Để ghi nhận những thành tích vẻ vang của ngành Thi hành án dân sự (THADS) và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác THADS tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 397/QĐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống THADS, đánh dấu chặng đường lịch sử 67 năm hình thành và phát triển của ngành THADS Việt Nam...
Năm 2013 cũng là năm kỷ niệm 20 năm ngày chuyển giao công tác THADS từ TAND sang ngành Tư pháp, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó có giao cụ thể chỉ tiêu cho ngành THADS...
Từ hôm nay, 3/6, Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục "Hướng tới Ngày truyền thống thi hành án dân sự Việt Nam" nhằm phản ảnh những kết quả đạt được, những sáng kiến hay, kinh nghiệm giỏi cũng như những khó khăn vướng mắc trong công tác THADS. Chuyên mục rất mong được sự quan tâm của bạn đọc. Mọi thư từ, bài vở xin gửi về haanhplvn@gmail.com hoặc Ban Nội chính, Báo Pháp luật Việt Nam, 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường gắn Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp cho các cán bộ THADS có nhiều đóng góp tại Hà Giang. Ảnh: Đ.Sơn |
THADS thời kỳ đầu "non trẻ"
Sau cách mạng tháng Tám thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và THADS, ngày 24/1/1946, năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán, trong đó có quy định Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành THADS trong chế độ mới.
Tiếp đó, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói đây là văn bản đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác THA, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Theo Sắc lệnh 130/SL, từ năm 1945 đến năm 1950, hoạt động THADS đã trở thành một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã - một đơn vị, tổ chức của chính quyền cách mạng, gắn liền với Tòa án và hoạt động xét xử thực hiện.
Việc THADS thể hiện quyền lực của nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế. Thời kỳ này, mặc dù cơ cấu tổ chức còn rất đơn giản, số lượng cán bộ còn ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song ban Tư pháp xã và Thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của Thẩm phán, góp phần bảo đảm pháp chế của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho công tác THADS sau này.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Hiến pháp năm 1980 lần đầu tiên đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định về giá trị thi hành của các bản án, quyết định: Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp ngành THADS có những chuyển biến quan trọng trong lịch sử phát triển của mình giai đoạn 1981-1989.
Cho đến ngày 28/8/1989, Pháp lệnh THADS- văn bản có hiệu lực cao nhất, lần đầu tiên đã được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động THADS. Trải qua nhiều giai đoạn, năm 1993 công tác THADS được chuyển giao từ TAND sang các cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã ban hành Pháp lệnh THADS, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cải cách về THADS. Năm 2004, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh THADS mới với nhiều đổi mới quan trọng.
Khẳng định vị thế THADS trong thời kỳ mới
4 năm sau, với vai trò đặc biệt quan trọng của công tác THADS trong thời kỳ mới, Quốc hội đã thông qua Luật THADS. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định 74/CP quy định chi tiết Luật THADS. Theo đó, hệ thống các cơ quan THADS được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ TƯ đến cấp huyện, với một vị thế mới, tương xứng nhiệm vụ được giao và phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp.
Với việc thực hiện các quy định mới này, từ năm 2009 đến hết năm 2011, toàn ngành đã thi hành xong 1.036.002 việc, thu gần 25 ngàn tỷ đồng (gấp 3 lần số tiền thu được trong 10 năm từ 1994-2004), giảm 26,3% so với số việc còn phải thi hành cuối năm 2008. Công tác tổ chức cán bộ của ngành cũng lớn mạnh vượt bậc. Đến năm 2012, ngoài Tổng cục THADS, có 63 Cục và 695 Chi cục THADS đã được thành lập với tổng biên chế là 9891 người, trong đó có hơn 3 ngàn chấp hành viên. Kết quả THADS tiếp tục có những chuyển biến mang tính bền vững. Các mặt công tác khác cũng được tăng cường, đẩy mạnh.
67 năm ghi nhiều dấu son, ngày 19/7/2013 này là năm đầu tiên ngành THADS kỷ niệm Ngày truyền thống, cũng là năm kỷ niệm 20 năm ngày chuyển giao công tác THADS từ TAND sang ngành Tư pháp, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Quốc hội về công tác tư pháp, cán bộ, chấp hành viên ngành THADS đang phát động những đợt thi đua lớn hướng tới thành lập ngành. Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự đồng thuận của xã hội, chắc chắn công tác THADS ngày càng đạt những kết quả cao hơn.
Hà Anh (giới thiệu)