Những người “gieo chữ” vùng cao

So với các khu vực khác trên địa bàn thành phố, công tác dạy học ở xã miền núi Hòa Bắc có nhiều khó khăn hơn. Bởi lẽ, nơi đây địa bàn chia cắt, đường sá đi lại vất vả, học sinh có cả người Kinh lẫn người dân tộc Cơtu theo học. Song, với tinh thần trách nhiệm cũng như tình thương đối với học sinh, các thầy, cô giáo nơi đây ngày ngày vẫn âm thầm làm công việc “gieo chữ”, đem lại ánh sáng văn hóa cho bao thế hệ học sinh.

So với các khu vực khác trên địa bàn thành phố, công tác dạy học ở xã miền núi Hòa Bắc có nhiều khó khăn hơn. Bởi lẽ, nơi đây địa bàn chia cắt, đường sá đi lại vất vả, học sinh có cả người Kinh lẫn người dân tộc Cơtu theo học. Song, với tinh thần trách nhiệm cũng như tình thương đối với học sinh, các thầy, cô giáo nơi đây ngày ngày vẫn âm thầm làm công việc “gieo chữ”, đem lại ánh sáng văn hóa cho bao thế hệ học sinh.

Băng rừng, lội suối đến với học sinh

Nhà công vụ ở điểm trường Tà Lang bị sập trong bão số 9, nhưng đến ngày 8-3-2010 vẫn chưa sửa chữa xong, giáo viên phải kê bàn ngủ nghỉ tạm.

Nhà công vụ ở điểm trường Tà Lang bị sập trong bão số 9, nhưng đến ngày 8-3-2010 vẫn chưa sửa chữa xong, giáo viên phải kê bàn ngủ nghỉ tạm.

Trường tiểu học Hòa Bắc có 5 nhóm lớp nằm rải rác ở 7 thôn trên địa bàn xã. Trong đó, có những điểm trường nằm cách xa nhau gần 8km. Với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, Ban giám hiệu nhà trường phân công đứng điểm theo cách luân phiên chuyển đổi quay vòng. Riêng những giáo viên bộ môn, bất kể mưa, nắng, hằng ngày các thầy cô giáo phải đến tất cả các khu vực lẻ để dạy học sinh.

Cô Ngô Thị Thu Sương, giáo viên môn Lịch sử-Địa lý đã có 6 năm công tác tại Trường tiểu học Hòa Bắc. Nhà ở phường An Khê (quận Thanh Khê), hằng ngày từ 5 giờ 30 sáng, cô Sương đã thức dậy chạy xe máy đến trường, với quãng đường dài ngót nghét 30 km. Sau khi dạy học sinh ở điểm trường này xong, cô vội vã băng rừng, vượt suối đến điểm trường khác tiếp tục dạy. Cứ thế, công việc hằng ngày của cô cứ quay vòng cho đến lúc trở về nhà thì trời đã tối mịt.

Hôm gặp ở điểm trường khu vực Tà Lang, cô Sương và 3 đồng nghiệp khác đang ngồi chia nhau gói bánh khô mè để lót dạ buổi trưa, chờ buổi chiều tiếp tục lên lớp. Bên trong hiên trường, nhìn góc nấu ăn của giáo viên chỉ có một chiếc bàn gỗ học sinh, cái bếp gas mini, chai nước mắm và cái rổ rá đựng chén đũa, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Cô Sương cho biết: Nhiều lúc không mua được thức ăn nấu nướng, các thầy cô giáo ở đây ăn tạm mì tôm hoặc bánh trái lót dạ cho qua bữa là chuyện bình thường. Chịu cực khổ hoài rồi cũng quen thôi. “Điều kiện công tác khó khăn, nhiều lúc tôi cũng thấy buồn. Nhưng thấy các em học sinh ở đây rất ham học, lễ phép và quý mến thầy cô, nên những năm qua, tôi không nỡ rời xa các em…”, cô Sương tâm sự.

Theo các giáo viên ở đây cho biết thêm, khổ nhất vẫn là mùa mưa, đường sá lầy lội trơn trượt, việc đi lại hết sức khó khăn. Những lúc như vậy, muốn mang cái chữ đến cho các em học sinh, thầy cô giáo phải băng rừng, lội suối rất nguy hiểm. Điều kiện dạy học là vậy, nhưng lòng yêu nghề, thương yêu học sinh đã làm cho họ vượt qua tất cả, để ngày ngày mang ánh sáng tri thức đến với học sinh.

Nỗi niềm ai tỏ?

Nhiều hôm không mua được thức ăn, giáo viên đành ăn mì tôm lót dạ.

Nhiều hôm không mua được thức ăn, giáo viên đành ăn mì tôm lót dạ. 

Cơn bão số 9 hồi tháng 9 năm 2009 đã làm nhà công vụ dành cho giáo viên ở điểm trường Tà Lang bị tốc mái, hư hỏng nặng. Từ ngày nhà công vụ bị hư hỏng đến nay, giáo viên không có chỗ ở.

Buổi trưa, thầy cô giáo lấy bàn học sinh kê tạm làm giường để ngủ nghỉ, một số giáo viên khác thì về nhà hoặc tá túc ở nhà dân. Ngày 8-3, một vị lãnh đạo Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, vừa qua, Công đoàn Giáo dục thành phố hỗ trợ 22 triệu đồng để nhà trường sửa chữa nhà công vụ điểm trường Tà Lang, song đến nay vẫn chưa sửa chữa xong.

Ở điểm trường khu vực Nam Mỹ có 4 lớp gồm: lớp 1, 3, 4 và 5. Trong đó, những giáo viên dạy các lớp 3, 4 và 5 được hưởng chế độ phụ cấp 70% lương. Còn riêng lớp 1 do cô Trần Thị Thủy phụ trách chỉ được hưởng phụ cấp ở mức 50% lương. Giải thích về chuyện lạ này, bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, theo quy định của Nhà nước, giáo viên dạy những lớp có 2/3 học sinh là người dân tộc thiểu số thì được hưởng 70% phụ cấp theo lương.

Còn trường hợp cô Trần Thị Thủy không được hưởng 70% phụ cấp theo lương là do lớp cô dạy có số học sinh dân tộc thiểu số chưa đạt mức 2/3. “Mặc dù cùng nơi công tác, điều kiện dạy học như nhau, nhưng người nhận được phụ cấp nhiều, người nhận được ít như vậy, chúng tôi cũng thấy xót xa lắm, nhưng chẳng biết làm sao, vì đây là quy định của Nhà nước”, bà Xuân phân trần.

Công tác ở nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn về nhiều mặt, giáo viên sẽ chịu nhiều thiệt thòi về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Mong sao, các cơ quan chức năng thành phố cần sớm quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên ở xã miền núi Hòa Bắc yên tâm thực hiện tốt trọng trách là những người đi gieo chữ trên vùng cao.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

Đọc thêm