Quanh đi quẩn lại vẫn là “Con bướm xuân”?
“Đến hẹn lại lên”, thời điểm cận Tết là lúc những bài hát đón xuân vang lên rộn rã. Hầu như mỗi năm, các ca sĩ đều thi nhau ra album đón xuân như một dấu ấn năm mới. Tuy nhiên, các album ra mắt rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng, thậm chí nhiều bài hát hầu hết không được biết đến. Trong khi đó, vang lên khắp ngả đường nẻo phố vẫn là những bài hát đón Tết từ rất nhiều năm trước.
Con bướm xuân, Chúc Tết và vài bài hát có giai điệu rộn rã được ưa chuộng trong nhiều mùa Tết gần đây đều là những bài hát nhạc ngoại, lời Việt. Đặc biệt là bài hát Con bướm xuân, trong vòng 3 năm gần đây, liên tục “oanh tạc” thị trường âm nhạc mùa Tết, đến mức khá nhiều ca sĩ lấy lại bài hát này để cover trong album xuân của mình. Tết năm nay, nhiều người đã phải thốt lên “năm nay hy vọng không bị bội thực Con bướm xuân nữa”! Nhu cầu nhạc Tết là khá nhiều, có những bài hát năm nào cũng phát và thị trường đang rất cần những bài hát xuân mới mẻ. Tuy nhiên, những album xuân, single, MV… của nhiều ca sĩ lại bị “ngó lơ”.
Lý do rất đơn giản, đó là… bài hát chưa thực sự hấp dẫn. Dạo quanh thị trường âm nhạc xuân, có thể thấy rất nhiều bài hát xuân mới sáng tác không có đủ sức hút với người nghe. Có bài giai điệu quá ồn ào, có bài lại quá trầm buồn và hầu hết phần lời khá tẻ nhạt, không mới mẻ, quanh đi quẩn lại với những hình ảnh hoa đào, hoa mai, sum vầy, hạnh phúc… nhưng thiếu cảm xúc và ít tính sáng tạo. Chỉ số ít trong “rừng hoa” ca khúc xuân được khán giả đón nhận và lưu chút dấu ấn, như Hạnh phúc xuân ngời (Nguyễn Văn Chung), Như hoa mùa xuân (Châu Đăng Khoa), Tết sang (Nguyễn Văn Chung)… Trong đó, có không ít bài hát xuất phát từ… nhạc quảng cáo.
Để album xuân được “an toàn”, nhiều nghệ sĩ đã chọn thực hiện lại những bài đón xuân trở nên quen thuộc và được yêu thích từ trước đến nay như Ngày Tết quê em (Từ Huy), Mùa xuân ơi (Nguyễn Ngọc Thiện), Lắng nghe mùa xuân về (Dương Thụ), Tự tình mùa xuân (Từ Công Phụng)… Có lẽ, đó là những bài hát xuân kinh điển mà dù bao thế hệ trôi qua vẫn giữ nguyên được giá trị, với âm nhạc ngọt ngào, say đắm, lời hát duyên dáng và nên thơ. Điều mà những ca khúc gần đây hiếm khi có được.
Và quả thật, người nghe, hầu hết cũng chỉ lựa chọn cho mình những bài hát xuân xưa cũ để nghe ngày Tết, vì theo lý giải của nhiều người yêu nhạc, thà cũ, quen tai mà hay, vẫn hơn chọn cái mới thiếu cảm xúc!
Nhạc thiếu nhi – chỉ vài nhạc sĩ khác lâu lâu “ghé ngang”
Cho đến hiện nay, một trong những đĩa nhạc thiếu nhi bán chạy nhất, được các bậc phụ huynh lựa chọn cho con trẻ thưởng thức ở thị trường âm nhạc TP.HCM vẫn là những album nhạc có tuổi thọ hàng chục năm của bé Xuân Mai, bé Xuân Nghi. Gần đây, một số album nhạc của các bé như bé Bào Ngư, Bảo An, Gia Khiêm… cũng bắt đầu được biết tới.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt những ca khúc thiếu nhi hay vẫn là một hiện thực của thị trường âm nhạc. Những ca khúc hay nhất dành cho thiếu nhi được cập nhật trong các danh sách chính thức và bán trên mạng xã hội hầu hết vẫn là các ca khúc ở thập niên 2000 và trước đó, như Chú voi con ở Bản Đôn, Cả nhà thương nhau, Bố là tất cả, Những lá thuyền ước mơ, Em là hoa hồng nhỏ…
Chị Kim Thuyên, một phụ huynh ngụ Trần Quang Khải, quận 1 chia sẻ, hầu hết các đĩa nhạc thiếu nhi có trên thị trường chị đều mua cho các con nghe, vì các cháu rất yêu âm nhạc. Theo chị Thuyên, hiện nay khá nhiều bài hát dành cho thiếu nhi tập trung ở độ tuổi mầm, chồi, với những bài hát hồn nhiên, ngô nghê về những sự vật chung quanh như ếch, cá vàng, mèo con…
Tuy nhiên, bài hát cho các bé độ tuổi lớn hơn, bắt đầu vào cấp tiểu học, có nhiều suy tư và đòi hỏi cao về nghệ thuật hơn thì khá hiếm hoi. Hơn nữa, hiện nay, các bé phát triển tư duy sớm, đòi hỏi về thị hiếu âm nhạc cũng cao hơn. Những bài hát “thuần” thiếu nhi ngây ngô, giản đơn không còn sức hút. Đó là lý do khiến nhiều chương trình văn nghệ thiếu nhi nhưng lại chọn bài hát là… nhạc trẻ. Hiện nay, khá khó tìm kiếm được nhạc sĩ tâm huyết với nhạc thiếu nhi và có nhiều sáng tác hay dành cho thiếu nhi. Thị trường trẻ chỉ có một vài gương mặt đáng lưu ý như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Phương Thảo – Ngọc Lễ và vài nhạc sĩ khác lâu lâu “ghé ngang” địa hạt này.
Nhạc xuân, nhạc thiếu nhi cầu nhiều, cung ít, tất nhiên đều có lý do của nó. Đơn giản, bởi hai dòng nhạc này đều không phải là “gà đẻ trứng vàng” cho nhạc sĩ. Nhạc xuân, bất quá chỉ là một cuộc “vui cho có tụ”. Còn nhạc thiếu nhi thì lợi nhuận không là bao, và cũng khó đem lại cho nhạc sĩ sự danh tiếng, nó đòi hỏi ở các nhạc sĩ sự tâm huyết thực sự với âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Sáng tác âm nhạc luôn cần có cảm xúc tự sâu thẳm tâm hồn. Có lẽ, thiếu cảm xúc, thiếu sự tâm huyết thật sự, đó mới chính là nguyên nhân gây nên những “lệch pha” của thị trường sáng tác nhạc hiện nay.