Những người vợ trí thức mê “thần bài”

Từ trước đến nay, khi nói về những “con bạc” là phụ nữ, người ta thường hình dung ra đó là những “bà sồn sồn”, những người buôn bán ở chợ hay những chị vô công rồi nghề... trong thực tế thì chưa hẳn đã như vậy.

Từ trước đến nay, khi nói về những “con bạc” là phụ nữ, người ta thường hình dung ra đó là những “bà sồn sồn”, những người buôn bán ở chợ hay những chị vô công rồi nghề... trong thực tế thì chưa hẳn đã như vậy.

Vắng chồng, em đi “trẩy hội”

Tháng 3/2010, người đàn ông người Malaysia ấy về tận quê Thiệu Sơn, Thanh Hoá để làm đám cưới với Huệ. Sau đó, ông thuê riêng một căn nhà nhỏ trong ngõ 62, Mai Động (Hà Nội) để vợ chồng ở.

Trước, Huệ là phiên dịch viên tiếng Trung cho công ty của chồng. Vì Huệ đẹp, phiên dịch hay, tính tình nhỏ nhẹ nên lọt vào mắt ông chủ. Ngay khi đang yêu, khi cần mua sắm, Huệ đều nghĩ kế “khai man” để kiếm thêm tiền của ông ấy. Khi mua máy giặt, điều hoà, xe máy, tủ lạnh... Huệ đều chọn loại tốt nhất, đắt nhất để phòng nếu lúc cần bán sẽ bán được giá.

Giờ đã cưới nhau, mỗi tháng chồng chuyển cho vợ 10 triệu đồng lo sinh hoạt trong gia đình nhưng hầu như tháng nào Huệ cũng giải trình hợp lý các khoản phát sinh để chồng đưa thêm... Tất cả số tiền toan tính để có thêm ấy đa số Huệ giấu mang đi chơi bài.
Mô tả ảnh.
Cô rất ham mê chơi bài và mỗi lần đi, cô gọi là “trẩy hội” ... Trung bình một tháng, chồng Huệ về nước lo việc 2-3 tuần. Khi chồng vắng nhà, các tối thứ 6, luôn có taxi chở 2-3 cô bạn gái mắt xanh môi đỏ đến đón Huệ. Sau đó họ đến các sòng bạc quen dưới Hà Đông, bên Sóc Sơn, sáng thứ 7, cả nhóm về. Nếu thắng bạc, họ rủ nhau ra khách sạn ăn, ngủ, nghỉ xả láng. Nếu thua, họ mua mì tôm về ăn suốt 2 ngày.

Cuối tháng 6 vừa rồi, Huệ và nhóm bạn đi “trẩy hội” đến tối chủ nhật mới về. Người cô gầy rộc, ngái ngủ. Cô kêu với hàng xóm: “Hết nhẵn 50 triệu, ngồi suốt 2 ngày 2 đêm, tê cả mông, mỏi nhừ cả vai”.

Hàng xóm bảo: “Tiếc nhỉ, số tiền đó để dành sau này sinh con, nuôi con hoặc tích cóp thì cũng nhanh mua được nhà”. Huệ cười, phẩy tay: “Ui dào, mình có công việc ổn định, chồng giàu. Hết thì lại có, miễn là thấy đời vui”.

Nâng cấp “nghệ nhân đan quạt”

Hà thì đã tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Anh. Năm 1997, vừa ra trường, cô lấy chồng ngay. Sau đó, cô được chồng xin vào làm công việc văn phòng nhàn hạ.

Vài tháng sau ngày cưới, Hà đã kêu cuộc sống của cô buồn tẻ. Chồng cô đi làm suốt. Bố mẹ chồng thì hay ngồi thiền, tụng kinh. Để tìm niềm vui, buổi trưa, sau giờ làm, Hà thường ra ngồi quán. Ở đây, cô bắt quen với vài người bạn. Họ hay ngồi chơi phỏm giết thời gian!

Ban đầu, nhóm chơi vui vui, đánh lẻ tẻ 5 – 10 ngàn, sau tăng lên tiền trăm. Ở quán không tiện ngồi, Hà đưa nhóm về nhà mình vào ngày nghỉ. Với “chiếu bài” tại nhà, Hà, luyện “tay nghề” mới nửa năm đã tráo, xoè bài nhoay nhoáy. Càng chơi, cô càng nhiều kinh nghiệm và được “tôn vinh” là “nghệ nhân đan quạt”.

Đến khi gia đình nhà chồng cương quyết dẹp “chiếu bài”, Hà thấy mình không bỏ được đam mê này nữa. Cô rời bỏ “đồng đội” là “đám công chức cò con đan quạt” kia để theo đuổi việc “nâng cấp tay nghề” lên thành xóc đĩa.

Qua người quen, Hà bắt mối vào các “sới” ở Hà Đông, Hải Phòng, Nam Định... Kể từ đấy, bất chấp sự can ngăn của gia đình, cứ có điện thoại, Hà xin nghỉ làm, lao đi. Tiền cô ôm theo cũng nhiều lên vì chơi chuyên nghiệp, theo “sới”, mỗi lần đến phải đóng lệ phí ngồi (trung bình 200 ngàn đồng/lần).

Tuỳ theo tình hình “an ninh” thực tế cũng như “cảm hứng” của các thành viên “sới” mà có thể phải thuê xe để tự lái đến các tỉnh, thành thuê nhà nghỉ rồi “hạ sòng”. Mỗi lần đặt cửa cũng ít nhất phải 20triệu - 30 triệu.

Hà cứ đi như con thiêu thân... để rồi năm 2003, căn nhà 3 tầng của gia đình nhà chồng ở mặt phố Tây Sơn đã ra đi vì số tiền nợ của Hà. Họ đến sống trong căn nhà nhỏ tận trong ngõ của phố Đại La.

Chưa hết, giữa năm 2009, chồng Hà lại cùng cực khi bán nhà lần nữa để trả nợ cho vợ rồi chuyển đến khu chung cư cũ tận dưới Thanh Trì. Cuối năm 2009, Hà đã bị công an bắt khi đang ngồi “sới” ở Hà Đông...

Nhiều người lý giải là những nữ trí thức lao vào con đường bài bạc phạm pháp đa số là bởi xuất phát họ muốn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán. Sau đó thì họ bị lôi cuốn vào máu ham mê ăn thua về tiền bạc... Nhưng dù có vì lý do gì thì chính họ cũng đã tự mình đưa cuộc sống gia đình đến bờ vực.

Theo Phụ Nữ VN

Đọc thêm