Trong khi tình hình “chạy trường, chạy lớp” khiến nhiều trường trở nên quá tải thì ngay tại TP.HCM rất nhiều trường ngậm ngùi ngồi đợi học sinh (HS). Thậm chí có trường giáo viên phải đến tận nhà vận động HS đến trường. >> Lắm kiểu “chạy” trường Ông Trần Minh Thư, hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên (Q.10), cho biết: “Có lẽ trường tôi là trường nhỏ nhất TP.HCM vì nhiều năm nay số HS toàn trường chỉ hơn 100 em. Mỗi khối chỉ có một lớp, mỗi lớp có 20-25 HS. Thế nhưng, khi trường công bố danh sách lại không có tên những học sinh được cha mẹ “chạy”. Hiệu trưởng khẳng định không hề nhận tiền của phụ huynh. Chuyện gì đã xảy ra? Mùa tuyển sinh đầu cấp những năm gần đây, nhà trường chỉ tuyển được gần 50% HS so với chỉ tiêu. Những gia đình khấm khá đều chê Trường Điện Biên, xin chuyển sang các trường khác khang trang hơn. Do đó, đa số HS chịu vào học ở đây đều là con em gia đình lao động nghèo”.
Mỗi khối ở Trường Điện Biên, Q.10, TP.HCM chỉ có một lớp. Trong ảnh: lớp 3 chỉ có 20 HS - (Ảnh: H.HG) |
19 học sinh/lớp Trường tiểu học Điện Biên vốn là một... ngôi chùa. Vì thế, phòng học không đúng quy cách. Có phòng khá rộng nhưng có phòng chỉ hơn 30m2, có phòng lại có 1-2 cây cột to án ngữ giữa phòng. Sân chơi hẹp cộng với quy mô nhỏ, cơ sở vật chất cũ kỹ khiến nhiều phụ huynh ngán ngại. “Tâm lý bậc làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình được học hành trong một môi trường rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi... Ngay cả người trong ngành giáo dục cũng hiểu rất rõ cơ sở vật chất có tầm quan trọng lớn đối với chất lượng giáo dục” - ông Trần Minh Thư nói. Tương tự, năm học 2010-2011 Trường tiểu học Trí Tri (Q.10) chỉ tuyển mới được 34 HS lớp 1, trong khi chỉ tiêu 72 em. Hiện tổng số HS toàn trường là 235 em, trong đó gần 30 HS thuộc diện hòa nhập. HS ít, thầy cô giáo an ủi nhau: “Trường chật, may mà có chừng đó HS, chứ đông quá lại dễ chen chúc, xô xát”. Nói là nói vậy nhưng nhìn cơ ngơi của trường, không ai có thể cầm lòng. Được cải tạo lại từ nhà dân nên khuôn viên của trường thiếu ánh sáng, ban ngày cũng phải mở đèn ở sân chơi mặc dù sân chỉ vài chục mét vuông.
Học sinh lớp 1/4 Trường tiểu học Bàu Sen Q.5, TP.HCM những ngày đầu làm quen với môi trường tiểu học - (Ảnh: Như Hùng) |
Trong khi những ngôi trường khác trong TP đang phải đau đầu vì thiếu giáo viên thì ở Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8), giáo viên lại phải thuyên chuyển đi nơi khác vì số giáo viên đã dư so với số lớp học. Năm học này trường chỉ tuyển được 44 HS lớp 1 so với chỉ tiêu 90 em. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Giàu tâm tư: “Trong điều kiện cơ sở chưa cải thiện, trường đành chấp nhận và thông cảm với phụ huynh vì tâm lý phụ huynh luôn muốn chọn trường đẹp cho con. Đa số HS ở phường chuyển sang những trường có điều kiện tốt hơn và có bán trú. Trường Lý Thái Tổ có lẽ là một trong những trường hiếm hoi không chịu áp lực sĩ số ở TP.HCM vì trung bình mỗi lớp chỉ 19 HS”.Vượt khó Những ngôi trường mà chúng tôi đề cập trong bài viết này đều có cơ chế “HS nào đến cũng nhận”. Thế nhưng, những cản ngại về cơ sở vật chất xuống cấp, không đúng quy cách đã khiến mùa tuyển sinh của họ ngày một buồn hơn. Đã hơn 10 năm nay, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Q.1 luôn chịu sức ép lớn trong mùa tuyển sinh đầu cấp vì nhiều phụ huynh ở các quận khác “đổ” về xin học. Ít ai biết rằng hằng năm Q.1 vẫn có trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Theo ông Đinh Thiện Căn - trưởng Phòng GD-ĐT Q.1: “Khả năng Trường tiểu học Trần Quang Khải có thể nhận được ba lớp 1 nhưng năm nay chỉ tuyển hai lớp 1 với 70 HS vẫn chật vật. Phụ huynh không chọn Trường Trần Quang Khải vì thiếu sân chơi. Cơ sở 1 của trường nằm sát bên khu chợ trong một con hẻm. Nhiều phụ huynh rất ngại điều này vì môi trường phức tạp, xô bồ, dễ bị kẹt xe khi đưa đón con em đi học”.
