Những 'nốt nhạc màu cam' trên 'khuông nhạc' cao thế

(PLVN) - Đó là những cái tên thân thuộc và gần gũi của người dân sinh sống quanh khu vực có đường dây cao thế tại Hà Nội đặt cho các anh thợ điện đang thao tác trên dây điện như những “nốt nhạc” đặt trên “khuông nhạc” lơ lửng giữa bầu trời không quản ngày đêm.
Thợ diện cao thế luôn phải làm việc trên đường dây
Thợ diện cao thế luôn phải làm việc trên đường dây

Luôn sẵn sàng… lên đường

Thao tác trên những trụ điện cao chót vót, túc trực ngày đêm trên những đường dây truyền tải đảm bảo cho dòng điện được thông suốt, ổn định, có mặt ngay trên những điểm nóng, hoặc khi nào có sự cố về điện… Đó là công việc thường ngày của những người công nhận điện trên đường dây cao thế. Đây là một công việc không những đòi hỏi về tay nghề kỹ thuật cao mà còn phải có sự say mê và tinh thần cống hiến.

Trò chuyện cùng anh Nguyễn Thế Nam (Đội đường dây, Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội, trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội) trong một ngày đầu hè oi ả, anh cho biết, muốn làm được công việc đặc thù này, người thợ điện phải trải qua quá trình đào tạo, cộng với kinh nghiệm thực tế hàng ngày rất quan trọng.

Trong công việc này, kiểm tra đường dây là công việc đi bộ dọc tuyến đường dây, tăng cường kết cấu lưới, đắp bổ sung lốc cột bị sói mòn, thay thế các thiết bị điện bị hư hỏng để tạo độ vững chắc cho cột.

Anh em cao thế vừa phải biết tình hình mưa gió trên địa bàn, vừa phải thông thuộc địa hình rừng đồi. Sau những ngày mưa bão, cây cối mọc lên nhiều, anh em phải đi lên đồi kiểm tra để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa ngọn cây và đường dây điện cao thế.

Đội đường dây đang cưa cây để không ảnh hưởng tới hành lang an toàn lưới điện

Đội đường dây đang cưa cây để không ảnh hưởng tới hành lang an toàn lưới điện

 

Những khu vực có cây cao ảnh hưởng đến khoảng cách an toàn lưới điện vẫn được thợ điện cao thế đến tận nơi để chặt tỉa cây hàng tháng, đặc biệt có những thời điểm cây mọc nhanh, mới tuần trước chặt mà tuần sau đã lên cao như cũ.

Anh Nam nói vui rằng: “Có những lần cả đội đường dây tham gia thao tác, anh em đều phải leo lên những cây thân to và cao, nhìn từ dưới lên trông còn điêu luyện hơn cả công nhân bên Công ty cây xanh vì leo trèo và chặt cây rất nhanh và thành thạo”.

Đường dây cao thế trên địa bàn Hà Nội phủ khắp trên diện rộng, phía Nam ra Hà Nam, phía Tây lên đến Vật Lại – Ba Vì, phía Bắc phủ đến Trung Dã – Sóc Sơn và hướng Đông vươn ra hết Phố Nối – Hưng Yên. Từ ngày địa bàn Hà Nội mở rộng, lưới điện phát triển về quy mô và diên tích nên anh em đi làm vất vả hơn.

Đặc thù công việc của các anh là ban ngày đi kiểm tra định kỳ trên lưới, ban đêm kiểm tra các đường dây và ứng trực liên tục khi có kiểm tra đột xuất trước các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của thành phố hay trước các kỳ thi quốc gia diễn ra tại Hà Nội.

Thời tiết bước sang mùa hè hay xảy ra mưa giông trên địa bàn. Nhiều đêm mưa bão sấm chớp, sét đánh vào đường dây, vừa tan ca đi làm về nhà, nhận được tin báo thời tiết gây ảnh hưởng tới đường dây, các anh thợ điện cao thế lại xách đồ lên đường...

Anh Nguyễn Thế Nam đang thao tác tại cột

Anh Nguyễn Thế Nam đang thao tác tại cột

Công việc của họ là vậy, điện thoại luôn phải thường trực 24/24, nhận được thông báo là lên đường, đến bữa nhiều khi chỉ ăn vội chiếc bánh mì, suất cơm hộp hay gói lương khô để tranh thủ thời gian xử lý sự cố... 

Những sự sẻ chia từ gia đình…

Trải qua những tháng ngày khó khăn khi mới bước chân vào ngành Điện, anh Nguyễn Thành Chung, người đã có hơn 20 năm công tác trong ngành chia sẻ, kỷ niệm buồn vui đều có nhưng trên hết là niềm say mê công việc, coi công việc như một phần không thể thiếu trong những sinh hoạt hàng ngày.

Anh Chung cho biết, đặc thù của bên cao thế ngoài đi làm 6 ngày ra, thường sẽ có lịch cắt điện cuối tuần để sửa chữa như thay sứ, vệ sinh đường dây theo định kỳ, cho nên hầu như anh em đều phải đi làm cả tuần.

Trong quá trình công tác, do tính chất công việc đặc thù nên thời gian anh em ở nhà với gia đình không nhiều, đôi lúc giữa đêm khi có công việc phải xử lý, các anh em ở tổ đội lại thay đồ và đến giải quyết công việc ngay lập tức, đảm bảo không ảnh hưởng đến vận hành sản xuất.

Thời gian đầu mới lập gia đình, vợ anh có lúc cũng chạnh lòng vì thấy chồng mình nửa đêm nghe điện thoại cơ quan lại xách túi đi luôn. Nhưng sau khi nghe anh tâm sự về tính chất công việc và ý nghĩa mỗi khi kiểm tra lưới điện để đảm bảo an toàn vận hành và truyền tải điện ổn định, vợ anh đã thông cảm và cảm thấy tự hào về công việc của chồng mình.

Trải qua những lúc khó khăn và áp lực trong công việc, anh Chung cảm nhận gia đình chính là hậu phương vững chắc về tinh thần cho các anh yên tâm công tác ngoài lưới điện. Điều này là nguồn động viên, khích lệ các anh cố gắng hoàn thành tốt công việc để mang lại nguồn điện an toàn, chất lượng và ổn định cho gia đình và xã hội.

Mỗi anh em trong đội đều tự ý thức là 1 tuyên truyền viên cho khách hàng sử dụng điện

Mỗi anh em trong đội đều tự ý thức là 1 tuyên truyền viên cho khách hàng sử dụng điện

Bên cạnh những khi thao tác ngoài lưới điện cùng với đồ nghề và dây cuốn quanh người, mỗi anh em trong Đội đường dây đều ý thức bản thân là 1 tuyên truyền viên, đưa thông tin về ngành điện Thủ đô đến cho khách hàng sử dụng điện. Cung cấp cho người dân các nội dung về an toàn lưới điện để phòng tránh những nguy cơ gây mất an toàn điện do khí hậu, thiên tai gây ra.

Công việc nghề thợ điện không thể làm qua loa, đại khái. Người công nhân đường dây phải đi kiểm tra rất kỹ lưỡng thì mới có thể phát hiện kịp thời các hư hỏng hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây dẫn điện… để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn của đường dây cáp điện.

Đọc thêm