Những người đàn ông vô tâm

(PLVN) - Trong mối quan hệ tình cảm nam nữ, gia đình, việc nói lời yêu thương, dùng hành động ngọt ngào rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn người đàn ông Việt Nam không thể nói ra được câu “anh yêu em”, “bố yêu con”, hay chỉ đơn giản là một cái ôm, nụ hôn ấm áp.
Một gia đình hạnh phúc khi cả người vợ và người chồng cùng biết bao dung, yêu thương nhau. (Nguồn: Huggies)

Ngôi nhà “nguội lạnh” tình cảm

Trong một chương trình truyền hình cách đây vài năm, cặp đôi diễn viên sân khấu kịch là G.B và T.H từng được mời đến tham gia, chia sẻ lại câu chuyện hôn nhân. Vào thời gian đó, hai người đã ly hôn, nữ nghệ sĩ T.H chia sẻ, dù chồng là một diễn viên hài, nhưng trong đời sống thực tế, anh là một người lạnh lùng, khó gần, không biết nói lời yêu thương vợ con. Đỉnh điểm khi G.B đá vợ ra để tự buộc giầy cho kịp giờ lên sân khấu. Hành động thô lỗ này của anh với vợ đã được rất nhiều người chứng kiến, giống một giọt nước tràn ly khiến hai người dần xa cách và sớm ly hôn sau vài năm chung sống. Sau khi đã ly hôn, G.B từng chia sẻ, anh nghĩ rất nhiều về từ “giá như”.

Hay câu chuyện về một người mẫu xinh đẹp, nổi tiếng ở Việt Nam ly dị chồng sau 5 năm chung sống. Chồng nữ người mẫu là một doanh nhân thành đạt, sau khi kết hôn cô có cuộc sống đầy đủ về vật chất. Tuy nhiên, tính của cô thích được chia sẻ, yêu thương, quan tâm, nhưng chồng cô lại là người kiệm lời, bận bịu. Dường như trong các cuộc đối thoại mỗi ngày, chỉ có nữ người mẫu nói, còn người chồng luôn im lặng. Lâu dần, cô không chịu được sự cô đơn trong mối quan hệ nên quyết tâm ly hôn, trở thành mẹ đơn thân một mình nuôi con.

Trong cuộc sống hàng ngày, để có thể hiểu biết, thông cảm, thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau, con người thường dùng lời nói làm phương tiện trao đổi thông tin để cùng nhau sống vui vẻ, hòa hợp. Điều này cũng được người xưa đúc rút bằng những kinh nghiệm quý báu qua những câu nói: “Lời nói gói vàng”, hay “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... để nhắc nhở mỗi người.

Nói lời yêu thương, dùng hành động quan tâm, thăm hỏi, động viên chân thành tình cảm có thể kéo hai con người xa lạ trở thành bạn thân của nhau. Những lời nói, hành động ngọt ngào có thể hâm nóng tình cảm gia đình, thắt chặt mối quan hệ hôn nhân. Vậy nhưng, ở Việt Nam, có nhiều người đàn ông ngại ngùng khi ôm người thân, nói những lời tình cảm. Họ cho rằng lời yêu thương, mùi mẫn chỉ dành cho đàn bà. Còn người đàn ông phải mạnh mẽ, đứng trước “đầu sóng ngọn gió”, nỗ lực làm việc, ngoại giao để cung cấp vật chất đầy đủ cho vợ con.

Thậm chí, dù ở thế kỷ XXI, nhưng vẫn còn những người đàn ông mang tư tưởng gia trưởng. Thói gia trưởng “di truyền” từ thế hệ đi trước, bởi các bà, các mẹ ta vẫn thường o bế, dạy dỗ con trai thiên lệch so với con gái. Như nữ nhà văn Tâm Phan từng chia sẻ: “Đàn ông Việt trước khi cưới vợ thì phụ thuộc vào mẹ. Mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Kể cả đến khi trưởng thành và đi làm, họ cũng sống cùng cha mẹ. Khi lấy vợ thì vợ thay mẹ làm việc nhà như giặt giũ quần áo, nấu ăn cho. Đàn ông Việt Nam rất được cưng chiều, quen được phục vụ nên khó có thể sống một cách độc lập”. Nên sau khi lấy vợ, có con, họ cho rằng vợ con phải yêu thương mình là điều đương nhiên.

Vào năm 2019, trong chương trình mang tên “Giải mã tri kỷ” một cặp đôi nghệ sĩ chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình. Người vợ từng nhiều lần có ý định ly hôn với chồng, khi chị thường xuyên không nhận được lời nói yêu thương, sự quan tâm của anh. Trong một lần, chị bị ốm nặng phải nằm viện điều trị, người chồng bận rộn với lịch quay, không có thời gian chăm sóc vợ. Vợ anh một mình vừa nằm viện, trông con, vừa thu xếp công việc cá nhân. Nhưng đến khi trở về nhà, anh cũng không hỏi thăm vợ lấy một câu. Người vợ buồn tủi đến mức vừa viết đơn ly dị trong đêm, vừa khóc. Rất may mắn, anh diễn viên kịp nhận ra lỗi sai và sửa chữa, từ đó hàn gắn mối quan hệ vợ chồng.

