Những nguy cơ khi... tầm soát ung thư

Các bác sỹ thường hiếm khi trao đổi với bệnh nhân về những tác hại có thể có khi làm xét nghiệm tầm soát ung thư.
Ảnh minh họa: nguồn internet
 Ảnh minh họa: nguồn internet
Trong bất kỳ xét nghiệm tầm soát nào, đều có khả năng xảy ra cái gọi là “chẩn đoán quá tay” - tìm ra cái gì đó giông giống ung thư nhưng hóa ra không phải, hoặc ung thư quá nhỏ và phát triển rất chậm đến mức sẽ không bao giờ gây ra vấn đề gì.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể bị sinh thiết, phẫu thuật, chiếu xạ hoặc dùng thuốc, chẳng những không mang lại lợi ích gì mà còn có thể gây ra tác dụng phụ, gọi là “điều trị quá tay”.
“Thông thường khi trao đổi với bác sĩ, bạn sẽ chỉ được nghe nói về lợi ích”, Odette Wegwarth, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Phát triển con người Max Planck, Berlin (Đức) cho biết. “Không ai đặt câu hỏi là liệu có tác hại gì tiềm ẩn hay không”.
Khả năng chẩn đoán và điều trị quá tay thay đổi tùy theo xét nghiệm tầm soát và không phải lúc nào cũng có thể biết được.
Với xét nghiệm PSA phát hiện ung thư tuyến tiền liệt và chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú, cứ mỗi người được cứu sống thì lại có 10 hoặc nhiều hơn số trường hợp bị chẩn đoán quá tay.
Wegwarth và đồng nghiệp đã khảo sát 317 người Mỹ ở độ tuổi 50 và 60. Tất cả những người này đều đã từng được bác sĩ mời thực hiện tầm soát ung thư. Không ai trong số này bị chẩn đoán ung thư.
Chỉ có 30 người, chưa đến 1/10, cho biết bác sĩ của họ có đặt ra khả năng chẩn đoán và điều trị quá tay khi nói về việc tầm soát. Nhưng 80% nói rằng họ muốn được nghe về những tác hại tiềm ẩn này.
Có thể một số người trong nghiên cứu đã được nghe nói về “chẩn đoán quá tay”, nhưng họ không nhớ hoặc bác sĩ đã nói quá cao so với tầm hiểu biết của họ. Nhưng rõ ràng là nhiều bác sĩ không hề đề cập đến những nguy cơ của việc tầm soát.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine, phần lớn những người được khảo sát cho biết họ sẽ tiếp tục làm các xét nghiệm kiểm tra mà họ đã làm cho dù biết rằng sẽ có 10 người bị điều trị quá tay để cứu được một người. Nhưng 69% sẽ không bắt đầu làm xét nghiệm tầm soát mới có tỷ lệ 1/10 như vậy.
Wegwarth cho rằng mọi người thường có “sự gắn bó về cảm xúc” với những xét nghiệm tầm soát mà họ vẫn làm thường xuyên”. Tuy nhiên, y học luôn có cả mặt phải và mặt trái.
Lời khuyên được các nhà khoa học đưa ra là mọi người nên tự trang bị thông tin cho mình và trao đổi thẳng thắn với bác sĩ về những vấn đề còn chưa rõ.