“Thủ từ” đền Bà Chúa Kho lên tiếng việc mang tiền đi lễ

(PLO) - Năm nay là năm thứ tư Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ trong dịp Tết. Pháp Luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Lập - Trưởng ban Quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho về tác động của chính sách đối với tập quán đi lễ tiền lẽ trong nhân dân.
Du khách thập phương nườm nượp đổ về dâng lễ tại ditích Đền Bà Chúa Kho
Du khách thập phương nườm nượp đổ về dâng lễ tại ditích Đền Bà Chúa Kho
Công tác ở khu di tích lâu năm, ông có nhận xét gì về tập quán sử dụng tiền lẻ của người dân? Đến giờ đã có sự chuyển biến nào hay chưa, thưa ông?

- Thực hiện công văn của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã nghiêm túc chấp hành và tuyên truyền vận động các hộ không đổi tiền lẻ ở khu vực khuôn viên Đền. Quan điểm của Đền là hoàn toàn nghiêm cấm.

Tập quán của người Việt Nam đến lễ Đền tuỳ theo khách. Họ đổi tiền lẻ ở đâu chúng tôi không biết, tâm của họ muốn đặt thì họ đặt tiền lẻ ở các ban, còn đổi thì nhà Đền tuyệt đối không cho. 

Nhà Đền cũng không có chủ trương và không cho phép đổi tiền lẻ.
Trước đây, việc kiểm đếm tiền lẻ tại Đền như thế nào? Có bao nhiêu người thực hiện việc kiểm đếm phân loại và mất bao nhiêu lâu để kiểm đếm tiền, thưa ông?

- Chúng tôi có một bộ phận riêng để kiểm đếm tiền lẻ. Nhà Đền quy định 3-5 hôm mở một lần, với 3 bộ phận: bộ phận khương trực (chỉ trực thôi), bộ phận đi mở hòm và bộ phận kiểm đếm. Sau khi kiểm đếm, chúng tôi có quy định đưa vào nơi nhà Đền quản lý. Nhà Đền làm việc, gửi tiền lẻ tại Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Đầu tư...

Những năm trước đây, chúng tôi phải nhờ các ngân hàng vào kiểm đếm do tiền mệnh giá nhỏ để trời mưa bị ẩm, bị xoăn nên cần các cơ quan có chuyên môn và các loại tiền xu phải thuê máy về sàng từng loại riêng biệt nên mất rất nhiều thời gian. Nhưng từ năm ngoái thì không cần nhờ ngân hàng vào kiểm đếm nữa vì lượng tiền lẻ đã giảm bớt.

Ông quan niệm thế nào về sự khác nhau giữa đem tiền lẻ đến rải tại các ban và cúng bao nhiêu thì đặt luôn vào hòm công đức một số tiền nhất định?
- Với khách đi lễ Đền Bà Chúa Kho, chúng tôi đều nhắc nhở quý khách nên thả tiền vào hòm, bất kể tiền to hay tiền nhỏ, để đỡ phản cảm, đồng tiền đỡ rơi xuống đất. Tập quán lâu đời của người Việt Nam, bình thường đi lễ dâng một ít tiền lẻ đặt trên đĩa. Chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở để đi vào quy củ chung của nhà Đền.
Giữa hai việc, một bên là đặt một khoản tiền lẻ lên đĩa và một bên là bỏ luôn vào hòm công đức thì ý nghĩa tâm linh không khác nhau. Chúng tôi nhắc nhở khách, đã có tâm đến với nhà Đền thì tiền bỏ vào đâu cũng là của nhà Đền và nên bỏ vào trong hòm công đức thì văn minh và lịch sự hơn.

Người đi lễ không nhất thiết phải chỗ nào cũng có tiền, vì đã đến một nơi tâm linh mà tôn thờ những vị có công với đất nước thì không nhất thiết phải thả tiền to hay tiền bé và nhất là không cắm lên hoa, những chỗ gây phản cảm với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Tốt nhất là các khách bỏ tiền vào hòm giọt dầu hoặc hòm công đức.

Nhiều người có tư tưởng vào Đền thì phải để khắp các ban thì mới đúng với lễ, thần linh mới chứng cho…?

- Quan niệm đó in sâu vào con người Việt Nam, nhất là những người trung tuổi và trên trung tuổi. Hiện chúng tôi đang vận động, nhắc nhở để khách nên để vào vị trí nào và rải như thế nào cho hợp tình, hợp lý.

Theo quan điểm cá nhân tôi, để ở một nơi cũng là tâm linh, quan trọng là cái tâm của mình thôi chứ không phải rải ở khắp chỗ. Rải nhiều nơi làm mất thời gian đến các bộ phận khác. Người đi lễ sẽ mất công đi đổi tiền, nhà Đền mất công đi gom và đi đổi lại…

Xin cám ơn ông!

Ông Trương Anh Dũng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh: “Hàng năm, khi được thông báo ngân hàng chúng tôi đều cử cán bộ quỹ đến kiểm đếm và thu giúp tiền lẻ tạo các Đền Bà Chúa Kho, Đền Giếng tại xã Hoà Long. Thời gian kiểm đếm lâu nhất có thể mất cả ngày vì tiền lẻ nhiều, nhất là những ngày đầu xuân người đi lễ nhiều. Thông thường các Đền, Chùa đã kiểm đếm sơ qua, và chờ vài ngày mới gọi Ngân hàng đến hỗ trợ kiểm đếm và gửi luôn vào Ngân hàng. 

Thời điểm từ năm 2006 đến năm 2008, kinh tế phát triển, lượng tiền lẻ thu về nhiều nhất do người đi lễ Đền Bà Chúa Kho đông. Mấy năm gần đây, khi kinh tế suy thoái, cùng với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hạn chế tiền lẻ, tiền mới phát ra ít thì lượng tiền lẻ thu về ít hơn. Năm nay ít hơn năm ngoái rất nhiều…”.

Bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh: “Trước đây khoảng vài ba năm thì lượng tiền lẻ rất lớn. Sau những chỉ đạo của Nhà nước cũng như công tác tuyên truyền, nhìn chung thói quen sử dụng tiền lẻ tại các khu vực đền, chùa tại tỉnh Bắc Ninh vài năm trở lại đây đã có sự thay đổi, từ năm 2012 đến nay đã giảm hẳn, đặc biệt năm vừa qua đã giảm rất nhiều so với các năm trước. 

Qua nắm bắt tại một số ngân hàng làm việc trực tiếp với Ban Quản lý di tích thì lượng tiền đổ vào khu di tích đã giảm hẳn. Tất nhiên một khi đã là phong tục, thói quen thì theo tôi cũng phải có quá trình, đến một thời điểm nào đó mới hết được”.

Đọc thêm