Những “người hùng” của cộng đồng LGBT

(PLVN) -  Không ngần ngại hay sợ kỳ thị, nhiều năm qua, chàng trai trẻ Tùng Văn Lưu Khiết hay bà Nguyễn Vân Anh đã dành thời gian để hỗ trợ, giúp đỡ những người thuộc cộng đồng LGBT có thể tiếp cận gần hơn với các dịch vụ cộng đồng.
Tùng Văn Lưu Khiết - “người hùng” của cộng đồng LGBT.

Chia sẻ cùng cộng đồng LGBT

Tùng Văn Lưu Khiết - chàng trai ngoài 30 tuổi với vẻ ngoài rạng ngời và cử chỉ dễ gần, luôn tạo nên sức hút với người đối diện. Khiết nổi tiếng trong cộng đồng LGBT khắp cả nước, hiện đang đảm nhận vị trí Director of Operation của Impluse Sài Gòn, đồng thời giữ vai trò Chuyên viên tư vấn của Tổ chức Sắc Màu Cuộc Sống Việt Nam (do USAID và LIFE hỗ trợ).

Mối duyên của Khiết với cộng đồng LGBT bắt nguồn từ chính người bạn thân không may qua đời của anh. Khiết kể, 7 năm trước, chứng kiến sự ra đi của người bạn thân nhất do căn bệnh thế kỷ HIV đã không khỏi khiến Khiết mang nhiều trăn trở.

“Sẽ không ai có thể quên được hình ảnh của cậu ấy, ở tuổi 24, cơ bắp cuồn cuộn, vẻ ngoài rắn rỏi khỏe mạnh, nhưng rồi ra đi nhanh chóng đến vậy. Lúc trước, cậu ấy luôn bảo vệ mình nhưng mình lại không thể giúp cậu ấy được tận hưởng những tháng ngày tuổi trẻ thêm nữa” – kể lại những chi tiết này, giọng của Khiết vẫn còn rưng rưng.

Tự dằn vặt vì sự ra đi của bạn mình, Khiết tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ hơn để giúp xã hội hiểu hơn về HIV, xóa bỏ những kỳ thị vô lý, đồng thời giúp những bạn trẻ có “H” an tâm với cuộc sống. Kể từ thời điểm đó, Khiết quyết tâm làm những công việc có thể san sẻ, giúp đỡ những người thuộc cộng đồng LGBT mắc căn bệnh HIV, để họ có thể tiếp cận gần hơn với những dịch vụ chăm sóc y tế.

“Đối với những người dị tính, khi đối mặt với căn bệnh AIDS, nhiều người đã không thể chấp nhận được và rơi vào trạng thái suy sụp khủng hoảng, huống chi đối với cộng đồng LGBT sẽ còn tồi tệ hơn khi họ vẫn phải đối mặt với một số ít bộ phận vẫn còn thành kiến, kỳ thị” - Lưu Khiết chia sẻ.

Nghĩ là làm, Khiết năng nổ tham gia nhiều hoạt động xã hội, đồng sáng lập Mạng lưới Quần thể đích trẻ VYKAP tập hợp hàng trăm thanh niên là những người người sử dụng ma túy, người lao động tình dục, người đồng tính, người chuyển giới, người sống chung với HIV… giúp họ được bảo vệ, được chia sẻ và được tiếp cận với nhiều dịch vụ chăm sóc y tế, việc làm.

Khiết chia sẻ: “Trong suốt thời gian công tác tại ngành này, mình phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV ở cộng đồng LGBT ngày càng trẻ hóa. Hầu hết người trẻ hiện nay được tiếp cận nhiều với công nghệ - thông tin, tuy nhiên về mặt tinh thần và xã hội thường gặp nhiều rào cản. Quá trình này đôi khi phải xuyên suốt 1 quãng thời gian rất dài, có bạn lần đầu gặp Khiết là năm 16 tuổi, đến năm nay 25 tuổi rồi nhưng mình vẫn đồng hành hỗ trợ. Cách tốt nhất để giúp đỡ các bạn ấy là một sự đồng hành, lắng nghe những tâm tư của họ, ngồi với họ lập ra những kế hoạch cho đoạn đường điều trị và hòa nhập sắp tới”.

Cộng đồng LGBT luôn cần được chia sẻ và thấu hiểu từ xã hội.

Trong suốt 9 năm qua, Lưu Khiết đã năng nổ tham gia nhiều hoạt động xã hội, những đóng góp to lớn của anh cho cộng đồng LGBT cũng như những người nhiễm HIV đã giúp anh trở thành “người hùng” khiến giới trẻ ngưỡng mộ. Năm 2019, Lưu Khiết nhận Bằng khen của Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế vì những đóng góp trong chương trình AIDS quốc gia. Năm 2020, Lưu Khiết nhận thêm giải thưởng Dải Băng Đỏ, nhân vật tiêu biểu K=K (phổ rộng thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền trong HIV/AIDS) do Tiến sĩ John Blandford - Giám đốc CDC Hoa Kỳ và NSUT Kim Xuân trao tặng.