Thực ra, trong một gia đình, những cử chỉ yêu thương không phải câu nói to tát, hành động vĩ đại. Mà chỉ đơn giản một câu hỏi thăm, lời chọc ghẹo âu yếm, thậm chí cần một cái ôm thật chặt đã khiến những thành viên trong gia đình gần gũi hơn. Và đó không chỉ là công việc của phụ nữ, mà còn của đàn ông. Chỉ có sự góp sức, đồng lòng của cả hai vợ chồng mới giữ được một gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Ngại gì đâu…khi tình yêu thương đẹp đến vậy

Sự im lặng, thờ ơ, vô tình của người đàn ông có thể hủy hoại cuộc hôn nhân . (Nguồn: Pinterest)

Trong vòng thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020, một hình ảnh khiến tất cả người xem cảm động. Đó là ông Vũ Thanh Phơi, bố của Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 - Vũ Quốc Anh (THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Ông Phơi đã nhìn con mình bằng đôi mắt lặng lẽ, yêu thương từ lúc bắt đầu thi cho đến lúc kết thúc, khi được phóng viên phỏng vấn, ông chỉ nói một câu: “Giờ phút này, tôi chỉ mong được ôm con vào lòng”. Khác hẳn tất cả người đang chúc mừng Quốc Anh, ông muốn con mình nghỉ ngơi sau nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ trong vòng tay ấm áp của gia đình.

Cách đây vài năm, câu chuyện của chị Nguyễn Thanh Thúy (50 tuổi) và anh Ngô Hoàng Lâm (49 tuổi) sống ở TP HCM, khiến nhiều người cảm nhận được hạnh phúc của cử chỉ yêu thương. Được biết, chị bị u đa sợi thần kinh từ nhỏ, những cục u dần nổi trên người theo thời gian, khi chị càng trưởng thành, u phát triển càng mạnh. Đến khi anh Lâm xuất hiện, ban đầu hai người trò chuyện rồi yêu nhau và cưới nhau. Trong suốt năm tháng làm vợ chồng, anh luôn bế chị Thúy lên xe lăn mỗi ngày, cùng chị điều trị bệnh u đa sợi thần kinh. Dù hiện tại, những cục u nhỏ đã mọc khắp người, lan cả lên khuôn mặt chị, nhưng anh vẫn nói: “Nếu có kiếp sau, anh vẫn sẽ lấy em làm vợ”. Bằng những cử chỉ ngọt ngào, hành động yêu thương, vợ anh luôn mỉm cười và tự nhận mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất.

Tại Diễn đàn xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc với chủ đề “Chạm để yêu thương” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức vào năm 2023, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đã có nhận định: “Trong xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như công việc, phát triển bản thân, chăm chút các mối quan hệ bên ngoài... Một phần vì đó mà nhiều bạn trẻ có được thành công sớm, nhưng lại ít quan tâm tới vấn đề hạnh phúc lứa đôi. Cộng thêm các yếu tố khác, điển hình là việc một số người trẻ sở hữu trình độ, kỹ năng, lại thêm “cái tôi” lớn... khiến sự gắn kết trong tình cảm đôi lứa có phần ngày càng lỏng lẻo”. Tình yêu thương, mối liên hệ gắn kết ngày càng thiếu sự bền chặt, nên cuộc ly hôn diễn ra ngày càng nhiều.

Nhà tâm lý học John Gottman người mở ra học viện tên là Gottman ở New York (Mỹ), chuyên sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để giúp các cặp đôi khác duy trì mối quan hệ lành mạnh, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, đã chia sẻ bí quyết của cặp vợ chồng hạnh phúc.

Ông đã nghiên cứu hàng ngàn cặp vợ chồng trong 4 thập kỷ qua để tìm ra điều gìn giữ hôn nhân bền vững. Kết luận được ông và những cộng sự nghiên cứu rút ra đó là một mối quan hệ vợ chồng lâu dài, bền vững đến từ sự “quan tâm” và “bao dung”. Và tất cả những điều này là sự bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc và chất lượng. Sự thực, tiền bạc và sự nghiệp có quan trọng đến đâu cũng không quan trọng bằng việc có một mối quan hệ gia đình hạnh phúc. Trong vấn đề này, người đàn ông đóng góp vai trò quan trọng, “giữ lửa” hôn nhân hạnh phúc.

Thực tế, bắt đầu từ năm 1938, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Y Harvard có một dự án nghiên cứu mang tên “Grant Study” kéo dài 75 năm, đã mời 268 nam sinh Harvard tham gia và tiếp tục theo dõi cuộc sống của họ trong những thập kỷ tiếp theo. Các chuyên gia đã tham gia đánh giá thể chất và tâm lý, đến thăm nhà và phỏng vấn bố mẹ họ, đồng thời được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi hàng năm…Thời gian dần trôi qua, lượng dữ liệu và báo cáo khổng lồ được tích lũy thành núi. Các nhà nghiên cứu kiên trì tìm kiếm các yếu tố chính ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thật bất ngờ, yếu tố ảnh hưởng đến những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu chính là tình yêu thương trong gia đình.

Trưởng nhóm nghiên cứu George E. Vaillant đã giải thích thế này: Tình yêu, sự ấm áp và quan hệ gần gũi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “cơ chế đối phó” với cuộc sống của một người. Một người lớn lên trong một môi trường đầy tình yêu thương, khi đối mặt với thất bại, có thể cười nhạo bản thân, tâm sự với bạn bè và được người nhà an ủi... Những “cách đối phó” này có thể giúp một người nhanh chóng bước vào cuộc sống lành mạnh. Ngược lại, một người “thiếu tình thương” thường không thể tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp thất bại và cần phải tự chữa lành vết thương. Uống rượu và hút thuốc thường được nhiều người chọn là cách chữa lành vào lúc này.

Điều này cho thấy, tình yêu thương có giá trị rất to lớn trong việc giữ hạnh phúc gia đình. Việc này đến từ cả người phụ nữ và đàn ông trong nhà. Vì vậy, việc dũng cảm nhất của người đàn ông không phải kiếm thật nhiều tiền bạc, thành công rực rỡ trong công việc, mà phải giúp người thân yêu luôn hạnh phúc, bình an trong tâm hồn.