Có thể nói, ở Việt Nam, nhạc sư Vĩnh Bảo là người duy nhất vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo. Ông cũng là người cao tuổi nhất dạy đàn dân tộc, thậm chí còn dạy qua mạng internet cho học trò khắp thế giới.
Lúc sinh thời, dù hơn 100 tuổi nhưng ngón đờn của nhạc sư vẫn điệu nghệ, trầm bổng, du dương, cuốn hút người mộ điệu. Tiếng đờn ấy còn là tiếng lòng của vị nhạc sư ngoài trăm tuổi. Tiến sĩ Lịch sử Văn hóa Lê Hồng Phước (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TP HCM), một học trò của nhạc sư Vĩnh Bảo từng có hai câu thơ nói về tiếng đàn của thầy mình như sau: “Nhạc quyện vào hồn, hồn thành nhạc/ Hồn nương tiếng nhạc nhạc hóa hồn”.
Theo TS Phước, nhạc sư Vĩnh Bảo đã gắn bó với cổ nhạc gần trọn trăm năm. Những thịnh suy của đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương từ khi mới mình thành, ông đều trải nghiệm đầy đủ. Cố GS Trần Văn Khê cũng đánh giá nhạc sư Vĩnh Bảo là “hậu tổ” Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Nhạc sư Vĩnh Bảo ngoài trăm tuổi nhưng tiếng đờn thì không có tuổi. Những nốt nhạc nhấn nhá mềm mại lảnh lót theo từng cung bậc cảm xúc. Từ tiếng nhạc của làng quê, của một vùng đất, ông đã biến nó thành nét đặc sắc của dân tộc và lan tỏa sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Cố GS Trần Văn Khê từng đánh giá: “Chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc Vĩnh Bảo: Phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhất vô nhị”. Chúng ta đã thực sự mất đi tiếng đàn hữu thanh, còn tiếng đàn vô thanh, tiếng đàn “ngoài trăm năm” luôn vang vọng trong tâm hồn người mộ điệu.
Nhạc sư Vĩnh Bảo sinh ra trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Từ lúc 5 tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc. Từ 1955 cho đến 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn.
Ông cũng là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số sáu nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ) năm 2006. Tháng 5/2018, nhạc sư Vĩnh Bảo về quê nhà Đồng Tháp để an hưởng tuổi già, sau một hành trình không mệt mỏi cùng nghệ thuật dân tộc.
Cô Thu Anh (con gái nhạc sư) kể về việc đầu tháng 12/2020 cha mình hôn mê. Nhiều học trò đến thăm ông hoàn toàn không hay biết. Nhưng đến khi nghe tiếng đàn của NSƯT Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát, và TS Lê Hồng Phước, thì nhạc sư chợt mấp máy môi và hé mắt nhìn.
Cứ như thế, mỗi khi nghe giai điệu tài tử của quê hương, ông lại như có thêm chút sức lực phục hồi và mấp máy môi gọi đúng tên từng người. Có lúc nhạc sư nói những câu bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ mà ngày trước nhạc sư hay sử dụng làm thơ, viết văn.
“Âm nhạc thì vô cùng, mà đời người thì hữu hạn. Tôi vẫn còn những ước mơ về âm nhạc chưa với tới được và còn nhiều kế hoạch vẫn phải tiếp tục...”, ông từng chia sẻ. Mong muốn lớn nhất trong cuộc đời nhạc sư Vĩnh Bảo là làm sao có thể lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ.
Lúc sinh thời, nhạc sư Vĩnh Bảo từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng: Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh (2015)... Năm 2008 ông được Chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học bậc Officier. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tặng ông bằng khen cho công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tang lễ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được tiến hành tại CLB Hưu trí tỉnh Đồng Tháp (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cao Lãnh). Theo nguyện vọng của gia đình, nhạc sư sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Quảng Khánh, TP Cao Lãnh và đưa tro cốt về thờ tại nhà riêng.