân hàng, mức lãi vay có thể thấp bất thường so với mặt bằng trên thị trường hoặc lãi tiền gửi có mức cao đột biến.

Ở một ngân hàng thương mại lớn, một khách hàng đã phải trả phí tư vấn lên tới hơn một tỷ đồng cho một nghiệp vụ là “không khí”. Chuyên viên của nhà băng này cho biết: “Khoản mục tính phí được ghi là tư vấn chung chung nhưng không ghi cụ thể là về nghiệp vụ gì. Thực tế, đây là phần chênh lệch trong hợp đồng mua bán ngoại tệ giữa tỷ giá theo quy định và giá thực tế của thị trường”.

Sau đó, giữa 2 bên xảy ra tranh chấp và khách hàng kiện ngân hàng thu phí không hợp lý. Kết cục, toà xử nhà băng thua kiện, phải trả lại khoản phí tư vấn cả tỷ đồng đã thu. “Đầu vào phải đưa ra giá cao hơn quy định thì mới mua được và phải ẩn vào một số ưu đãi cho khách hàng. Đến khi bán thì khoản chênh tính vào phí tư vấn lại bị ‘xù’, chúng tôi nếm quả đắng ngắt”, anh này than thở.

Nguồn tin từ một ngân hàng nước ngoài lớn cho biết, thời gian đầu khi đề nghị thu các khoản phí bất thường ở nghiệp vụ khác để hợp pháp hóa các khoản chênh lệch của hợp đồng mua bán ngoại tệ, khách hàng phản ứng mạnh. Tuy nhiên, do tỷ giá chính thức tách rời giá thực tế tới 1.500 đồng mỗi đôla, nếu không làm như vậy giao dịch không thể thực hiện được. Dần dần mọi người đều chấp nhận các mức phí “buồn cười” mà nhà băng đưa ra.

Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa ở Hà Nội than thở: “Chẳng ai muốn thu những loại phí quái dị như vậy cả. Mình thu được tiền rồi mà vẫn lo ngay ngáy bởi thanh tra, kiểm tra hoặc khách hàng ‘phản thùng’ là chết dở ngay. Thực tế là mình mua cao thì phải bán cao và ai cũng biết thế chứ chẳng phải là bắt chẹt gì khách hàng”. Ông này rất mừng khi Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tỷ giá sát với thị trường bởi sẽ không còn phải thu các khoản phí vô lý như trước.

Theo Hoàng Ly
VnExpress

Đọc thêm