Gây dựng uy tín từ những hoạt động nổi bật và những đóng góp không mệt mỏi cho giới LGBT cũng như cộng đồng người có HIV, nên Lưu Khiết vinh dự trở thành một trong 4 đại diện của cộng đồng PEPFAR khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được mời vào hàng ngũ chuyên gia cộng đồng của tổ chức uy tín như LIFE… Mỗi một công việc, một vị trí luôn mang đến cho Khiết cơ hội để tiếp cận và giúp đỡ nhiều bạn trẻ khó khăn.

“Vào thời điểm hiện tại, căn bệnh AIDS đã được xem là căn bệnh mãn tính, hiện tại ở trong một số cơ sở y tế họ không còn nói đây là bệnh AIDS nữa mà là bệnh suy giảm miễn dịch. Nếu như các bạn cần hỗ trợ tư vấn và xét nghiệm HIV, hỗ trợ thuốc điều trị, thuốc dự phòng thì hãy liên hệ với Khiết, Khiết rất sẵn lòng hỗ trợ các bạn. Các bạn hãy tự tin lên, y học hiện đại cũng đã phát triển rồi, chỉ cần chúng ta tin tưởng vào những người xung quanh, luôn giữ vững tinh thần lạc quan thì chuyện gì cũng sẽ qua”, chàng trai trẻ cho biết.

“Mình tự ví bản thân là cầu nối của các tổ chức y tế, giúp các bạn tiếp cận với các nguồn chăm sóc hợp lý. Do từng ở vị trí chơi vơi như các bạn, nên mình hiểu được bước đầu tiên các bạn cần là sự chia sẻ, cảm thông và tình thương rồi mới đến thuốc men” – Khiết bộc bạch.

Cộng đồng LGBT luôn mong muốn được đối xử công bằng.

Thấu hiểu và đồng cảm

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong số 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam trong năm 2017.

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng, xã hội dành cho những cống hiến của bà trong công tác bảo vệ quyền của những người yếu thế, trẻ em và phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực trong suốt hơn 20 năm qua.

Giúp những người phụ nữ được sống là chính mình, sống với khao khát của chính họ, luôn vui sống, có như vậy xã hội mới có thể tươi đẹp. Đó là mục đích nhân văn mà bà Vân Anh luôn hướng tới khi thành lập ra đầu số hotline giúp đỡ những phụ nữ yếu thế. Bà chia sẻ: “Lý do tôi làm công việc hiện tại đó là khi làm hotline, tôi phát hiện ra rằng trong số các khách hàng của mình có rất nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình và cũng có nhiều người thuộc LGBT. Tôi quyết định làm những chương trình riêng cho họ, chính vì thế nên tôi thành lập Trung tâm CSAGA để tập trung vào việc bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em. Khi làm càng thấy nhiều vấn đề, vừa làm vừa học, nó không đơn giản như lúc đầu tôi nghĩ, không đơn giản chỉ là giải quyết 1 thứ mà còn rất nhiều thứ nữa. Càng làm thì càng say nghề”.

Tâm lý kỳ thị vẫn diễn ra phổ biến.

Từ sự đồng cảm với những nhân vật được tiếp xúc, bà đã có nhiều sáng kiến trong truyền thông về các vấn đề liên quan đến những người tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực. Những câu chuyện, những bài học về bình đẳng giới, chống bạo lực được bà và các đồng nghiệp lồng ghép khéo léo vào những câu chuyện, đoạn phim ngắn truyền tải tới cộng đồng. Bà cũng trực tiếp tới gặp gỡ, động viên và chia sẻ với những người cần giúp đỡ, tận tình tư vấn giúp họ giải quyết những vấn đề trong đời sống. Trong công việc, bà được các đối tác đánh giá cao về khả năng sáng tạo cũng như nhiệt huyết dành cho mọi hoạt động.

Hoạt động tích cực và sự thấu hiểu, đồng cảm cho những người phụ nữ thuộc cộng đồng LGBT của bà được xã hội ghi nhận. Hơn 20 năm làm công tác xã hội, đến nay, bà Vân Anh vẫn không ngừng vận động cộng đồng bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình và người chuyển giới. Ở bà, người ta thấy được niềm đam mê vô điều kiện được cống hiến cho cộng đồng, sự nhạy bén phát hiện ra vấn đề, lòng quả cảm và ý chí kiên trì vược qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu của mình.

Luôn mang tâm niệm “khi nào còn một người trong nhóm mà mình đang hỗ trợ còn phải đau khổ, còn chịu bất công thì còn phải làm việc và tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải làm việc đó”. Giám đốc CSAGA tâm sự: “Khi làm, tôi nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt của những người vốn họ đã rất đau khổ thì đấy là phần thưởng cho cuộc sống của tôi. Cho nên tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo ra thật nhiều nụ cười hơn nữa. Khi đem lại lợi ích cho mọi người, cho cộng đồng thì tôi cảm thấy rất vui”.

Cộng đồng LGBT vẫn cần những “người hùng” như thế, để thấu hiểu, sẻ chia và giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.