Những lời khai đầu của cựu lãnh đạo huyện Tiên Lãng trước Tòa

Hầu hết các bị cáo cho rằng ngày 6/1/2012 là ngày phá nhà 2 tầng của gia đình ông Vươn, nhưng không có mặt, nên không biết ai phá, đồng thời cũng không tham gia cuộc họp nên không biết ai chỉ đạo mình.

Ngày 8/4, TAND TP.Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và những cán bộ dưới quyền trong vụ cưỡng chế đầm nhà Đoàn Văn Vươn. Phiên tòa do Thẩm phán Trần Thị Thu Hà, Chánh Tòa Hình sự - TAND TP Hải Phòng, làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến 10/4.

Các bị cáo là cựu cán bộ huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, trước tòa.

Theo cáo trạng truy tố của VKSND TP.Hải Phòng, bị cáo Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa - nguyên Trưởng Phòng TNMT huyện Tiên Lãng và Lê Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Phạm Đăng Hoan – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản”.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - Lê Văn Hiền bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

8h hôm nay, lần lượt các bị cáo Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan, Lê Thanh Liêm và Nguyễn Văn Khanh, Lê Văn Hiền được HĐXX tiến hành phần xét hỏi.

Hầu hết các bị cáo cho rằng ngày 6/1/2012 là ngày phá nhà 2 tầng của gia đình ông Vươn, nhưng không có mặt, nên không biết ai phá, đồng thời cũng không tham gia cuộc họp nên không biết ai chỉ đạo mình.   

Bị cáo Lê Thanh Liêm khai tại tòa, bản thân không liên quan đến việc cưỡng chế. Bị cáo cho rằng chỉ được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động gia đình ông Vươn giao lại đầm cho huyện, có tham gia các cuộc họp, nhưng không có ai chỉ đạo phá dỡ.

Liên quan đến việc thuê máy xúc để phá nhà vào sáng 6/1, bị cáo Liêm cho rằng khi đến khu vực đầm thì máy xúc đã có mặt ở đó theo sự chỉ đạo của ông Khanh và giao lại cho xã Vinh Quang đôn đốc thực hiện.

Bị cáo Lê Văn Hiền.

Khi được hỏi về chủ trương phá dỡ, bị cáo Khanh đã phủ nhận lời khai các bị cáo trước, cho rằng lời khai đã có nhiều điểm không đúng, vì đến chiều 5/1 bị cáo mới có mặt ở khu vực đầm 21 ha, nên không biết việc phá nhà.

Trong khi đó, chủ trương phá nhà ông Quý được đưa ra tại 2 cuộc họp. Ngày 12/12/2011 do ông Lê Văn Hiền chủ trì và ngày 22/12/2011 do bị cáo chủ trì. Tuy nhiên, khi Phòng TN& MT đọc dự thảo thông báo, cá nhân bị cáo không đồng ý, nên đã xóa từ “phá nhà” bằng từ “tháo dỡ”.

“Khi cuộc họp đưa ra nội dung tháo dỡ, bị cáo đã không đồng tình. Việc không đồng ý này ngay từ khi huyện ra chủ trương cưỡng chế. Nhưng vì đó là Nghị quyết của tập thể nên tôi phải chấp hành. Ý kiến cá nhân của tôi được ghi vào biển bản. Tôi thấy huyện sai thì tôi cũng báo cáo tại cuộc họp với huyện như vậy", bị cáo Khanh nói.

Bị cáo Khanh khai thêm, hai cuộc họp đã bàn rất kỹ về các phương án và đều do Phòng Tư pháp Phòng TNMT huyện ghi biên bản. Trong hồ sơ trước khi thực hiện cưỡng chế đều ghi là “nhà ông Vươn” chứ không phải “lều”. 

Còn việc bị cáo có điện thoại cho chủ đầm tên Kết là do bị cáo Hoan nhờ, bị cáo chỉ nói với ông Kết “khẩn trương lên, mang máy xúc xuống nhanh chứ không nói để phá nhà".

Bị cáo Nguyễn Văn Khanh.

Theo cáo trạng, sau khi hết thời hạn giao đất đầm nuôi trồng thủy sản, ngày 4/12/2007, UBND huyện Tiên Lãng ra thông báo về việc dừng đầu tư, vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản trên diện tích 21 ha. Tiếp đó, ngày 23/4/2008, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi diện tích 21ha đất đầm nuôi trồng thủy sản đối với ông Đoàn Văn Vươn.

Sau khi có quyết định số 461 thu hồi đất đầm, do Đoàn Văn Vươn không tự nguyện chấp hành, nên UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành Quyết định 3307 áp dụng biện pháp cưỡng chế, đồng thời, ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng có Kế hoạch số 104 về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.

Ngày 25/11/2011, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ký Quyết định số 3312 thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế thi hành Quyết định 461. Đồng thời giao cho Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban chỉ đạo, Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT làm Phó ban thường trực, Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang và một số cán bộ thuộc phòng, ban của UBND huyện Tiên Lãng làm thành viên Ban chỉ đạo cưỡng chế…

Được giao làm Trưởng ban chỉ đạo, bị cáo Nguyễn Văn Khanh đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành Thông báo số 225 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.

Trong buổi cưỡng chế ngày 5/1/2012, Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan đôn đốc những người được trưng dụng thuộc Tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trong đầm của gia đình ông Vươn, ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong 2 ngày 5 và 6/1/2012 gây thiệt hại về tài sản trị giá 295 triệu đồng.

Mặc dù biết Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản là không đúng với Kế hoạch 104, nhưng Hoa, Liêm, Hoan vẫn giúp sức cho ông Khanh thực hiện việc phá dỡ làm hư hỏng tài sản của gia đình Vươn, Quý.

Theo đó, các bị cáo Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản có giá trị 295 triệu đồng, trong đó ông Hoan giúp sức cho ông Khanh hủy hoại tài sản của gia đình ông Quý có giá trị 191 triệu đồng.

Riêng đối với bị cáo Lê Văn Hiền, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy chế làm việc và không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, nên chịu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoài Lam

Đọc thêm