Việc xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung được thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần phải lưu ý khi thực hiện công việc này do đây là vấn đề còn khó khăn, phức tạp.
Chấp hành viên cần xem xét công sức đóng góp của vợ, chồng vào khối tài sản chung |
Tự phân chia: chấp hành viên phải làm "trọng tài"
Khi xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung cần phần biệt 2 trường hợp:
Đối với tài sản chung thông thường: việc xác định tài sản riêng của mỗi người trong khối tài sản chung được thực hiện theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2012. Theo đó, Chấp hành viên cần thông báo cho các đương sự về việc phân chia, xác định tài sản của mình trong khối tài sản chung đó. Chấp hành viên để các đương sự tự phân chia, xác định với nhau. Tuy nhiên, Chấp hành viên cũng cần đánh giá việc phân chia, xác định đó là đúng hay sai, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thứ 3 hay không?. Thời hạn thông báo là 30 ngày theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Trong trường hợp đã thông báo mà các đương sự không phân chia, không xác định hoặc có phân chia, xác định nhưng không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thứ 3, ảnh hưởng đến việc thi hành án, nhằm tẩu tán tài sản... thì Chấp hành viên cần thông báo cho người được thi hành án biết để người đó đề nghị Tòa án xác định, phân chia. Trong trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án không yêu cầu Tòa án thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2012.
Tài sản chung vợ chồng: cần xem xét công sức đóng góp
Đối với tài sản chung của vợ chồng: Chấp hành viên xác định phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung trên cơ sở Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Theo đó, trước hết Chấp hành viên cần xem xét công sức đóng góp của vợ, chồng vào khối tài sản chung, trong hồ sơ thi hành án phải thể hiện được việc Chấp hành viên đã thực hiện việc này. Trong trường hợp không xác định được công sức của từng người thì Chấp hành viên thực hiện theo nguyên tắc mỗi người một nửa.
Sau đó, Chấp hành viên thông báo cho vợ, chồng biết để họ xem xét, quyết định. Nếu vợ, chồng không chấp nhận việc phân chia như trên và không thỏa thuận được thì hướng dẫn vợ, chồng yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong khối tài sản chung. Trong trường hợp hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên căn cứ vào kết quả xác minh của mình để tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Chấp hành viên căn cứ vào kết quả xác minh tài sản để tiến hành kê biên phần tài sản của người phải thi hành án. Nếu tài sản có thể phân chia thì chỉ xử lý tài sản của người phải thi hành án. Nếu tài sản chung là tài sản không thể phân chia hoặc nếu phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Đặng Đình