Những nông dân "cải thiện "túi tiền" người miền núi

 Một thanh niên dân tộc Dao tiên phong trong việc đưa con nhím về sống với đồng bào ở xã Quảng Khê (huyện Ba Bể), một gia đình nông dân khác quyết tâm đưa con kỳ nhông từ vùng đất cháy nắng Nam Trung Bộ về trung du Bạch Thông. Những người nông dân dám nghĩ dám làm đang góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn Bắc Kạn.

Một thanh niên dân tộc Dao tiên phong trong việc đưa con nhím về sống với đồng bào ở xã Quảng Khê (huyện Ba Bể), một gia đình nông dân khác quyết tâm đưa con kỳ nhông từ vùng đất cháy nắng Nam Trung Bộ về trung du Bạch Thông. Những người nông dân dám nghĩ dám làm đang góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn Bắc Kạn.
Anh Lý Phúc Ba đang chăm sóc nhím. Ảnh: Việt Linh
Anh Lý Phúc Ba đang chăm sóc nhím. Ảnh: Việt Linh

Những con nhím ở thôn Nà Hai

Từ trung tâm huyện Ba Bể, chúng tôi vượt mười mấy cây số đi theo con đường lượn phía trên Vườn Quốc gia Ba Bể đến xã Quảng Khê. Đường vào nhà anh Lý Phúc Ba (dân tộc Dao, thôn Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể) còn phải đi bộ gần cây số, theo những con đường bê tông bé tí rồi qua những cây cầu nhỏ đẹp như trong một bức tranh thủy mặc nào đó. Cuối một trong những con đường đó, ngôi nhà gác của anh Ba cũng đẹp như hiện ra từ trong tranh vẽ.

Mới ngoài 30 tuổi, anh Ba đã đạt tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh giỏi 3 năm 2007 – 2009. Mô hình VACR của anh Ba là mô hình được đánh giá cao về hiệu quả, bởi chúng được đầu tư bằng sự lam làm và hiểu biết khoa học kỹ thuật của gia đình anh. Được vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã làm ao thả cá, trồng rừng trúc.. Từ năm 2008 đến nay, anh đưa con nhím từ Sơn La về Ba Bể. Lúc đầu, xem trên tivi, thấy nuôi nhím không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ mà lại có thị trường, anh Ba lần mò theo địa chỉ được chương trình cung cấp, lên tận Sơn La mục sở thị, hỏi cách nuôi.

Từ 6 cặp nhím ban đầu, đến nay anh đã bán được chừng 8 cặp với giá khoảng 15 – 16 triệu/cặp.Nuôi nhím chỉ cần giữ chuồng trại sạch sẽ, cho ăn củ quả các loại. Từ mô hình hiệu quả của anh, giờ thôn Nà Hai đã có 6 hộ nuôi nhím đạt mục tiêu kinh tế đáng kể. Hộ anh Ba trở thành hộ cung cấp nhím giống của bà con trong vùng. Không quá khi người Nà Hai cho rằng, anh Ba đã đưa “con nhím xóa nghèo” về với bà con người Dao nơi đây.

Kỳ vọng về kỳ nhông

Dù cách Ba Bể gần trăm cây số, nhưng hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết – anh Mai Văn Quang ở thôn Thôm Mò, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông có những nét tương đồng với hộ anh Lý Phúc Ba, không chỉ ở chỗ hai hộ cùng chọn nhím làm con vật nuôi thoát nghèo, mà còn ở chỗ đều là những hộ nông dân dám nghĩ dám làm.

Lập gia đình và gây dựng cuộc sống cùng nhau từ hai bàn tay trắng, đến nay, nhìn cơ ngơi của gia đình chị Tuyết – đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Thôm Mò, mấy ai biết anh chị đã trải qua những tháng ngày “đánh vật” với cuộc sống để đủ nuôi hai con ăn học. Năm 2006, được vay 5 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Tuyết bắt đầu biết chuyện mở mang phát triển kinh tế, từ nuôi thêm con vịt đàn gà đến chuyện làm nấm rơm.

Nấm chỉ làm mỗi năm một vụ, vào mùa Đông, nhưng từ năm 2008 đến nay, mỗi vụ anh chị cũng thu lãi được hơn 30 triệu đồng từ nấm. Được đà tiến tới, anh chị mày mò tìm cách “nuôi còn gì, trồng cây gì” để hiệu quả, và năm 2009, anh chị đã mua 3 đôi nhím về gây dựng chuồng nhím. Dù thời gian chưa dài, và mới chỉ bán được 5 đôi, nhưng hiệu quả từ nhím không hề nhỏ vì chi phí hợp lý mà thị trường lại sẵn, vì thế gia đình chị Tuyết đang dự kiến mở rộng chuồng trại nuôi thêm nhím.

Không bằng lòng với những cây - con có sẵn ở địa phương, qua mạng Internet, chị Tuyết, anh Quang biết đến con kỳ nhông ở vùng cát Bình Thuận. Khảo sát thị trường trong khu vực, thấy kỳ nhông có “đất”, được chuộng, anh chị bàn nhau đầu tư 60 triệu “mở hướng làm ăn mới”.

Anh bỏ công bỏ của đi tận vào Bình Thuận, mua hơn 100 con kỳ nhông giống về Bắc Kạn, làm chuồng trại cầu kỳ theo đúng tiêu chuẩn, quyết tâm “tập” cho con kỳ nhông quen với quê mới. “Nếu thành công, con kỳ nhông sẽ mang đến hiệu quả kinh tế đáng kẻ” – anh Quang tâm sự. Anh nói “nếu”, vì vợ chồng anh đang lên kế hoạch chuẩn bị phương tiện điều kiện để con kỳ nhông quanh năm sống dưới nắng cháy Nam Trung Bộ có thể vượt qua được mùa đông giá rét miền Bắc. Bởi, ngoài sự kỳ vọng của vợ chồng anh, con kỳ nhông cũng đang là một kỳ vọng về  một hướng giảm nghèo mới của nhiều gia đình trong khu vực.

Kết

Anh Lý Phúc Ba và vợ chồng chị Tuyết, anh Quang đang là những ví dụ cho một lớp những người nông dân mới biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, biết sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại phục vụ đời sống. Thừa hưởng kinh nghiệm làm nông nghiệp ngàn đời của ông cha, họ đã biết nhân lên nhiều lần hiệu quả của những kinh nghiệm đó, bằng việc dám nghĩ dám làm, và biết làm đúng, làm chuẩn.

Rời nhà những người nông dân vùng sâu vùng xa nhưng không hề lạc hậu đó, tôi nhớ lời ông chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Khê Triệu Đức Canh: xã tự hào có những người nông dân như anh Ba, bởi hơn bất cứ điều gì, những việc anh Ba làm là ví dụ cụ thể nhất, là lời vận động thuyết phục nhất đối với bà con địa phương trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách chủ động, thông minh.

Hoàng Thủy

Đọc thêm