Những người vợ giấu chồng chuyện vô sinh

Khi hai họ hớn hở chuẩn bị đám cưới cũng là lúc Hạnh sống trong dằn vặt và sợ hãi. Cô băn khoăn: có nên cho vị hôn phu biết mình khó có cơ hội làm mẹ không?

Khi hai họ hớn hở chuẩn bị đám cưới cũng là lúc Hạnh sống trong dằn vặt và sợ hãi. Cô băn khoăn: có nên cho vị hôn phu biết mình khó có cơ hội làm mẹ không?

Khi chuẩn bị kết hôn, Hạnh 29 tuổi, quê ở Quảng Bình, làm việc tại TP HCM. Qua một diễn đàn trên mạng, cô quen rồi thân với Vinh, 40 tuổi, đang sống ở nước ngoài. Sau một số lần gặp và đi chơi cùng nhau khi Vinh về nước, họ yêu nhau.

Nỗi khổ của người “ôm” bí mật

Khi Hạnh nhận lời cầu hôn, Vinh sung sướng bế cô lên quay một vòng: “Mình sẽ có con luôn em nhé? Anh cũng nhiều tuổi rồi, bố mẹ mong lắm”.

Đó cũng là ý định của Hạnh. Vì thế, cô nghĩ cần điều chỉnh tình trạng kinh nguyệt phập phù, thỉnh thoảng có rồi lại mất của mình. Sau mấy lần khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán buồng trứng đa nang và với tình trạng của cô, khả năng có con rất ít. Sau mấy tháng điều trị, tình hình chưa hề cải thiện thì ngày cưới đã được xác định. Trong khi hai gia đình đều vui sướng thì Hạnh như ngồi trên đống lửa. Nếu nói thật với Vinh, cái hạnh phúc mà khó khăn lắm mới có được sẽ tuột khỏi tay. Còn ngược lại nghĩa là lừa dối chồng một chuyện tày đình và tương lai không biết sẽ ra sao nếu cô không thể sinh nở.

vosinh413
Minh họa: Inmagine.

Hạnh gầy rộc cả người vì suy nghĩ. Nhiều lúc cô định chia tay mà không nói lý do. Nhân một lần cãi nhau, Hạnh viện cớ nằng nặc đòi bỏ Vinh. Nhưng ai nấy chỉ nghĩ cô quá căng thẳng, mệt mỏi do chuẩn bị đám cưới nên vẫn thúc đẩy mọi việc như thường. Rồi đám cưới vẫn diễn ra và bí mật vẫn nằm trong lòng Hạnh. Nỗi lo sợ khiến cô không nếm trải hết hạnh phúc của buổi đầu hôn nhân, lúc nào cũng canh cánh rằng liệu những ngọt ngào này còn kéo dài được đến bao lâu nữa? Đã mấy lần Hạnh muốn nói hết rồi ra sao thì ra, chấm dứt những dằn vặt mệt mỏi, nhưng rồi lại không dám, lại tiếp tục đi gặp bác sĩ, lén lút uống thuốc và giấu kín mọi giấy tờ, y bạ… 

Một thời gian sau, Hạnh theo chồng ra nước ngoài và lặng lẽ điều trị với bác sĩ bên đó. Rất may là kinh nguyệt của cô đều dần và sau một năm thì thụ thai rồi sinh con trai. Nhớ lại chuyện này, Hạnh nói: “Hú hồn. Nếu mình thật thà kể thì bỏ nhau rồi và không dám yêu ai nữa, cũng chẳng ai dám lấy mình, suốt đời không chồng không con”.

Nói hay không nói?

Rất nhiều phụ nữ biết mình vô sinh từ trước khi kết hôn đã giấu kín chuyện này, nhưng không phải ai cũng có kết cục đẹp như Hạnh. Nhiều gia đình hoặc tan vỡ hoặc trở thành “tổ lạnh” khi người chồng biết bệnh của vợ không phải mới được phát hiện. Trường hợp của Hồng Hải (Gia Lâm, Hà Nội) là một ví dụ. Sau khi chữa khỏi tai biến do phá thai, cô biết mình rất khó làm mẹ. Vì vậy, khi anh Phúc cầu hôn, Hải nói cần suy nghĩ ít ngày. Cô tâm sự với người bạn thân nhất, hỏi ý kiến mấy người bạn chat vốn chỉ quý nhau qua mạng mà không biết nhau ngoài đời. Tất cả đều khuyên: Nếu muốn có chồng thì đừng dại mà nói ra, trừ khi cô cưới một người đàn ông đã có đủ con.

Suốt mấy năm, Phúc động viên vợ chữa chạy mà không hề tỏ ra trách móc. Anh cũng thương Hải vì cô cứ tự mình đi khám, không muốn phiền chồng đưa đón. Đến năm thứ tư, quá sốt ruột, anh nhất quyết đi cùng vợ, trực tiếp vào hỏi bác sĩ và mới biết tại sao Hải khó thụ thai. Tất cả yêu thương biến thành khinh ghét và thù hận. “Nếu cô nói ra, tôi có thể bỏ qua quá khứ và cố chữa bệnh cho cô, kết quả thế nào thì sau tính tiếp. Nhưng rõ ràng cô cho tôi ăn quả lừa. Giờ thì chia tay hay không tùy cô, nhưng tôi sẽ đi kiếm con”.

Nhiều phụ nữ từng băn khoăn chuyện nói hay không nói về tình trạng vô sinh của mình với chồng tương lai cho biết, họ đã tham khảo ý kiến các chuyên gia tư vấn trước khi quyết định và đều được khuyên: Hãy trung thực, sự che giấu chỉ giúp “hoãn binh” một thời gian và khi sự thật vỡ lở, các chị sẽ mất không chỉ người chồng mà cả sự tôn trọng của anh ta. Khi nói thật, nếu tình yêu đủ lớn, người đàn ông sẽ chấp nhận khiếm khuyết đó của vợ. Nếu không, đành chấp nhận chia tay.

Nhiều chị không dám nghe lời khuyên này, đã ôm bí mật làm đám cưới. Tiết lộ hay che giấu thì kết quả vẫn có người may mắn, có người bất hạnh. “Người phụ nữ vô sinh dù thế nào cũng ít có cơ hội hạnh phúc hơn người khác rồi, mọi thứ sau đó nhiều khi cũng là may rủi”, chị Hải Yến, 40 tuổi, sống ở Việt Trì, Phú Thọ, tâm sự. Trường hợp của Yến có sự hiện diện của thần may mắn: Chị đã gặp một người chồng tốt. Cầu hôn sau hai năm yêu nhau, anh sây sẩm mặt mày khi chị cho biết, do buồng trứng không hoàn hảo, chị rất khó có con. Suy nghĩ kỹ, anh quyết định cưới, bệnh tật của chị là bí mật của riêng hai vợ chồng. Trong 7 năm, anh kiên trì đưa vợ đi chữa, vượt qua mọi eo sèo của gia đình và cuối cùng, họ cũng có một bé gái. Chồng Yến khẳng định với vợ, nếu việc điều trị không có kết quả, hai người sẽ xin con nuôi chứ anh không ly dị hay đi “kiếm con” ở ngoài.

“Tiết lộ hay giữ kín, có lẽ chỉ người trong cuộc mới biết rõ điều nên làm”, chị Yến nói, “tôi nghĩ điều quan trọng  để sống tốt nhất trong hoàn cảnh của mình là cố gắng điều trị tối đa và chuẩn bị để đương đầu với mọi kết quả có thể đến”.

Theo

logoDatViet.jpg

Đọc thêm