Vẫn có thể sống cuộc đời đầy thú vị và sôi nổi giữa bất kỳ vòng xoáy éo le của số phận. Vào thời gian gần đây, ở Nga ngày càng tăng con số vận động viên thiểu năng thể lực trong các môn thể thao mạo hiểm. Họ thường được gọi là những người khuyết tật, nhưng chính họ đang chinh phục các đỉnh cao, vượt những con sông dữ, hay lập kỷ lục thi đấu mới.
Từ "invalid" (người khuyết tật), có gốc từ tiếng Latinh với nghĩa bất lực, yếu ớt, ốm yếu. Định nghĩa này chẳng phù hợp gì với các vận động viên thể thao mạo hiểm. "Chúng tôi không coi mình là những người chịu hạn chế về mặt thể lực", — anh Alexey Malyshev nói. Mặc dù không đi được, nhưng anh Malyshev điều khiển vô cùng thành thạo chiếc thuyền kayak-baydarka, một phương tiện giao thông phổ biến giữa các dân tộc Bắc cực. “Tôi nghĩ rằng, tàn phế không phụ thuộc vào thể chất con người. Trước hết đó là một cách tư duy, một lá chắn mà người ta tự quàng lên mình khi công nhận khuyết tật của bản thân. Khi bắt đầu thương xót mình, người ta tự hạn chế bản thân, giới hạn vận động di chuyển cũng như những rung động trong tâm hồn”.
Ngay từ khi còn nhỏ, Alexey đã bị tước mất khả năng đi lại trên đôi chân. Lúc này ở tuổi 48, anh là người có chỗ đứng vững vàng trong cuộc sống, trong sự nghiệp, trở thành một vận động viên thực sự của môn thể thao mạo hiểm. “Sự phiêu lưu luôn luôn cuốn hút tôi: ngọn núi cao, bầu trời, sóng biển”. – anh Alexey Malyshev nói. “Những dòng nước siết cũng kích thích cảm giác mạo hiểm. Vì vậy, tôi đã đến với kayaking. Ở câu lạc bộ, ban đầu mọi người nhìn tôi như thể tôi đến nhầm địa chỉ. Tuy nhiên, không ai từ chối tôi. Các thành viên CLB giúp đỡ tôi mang vác, đôi khi khiêng cả tôi. Nhưng khi ngồi vào thuyền, bao giờ tôi cũng lao động hết sức, hết mình. Và có lẽ, đó là điều quan trọng nhất”.
|
Sau thuyền kayak là trượt slalom nước. Ở đây, Malyshev cũng chứng tỏ bản thân vững vàng. Còn ngoài thể thao, trong cuộc sống anh là một người đàn ông có gia đình hạnh phúc và nhà thiết kế đồ họa tài ba. Như Malyshev tự chia sẻ, giúp đỡ anh đạt được thành công trong đòi chính là khí thế nội tâm và niềm tin rằng có thể làm bất cứ điều gì.
Tay bơi Alexey Obydennov cũng có quan điểm như vậy. Anh hoàn toàn mất một tay, cánh tay thứ hai chỉ còn đến khuỷu. Obydennov kể: “Tôi đã bị thương năm 14 tuổi. Trước đó tôi tập luyện thể thao rất tích cực. Vì vậy, trong tôi vốn có tinh thần thể thao và ham muốn phiêu lưu, những chấn thương cũng không làm phai mờ nhiệt huyết thi đấu”.
Đầu những năm 1990 ở Nga bắt đầu thịnh hành môn thể hình. Alexey Obydennov không thể luyện cơ bắp như những người khác, nhưng điều đó không làm anh chùn bước. “Sau chấn thương, mất hai tay, tôi bắt đầu phát minh những thiết bị hỗ trợ mình tập luyện. Dần dần cơ thể tôi bắt đầu thay đổi. Sự ngạc nhiên của bạn bè càng làm tôi thêm phấn khởi, cố gắng. Hơn thế, thể hình đã giúp tôi thích ứng với hoàn cảnh sống mới của mình”.
Năm 2007, người ta đề nghị Alexey tham gia chương trình "Kỷ lục của Nga". Trong khi tập luyện, anh đã nâng trọng lượng quá cao. Anh ngã và bị tạ đè gãy xương sườn. Nhưng một lần nữa, đối với anh thất bại lại trở thành chiến thắng. Tại Khoa chấn thương, nơi các bác sĩ ghép từng mảnh xương cho Alexey, một bác sĩ đã khuyên anh bắt đầu tập bơi. “Tôi quyết định thử ngay và đạt những thành tích khá nghiêm túc. Tôi đã đáp ứng tiêu chuẩn kiện tướng thể thao. Năm nay tôi giành chức vô địch Nga, điều mà ba năm trước đây tôi không thể tưởng tượng, ngay cả trong những giấc mơ bay bổng nhất”.
Nhà quản lý hệ thống Obydennov là người chồng mẫu mực, người cha hạnh phúc của ba nhóc trẻ kháu khỉnh. Những gì đạt được càng mang lại cho anh sinh lực lao động hăng say.
Lực sĩ Sergey Istomin đã lập một show thể lực của riêng anh được biểu diễn tại các bệnh viện và trại trẻ mồ côi. Anh đè bẹp những chiếc chảo, tung tạ. Việc thiếu hai chân càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn mong muốn vượt qua những gì mà không phải ai lành lặn cũng cáng đáng nổi. Sergey nói: “Tại sao chúng tôi lại rèn luyện những môn thể thao mạo hiểm? Có lẽ vì muốn bù đắp những gì không thể làm. Chúng tôi nghĩ ra những thử thách mà mình có thể làm tốt hơn so với những người khác. Ví dụ, chúng tôi đã leo lên đỉnh Elbrus bằng những chiếc xe thương binh gắn ván trượt tuyết. Leo thang dây chỉ với đôi tay mình. Để thực hiện show thể hình, tôi nghĩ ra bộ kẹp sau lưng làm cho tôi có tư thế như đang đứng. Và như vậy, tôi có thể nâng và ném tạ”.
Tất nhiên, không phải mọi thứ đều trôi chảy trong cuộc sống của những con người dũng cảm ấy. Sergey Istomin thổ lộ, đôi khi chỉ một vài bậc thang và không có đoạn dốc dành cho người tàn tật có thể trở thành một trở ngại không thể vượt qua đối với những người như anh. “Tôi đã tới nhiều nước. Tại mỗi nhà thờ đều có đoạn dốc dành cho người tàn tật. Nhưng ở Nga thì chẳng có lối riêng như vậy tại bất kỳ nhà thờ Chính thống giáo nào. Trong nước có tới 15 triệu người thiểu năng vận động. Đại đa số, khi di chuyển trong thành phố họ phải cần đến sự hỗ trợ của một người khác”.
Mặc dù trên thực tế, trong những năm gần đây Nga đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của người khuyết tật, mọi cái còn đang ở đầu chặng đường, hướng tới mục tiêu để đất nước tạo đủ mọi điều kiện phù hợp hơn cho người khuyết tật.