Sân chơi hẹp, giờ ra chơi HS Trường Điện Biên phải tận dụng chân cầu thang làm sân chơi - (Ảnh: H.HG) |
Có một thực tế chung: hầu hết HS ở các trường “tuyển sinh không đủ chỉ tiêu” đều thuộc diện gia đình lao động nghèo. Cô T., khối trưởng khối lớp 1 Trường tiểu học Chương Dương (Q.5), tâm sự: “HS ở đây hầu hết đều có hoàn cảnh đáng thương, giáo viên phải đọc kỹ học bạ từng em để giúp các em đừng bỏ học”. Ngày tựu trường 16-8, trong khi học sinh các trường khác nô nức, vui mừng được gặp lại bạn bè thì ở Trường Điện Biên vẫn còn nhiều học sinh chưa đến lớp. Các giáo viên ở đây tâm sự: “Năm nào cũng vậy, chúng tôi phải gọi điện hoặc đến tận nhà động viên phụ huynh cho con em đi học. Ở Trường Điện Biên, tình trạng HS đi học thiếu sách giáo khoa, thiếu cặp... là chuyện thường. Thấy các em thiệt thòi, các thầy cô góp tiền giúp đỡ hoặc ban giám hiệu trường liên hệ với các mạnh thường quân nhờ hỗ trợ”. Trong khi đó, ông Lê Công Minh - hiệu trưởng Trường Trần Quang Khải - nói: “Chúng tôi có điều kiện tổ chức cho 100% HS học 2 buổi/ngày, trong đó có 2/3 bán trú. Tuy nhiên, toàn trường có gần 80% HS thuộc diện nghèo, nhiều phụ huynh phải trả góp tiền ăn hằng ngày, tiền học phí buổi thứ hai hoặc đóng gối đầu (tháng sau trả cho tháng trước)”. Theo ban giám hiệu một số trường, nếu như giáo viên tiểu học ở các trường lớn vất vả một thì giáo viên những trường trên vất vả gấp nhiều lần bởi đối tượng là HS nghèo. Ngoài giờ học, các em phải phụ giúp gia đình kiếm sống, phụ huynh thì suốt ngày đầu tắt mặt tối, ít quan tâm đến việc học hành của con. Mọi việc giao phó hết cho giáo viên: “Nhiều em đi học quên sách vở, quên đồ dùng học tập... vì phụ huynh không kiểm tra” - một giáo viên Trường tiểu học Điện Biên thổ lộ.
Nhiều trường “treo”
Hầu hết các trường tuyển không đủ chỉ tiêu đều thuộc dạng quy hoạch “treo”. Ngôi trường không chạm đất, không có sân chơi, không cổng trường là Trường Lý Thái Tổ (Q.8) mặc dù đã có quy hoạch xây mới hơn 10 năm nay nhưng hiện vẫn nằm trên giấy. Trường Điện Biên đã chờ đợi... bảy năm qua. Dự án xây mới Trường tiểu học Xóm Chiếu (Q.4) cũng giậm chân tại chỗ từ năm 2006 đến nay...Theo giải thích của các quận, huyện là “gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng”. |
Theo Hoàng Hương - Lưu Trang
Tuổi Trẻ