Chỉ vì món nợ tiền đề
Theo nội dung vụ án: Vào chiều 13/1/2015, Võ Duy Phương (31 tuổi, ngụ xã Suối Tre, TX Long Khánh, Đồng Nai)đến gặp anh Khánh ghi bao lô số 61 với số tiền 50 ngàn đồng. Kết quả, Phương đã trúng số đề được 3,5 triệu đồng và anh Khánh hẹn hôm sau sẽ trả tiền. Tuy nhiên, sau đó Phương nhiều lần gặp anh Khánh đòi tiền trúng đề nhưng anh Khánh khất lần không trả.
Cho rằng anh Khánh định quỵt tiền đề của mình nên Phương nảy ý định trả thù. Ngày 14/1/2015, Phương đã mua một con dao cất vào cốp xe rồi đi tìm chủ đề. Gặp anh Khánh tại một quán cà phê ở phường Xuân Thanh (TX Long Khánh), Phương đòi tiền không được nên lấy dao đâm, chém nhiều nhát vào đối phương. Gây án xong, Phương bỏ trốn và đến hôm sau ra đầu thú. Anh Khánh bị thương, được đưa đi cấp cứu nhưng đến ngày 25/1/2015 thì tử vong.
Tại phiên tòa lưu động, bị cáo Phương đứng trước vành móng ngựa trong tình trạng lúc tỉnh táo, lúc lại bảo có vấn đề về thần kinh nên không nhớ gì. Tòa hỏi: “Bị cáo mua dao để làm gì?”. Bị cáo Phương đáp: “Bị cáo mua dao để gọt trái cây chứ không phải để đi tìm đâm anh Khánh”.
Tòa hỏi: “Sao bị cáo biết anh Khánh ở quán cà phê mà đến tìm?”. Phương nói: “Bị cáo tình cờ gặp thôi”. Tòa lại hỏi: “Bị cáo đâm anh Khánh mấy nhát?”. “Bị cáo có vấn đề về thần kinh nên không nhớ nữa. Nhưng hình như chỉ chém trúng tay 1 nhát và đâm trúng người 1 nhát…” - bị cáo Phương trả lời một cách rành mạch, rõ ràng nhưng lại tỏ ra lúc nhớ, lúc quên và đổ lỗi cho căn bệnh tâm thần.
Quá trình điều tra xác định, trước khi gây án bị cáo Phương từng có biệt danh là Phương “khùng” nhưng thực tế từ trước đến nay bị cáo vẫn làm ăn, sinh sống bình thường như bao người, chưa từng đi điều trị về tâm thần.
Diễn biến vụ án cũng thể hiện bị cáo gây án khi tỉnh táo, sáng suốt và hành vi phạm tội có trù tính, rõ về động cơ, mục đích gây án. Xét người bị hại cũng có một phần lỗi nên sau khi cân nhắc, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Phương 19 năm tù về tội “Giết người”.
Tại phiên tòa lưu động, ai cũng thấy ái ngại, xót xa khi nhìn chị Trần Thị Mỹ Dung (vợ bị hại Khánh) cùng 3 đứa con (đứa lớn chưa đầy 10 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ hơn 1 tuổi) ngồi ở hàng ghế dành cho người bị hại.
Chị Dung cho biết, để đến dự phiên tòa, chị đã phải làm gấp 2-3 lần công việc thu mua ve chai vào ngày hôm trước. Từ ngày chồng mất, chị phải làm việc gấp đôi, gấp ba lần trước kia mới đủ nuôi 3 đứa con nhỏ dại.
Ngày mưa, ngày nắng, thậm chí đau bệnh chị cũng không cho phép mình được nghỉ ngơi. “Có bệnh tôi cũng phải đi mua ve chai, chứ nghỉ 1 bữa là cả nhà chết đói” - chị Dung nghẹn ngào tâm sự.
Về phần bị cáo Phương, từ nhỏ đã bị thất lạc cha mẹ, phải sống lang thang ngoài chợ và được bà V.T.H. đưa về nhà cho ăn ở, rồi nhận làm con nuôi. Lớn lên, ai thuê làm gì Phương làm việc đó có khi làm chẳng đủ nuôi thân.
Thời gian trước khi xảy ra vụ án, Phương đã được vợ chồng anh Khánh cho “ăn nhờ, ở đậu” cả tháng. Nhưng kẻ “ăn cháo đá bát” lại không ngại tước đi sinh mạng của ân nhân, bắt 3 đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi như bị cáo đã từng chịu.
Khi tòa nhắc đến việc 3 con của bị hại phải chịu cảnh mồ côi, đứa lớn vì quá sốc trước cái chết của cha mà mắc bệnh trầm cảm rồi nghỉ học, bị cáo Phương mới tỏ ra ân hận khi nhận thức được tội lỗi của mình nên cúi đầu xin tha thứ.
“Bị cáo xin Tòa xử mức án nhẹ để sớm về làm ăn, phụ nuôi con của bị hại” - bị cáo Phương khẩn khoản. Liệu những lời của bị cáo Phương có đáng tin cậy, hay chỉ là lời hứa suông cho qua chuyện? Bởi trước đây, là một thanh niên khỏe mạnh mà Phương còn không nuôi nổi bản thân thì sau khi ra tù, bị cáo lấy gì để nuôi con bị hại?
Phiên tòa kết thúc, chị Dung dắt díu các con chạy theo vị đại diện Viện kiểm sát khẩn khoản hỏi: “Bị cáo hứa như vậy thì bao giờ nhà tôi mới có tiền bồi thường?”.
Không ai có thể trả lời chắc chắn cho câu hỏi đó, vì bị cáo Phương sẽ phải thụ án 19 năm tù, gia đình bị cáo cũng nghèo và việc có bồi thường hay không còn phụ thuộc vào thiện chí của gia đình họ. Người phụ nữ bất hạnh mang nỗi đau mất chồng vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ảnh là trụ cột gia đình mất đi, tương lai các con tôi rồi sẽ ra sao?”./.