Có ở trong cuộc mới hiểu được nỗi buồn của các quý ông khi bị vợ coi là… “phế nhân”. Nỗi đau ấy không chỉ mình các quý ông gánh chịu mà kéo theo đó là cuộc sống, hạnh phúc của cả một gia đình luôn chông chênh bên bờ vực thẳm.
Ảnh minh họa |
Không chết người nhưng tan nhà
Tại phòng khám Tiết niệu và nam học Tâm Anh (Lý Nam Đế, Hà Nội), những gương mặt trĩu buồn, hoang mang của những người đàn ông luôn lẩn tránh cái nhìn tò mò của mọi người. Tâm trạng của họ thật nặng nề khi hầu hết họ luôn ẩn chứa những nỗi niềm riêng.
GS.TS Trần Quán Anh - chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về chuyên ngành Nam học, Giám đốc phòng khám Tâm Anh đã từng chứng kiến nhiều những giọt nước mắt chua xót, ngậm ngùi của những quý ông và cả những giọt nước mắt đắng cay của người phụ nữ.
Ông bùi ngùi cho biết: “Có rất nhiều cặp vợ chồng nhất là ở nông thôn nghĩ rằng, nếu hai vợ chồng lấy nhau lâu năm không có con đều đổ cho nguời vợ là “cây độc không hoa, gái độc không con”, rồi “ăn ở thất đức trời tiệt đường con”. Đi khám, bác sĩ kết luận rằng chị không bị bệnh gì, còn anh chồng thì dứt khoát không đi khám vì nghĩ mình chẳng làm sao.
Sự đàm tiếu ấy khiến người vợ phải chịu sự khủng hoảng tinh thần nặng nề thời gian dài. Cho đến khi người chồng vô tình xem ti vi và biết có bệnh vô sinh nam thì lo lắng và tìm tới bệnh viện. Khi cầm kết quả bị rối loạn xuất tinh, anh chồng hoảng loạn và thương vợ bao năm chịu nhiều oan ức”.
Còn có trường hợp một thanh niên trẻ cao 1m75, dáng khỏe mạnh lấy vợ được 3 tháng. Điều đáng nói là, sau 3 tháng, vợ thanh niên ấy vẫn là… con gái! Vì thương chồng, người vợ trẻ phải quên đi những đòi hỏi, ham muốn tình cảm, chăn đơn gối chiếc bởi chồng không “xung trận” được. Bộ phận sinh dục của thanh niên này không có dấu hiệu phát dục. Thanh niên này không biết vợ có thể duy trì cuộc sống “chay” này đến bao lâu.
Đã từng khám và điều trị cho trên chục nghìn lượt bệnh nhân mắc chứng bệnh khó nói, Giáo sư Trần Quán Anh đã tổng kết, bệnh nhân tìm đến phòng khám thường ở trong bốn tình trạng: một là đã ly hôn, hai là đang sống ly thân, ba là vợ chồng định ly hôn nhưng dắt nhau đến chỗ chúng tôi xem có cứu vãn được không. tâm trạng thứ tư là hoàn cảnh của người vợ cố sống, ngụy trang với dư luận nhưng trong nội tâm có rất nhiều điều giằng xé. Họ đang chịu đựng những bi kịch mà phải đấu tranh tư tưởng lắm, tìm được người tin cậy lắm mới dám thổ lộ, giãi bày.
Vướng phải những bi kịch ấy, nhiều quý ông đã phải từ bỏ tình yêu của mình, thậm chí chấp nhận cảnh tan đàn xẻ nghé, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Các bệnh lý về nam khoa tuy không gây tử vong, nhưng lại có sức tàn phá hạnh phúc gia đình ghê gớm.
Vợ chồng cùng “vượt khó”
Đàn ông thật ra cũng có thiệt thòi. Nếu phụ khoa đã có từ cả nghìn năm nay thì nam khoa còn rất non trẻ. Trong khi đó đàn ông cũng bị rất nhiều bệnh đặc thù của giới: rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, dị tật cơ quan sinh dục... , và đó cũng là những căn bệnh bình thường nếu so với các bệnh của nữ.
Nguyên nhân có thể do họ bị dị tật bẩm sinh nhưng cũng có thể do áp lực của cuộc sống và công việc gây stress, tự kỷ, thay đổi môi trường sống đang tác động mạnh đến thiên chức của quý ông không phân biệt tuổi tác. Sự gia tăng đáng lo ngại chứng bệnh nam khoa đe doạ sự bền vững của các tổ ấm gia đình. Hiện, Việt Nam có khoảng 15,7% nam giới mắc bệnh rối loạn cương dương và số liệu này càng ngày càng gia tăng. Nhưng cả nước còn quá ít cơ sở khám chữa và điều trị chứng bệnh này.
Ngoài thiếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh, có lẽ khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tâm lý của người bệnh. Hầu hết bệnh nhận đến khám trong tâm trạng rụt rè, xấu hổ, ngại ngùng, ngại tiếp xúc nơi đông người. Bởi nhiều người rất sợ người khác phát hiện mình bị bệnh… “bất lực”, bị coi là “phế nhân”! Chính điều này ngăn cản họ phát hiện sớm và chữa bệnh kịp thời. Chỉ đến khi bệnh khá nặng, gia đình họ trong giai đoạn khủng hoảng, tan vỡ thì họ mới tìm tới bác sĩ. Đây là sai lầm lớn của những người bệnh.
Để giữ gìn sức khỏe cũng như hạnh phúc của mình, khi gặp những vấn đề trục trặc về y học tình dục, theo lời khuyên của Giáo sư Trần Quán Anh các quý ông hãy vượt qua sự xấu hổ, mặc cảm tìm đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt. Và, kết quả điều trị sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn khi có sự phối hợp, chia sẻ của người vợ trước chứng bệnh khó nói của người chồng.
Hoàng Bảo