Những người “mẹ” thầm lặng

Bằng trái tim người mẹ, các cô nuôi dưỡng trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đang ngày đêm chăm sóc những đứa trẻ bị chính bố mẹ ruột của mình bỏ rơi. Các cô đã thay họ làm thiên chức người “mẹ”.

Bằng trái tim người mẹ, các cô nuôi dưỡng trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đang ngày đêm chăm sóc những đứa trẻ bị chính bố mẹ ruột của mình bỏ rơi. Các cô đã thay họ làm thiên chức người “mẹ”.

Các cô đang chăm sóc trẻ.
Các cô đang chăm sóc trẻ.

Vào một ngày giữa tháng bảy, chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Qua 13 năm thành lập và hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết trên 4.000 đối tượng, với nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các đối tượng xã hội ở thành phố.

Đến thăm căn phòng nuôi dưỡng trẻ, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là sự tất bật của các cô và thật khó có thể diễn tả hết sự vất vả của công việc này. Thậm chí khi nói chuyện, các cô không có thời gian nghỉ ngơi. Qua chuyện trò với chị Phùng Thị Thu Huệ (40 tuổi, quê ở Quảng Nam), chúng tôi biết rõ công việc vất vả của các cô nuôi dưỡng ở đây. Trước kia chị làm ở Trung tâm Phục hồi cô nhi suy dinh dưỡng (2000), sau đó chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng (2009). Khi được hỏi lý do vì sao lại chọn nghề này, chị mỉm cười: “Cũng vì cuộc sống và yêu trẻ quá mà thôi”.

 

Được biết, chị Huệ không lập gia đình, nên tình cảm mà chị dành cho các cháu vô bờ bến. Nhìn ánh mắt âu yếm mới thấy chị đang làm một “người mẹ” thật sự. Khi chia sẻ công việc, chị tâm sự: “Các cô vừa giống như y tá, hộ lý, bảo mẫu nhưng ghiền nhất là bảo mẫu”. Câu nói ấy chứa biết bao tình yêu thương của người mẹ “thầm lặng” đang dành cho đứa con của mình. Chị Huệ kể, nhiều khi ban đêm trẻ bị bệnh phải vào bệnh viện, chỉ có “mỗi mẹ và con”, chị không dám rời xa nửa bước vì sợ con phát bệnh.

Đến nỗi trưa hôm sau chị vẫn chưa ăn được miếng cơm. “Bỏ đi sao đành”, may có người đi ngang qua mới nhờ họ mua cơm. Khi chúng tôi hỏi có lúc nào mệt nhọc mà chị muốn từ bỏ công việc này không? Chị cười và nói rằng: “Bỏ làm sao được hở em”. Chị kể, có những lúc nói đùa với các con: “Từ đây, tôi từ thiên chức làm mẹ”, nhưng tôi biết các chị làm sao có thể bỏ con của mình được. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, chị Huệ không cầm được nước mắt: “Mẹ không biết các con là con của ai, nhưng mẹ yêu con dễ sợ… Dù con là con của ai đi nữa nhưng mẹ muốn là mẹ của các con”. Và chị nói đùa với chúng tôi: “Mặc dù chị chưa từng sinh con nhưng đã làm mẹ thiệt”.

Cô Thường (54 tuổi, quê ở Huế) kể rằng, khi con của cô vào thăm, nhìn thấy mẹ chăm sóc các em thì nói: “Mẹ thương các em hơn thương con”. Lúc đó cô vừa thương cho con mình, lại vừa thấy vui vì đã làm tốt công việc mà xã hội giao cho. Ở trung tâm, ngoài những đứa trẻ bình thường, còn có trẻ bị dị tật bẩm sinh, nên công việc chăm sóc trẻ lại càng vất vả hơn. Theo tâm sự của các chị, bé bị bại não, động kinh, khi lên cơn co giật nếu không có cách thì bé sẽ cắn vào lưỡi. Nhìn cô Tiếng (quê ở Đà Nẵng) cho bé Tâm ăn, mới thấy khó khăn thế nào. Cô nói phải biết cách cho ăn, một tay cừ vào người thì bé mới ăn được. Hầu như các cô chưa khi nào có giấc ngủ trọn vẹn, đêm đêm luôn thao thức lo cho các con.

Mệt nhọc, vất vả là thế nhưng nhìn những đứa trẻ khỏe mạnh là các chị vui rồi. Chị Huệ tâm sự: “Nhiều khi đi về, nghe các con nói, “mẹ ơi, ngày mai mẹ lại đến nhé” thì tôi không muốn rời xa chúng nó”. Nhìn những thiên thần: Bình Minh, Phúc Đức, Phi Hoàng, Hương Mơ, Kim Khánh… lòng tôi tự hỏi vì sao những người làm cha làm mẹ lại nỡ lòng bỏ rơi khúc ruột của mình. Các cô nuôi dưỡng trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đã thay họ làm thiên chức “người mẹ”.

Chia tay các cô trong lòng quyến luyến, chúng tôi ước sao trung tâm có thêm nhiều nhân viên hơn nữa, để công việc chăm sóc trẻ được tốt hơn và nỗi vất vả của các cô được chia sẻ.        

B.Đ

Đọc thêm