Phơi mặt xin tiền
Đi xin tài trợ là công việc khó khăn. “Tiếp cận được những mạnh thường quân không phải dễ. Hẹn gặp được họ coi như có chút hy vọng. Có những người hẹn mình mãi mới làm việc được. Chăm sóc họ có khi cả tháng trời, cuối cùng bị họ từ chối khéo. Nhưng cũng phải chấp nhận, nghề này như đi câu, đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức chịu đựng cao”, chị Phạm Thị Thủy, người có kinh nghiệm đi xin tài trợ, kêu gọi quảng cáo cho chương trình như cúp Văn hóa doanh nhân của Trung tâm Văn hóa doanh nhân, thuộc Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam, cho biết. Thậm chí, có những lúc được hẹn gặp rồi mà vẫn bị chưng hửng. “Mình xin hẹn gặp được trưởng phòng PR của một tập đoàn lớn, xin tài trợ cho dự án về tiểu đường, anh ta hẹn gặp mình ở quán cafe, thuyết trình cả buổi nhưng không hề lay chuyển được quan điểm của anh ta. Sau này mới biết anh ta đã chuyển chỗ làm”, Nguyễn Thành Đồng, phụ trách xin tài trợ cho dự án Savior 2009, chương trình phòng, chống bệnh đái tháo đường, do Bộ Y tế đứng ra tổ chức, kể.
Cùng làm công việc như chị Thủy, chị Nguyễn Thị Hường cho biết thêm: “Khi chương trình trao cúp diễn ra không như những gì đã thuyết trình với khách hàng, họ cứ tìm mình bắt chịu trách nhiệm. Người tài trợ chỉ biết rằng họ trao tiền cho mình làm chương trình mà không hiểu để tổ chức một sự kiện có cả một ê kíp. Có lần nghe khách mắng thẳng mặt mà xót”.
Ký được một hợp đồng, những người đi xin tài trợ và kêu gọi quảng cáo thường được hưởng % hợp đồng (thông thường từ 20 – 40%). Điều đặc biệt, những người làm công việc này đều là những người rất trẻ, thường là mới ra trường. “Mới ra trường mới có đủ nhiệt tình làm công việc cần sự xông xáo và thử thách sự trải nghiệm. Với lại khi mới ra trường chỉ xin vào vị trí đó là dễ được chấp nhận nhất”, Vũ Nhung, sinh năm 1985, tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh, Đại học Thương mại cho biết. Vị trí dành cho công việc này thường xuyên bị luân chuyển vì “vất vả, thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra”, chị Nguyễn Thị Hường tâm sự.
Mỗi sự kiện diễn ra đều có nhiều khâu chuẩn bị, nhưng quan trọng nhất là hai khâu trước khi thực hiện: chuẩn bị nội dung và dự trù kinh phí cho chương trình. Người làm nội dung sẽ chuẩn bị hồ sơ, nghĩ ra những hoạt động trong sự kiện. “Nhưng nội dung nghĩ ra có tốt như thế nào đi chăng nữa mà không có kinh phí thực hiện chương trình thì mọi chuyện chỉ dừng lại ở sự tưởng tượng mà thôi”, anh Đỗ Minh Phương, phó giám đốc truyền thông của Công ty Thương Hiệu Vàng, 599 đường Nguyễn Văn Linh – Hải Phòng khẳng định.
Trưởng thành
Công việc của những người làm nghề đi xin tài trợ và kêu gọi quảng cáo khó hơn đi tiếp thị hoặc bán những sản phẩm cụ thể. Khi nhà tài trợ đồng ý tài trợ một số tiền, thuyết phục các quyền lợi nhà tài trợ được hưởng đều là những giá trị vô hình và chứa nhiều rủi ro. Nhưng vẫn có người thành công với công việc đó. “Xin tài trợ không khó, quan trọng là có đưa ra được những quyền lợi hợp lý với khách hàng hay không, có hiểu được khả năng của người tài trợ hay không? Mình đi xin tài trợ nhiều, tỷ lệ thành công trên 50%”, Hoàng Vân, giám đốc truyền thông của Công ty truyền thông Hapecom (số 1 phố Phạm Ngũ Lão – quận Ngô Quyền) cho biết. Năm 2009, Vân đã xin tài trợ cả năm của Viễn Thông Hải Phòng và một số đơn vị khác, khoảng hơn 1 tỷ đồng để sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình Sức mạnh ICT trên Đài Phát thanh truyền hình Hải Phòng. Rất nhiều chương trình khác từ mấy triệu đến mấy tỷ đồng, Vân đều có thể xin tài trợ được.
Theo Vân, để có thể đi thuyết phục thành công khách hàng, cần rất nhiều kỹ năng đàm phán cũng như khả năng kết nối các mối quan hệ. Nhưng quan trọng nhất là phải hiểu rõ công việc mình làm. “Phải biết xây dựng nội dung, phải tính được hiệu quả truyền thông, tính được hiệu quả marketing cho doanh nghiệp tham gia”, Vân nói. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam giờ đã ý thức được việc xây dựng, nâng tầm thương hiệu và trách nhiệm xã hội của mình nên sẵn sàng tài trợ những chương trình thực sự hiệu quả, đủ tầm nâng thương hiệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số đông những người từng làm qua công việc này đều thừa nhận: công việc rất bạc, ráo mồ hôi hết tiền. “Tháng nào không ký được hợp đồng là bị treo lương”, Trần Ánh, làm việc ở Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam , thuộc VCCI cho biết.
“Thành quả lớn nhất của mình chính là những bài học kinh nghiệm trong kinh doanh và mối quan hệ đủ rộng để có thể giúp mình trong công việc hiện tại”, chị Hường cho biết. Khi không còn làm việc đi xin tài trợ và kêu gọi quảng cáo, chị Hường mở cửa hàng kinh doanh nông sản vào đầu năm 2009.
Bản chất của việc đi xin tài trợ, quảng cáo chính là đi bán một loại hàng hóa đặc biệt. Tuy nhiên, những người đi làm công việc này thường là những người rất trẻ, không được đào tạo kỹ năng bài bản nên thường lúng túng và khó thành công.
Các doanh nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu làm PR, Marketing rất lớn, nhất là năm 2010 này – năm có nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm lớn. Đó là cơ hội cho những bạn trẻ muốn chinh phục công việc năng động này.
Đặng Tuyền