Những ổ dịch Covid-19 nào ở Hà Nội cần được giải quyết triệt để?

(PLVN) - Với số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước, Hà Nội có một số ổ dịch, ca bệnh phức tạp, cần được giải quyết triệt để.

Tại cuộc họp chiều 10/4 với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội cho rằng các địa phương, đơn vị tập trung điều tra, xác minh, xử lý đối với những ca bệnh, ổ dịch phức tạp.

Trước mắt là tập trung giải quyết dứt điểm tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch tại thôn Hạ Lôi xã Mê Linh, huyện Mê Linh và ca bệnh 237.

Thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) bị phong tỏa để kiểm soát ổ dịch từ bệnh nhân 243. Ảnh: anninhthudo
Thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) bị phong tỏa để kiểm soát ổ dịch từ bệnh nhân 243. Ảnh: anninhthudo 

Muốn vậy, cần tiếp tục tổ chức việc xét nghiệm nhanh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Tăng công suất xét nghiệm, mở rộng chỉ định xét nghiệm với phương châm xét nghiệm rộng rãi; xét nghiệm lần 2 đối với các trường hợp đang cách ly tập trung để tiến hành kết thúc cách ly.

Các bệnh viện thực hiện nghiêm quy trình cách ly, điều trị bệnh nhân, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong bệnh viện và cán bộ y tế. 

Tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, hạn chế tối đa người nhà vào chăm sóc bệnh nhân, chỉ bố trí 1 người vào chăm sóc đối với bệnh nhân nặng không thể tự chăm sóc nhưng phải khai báo y tế; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế… 

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương khẳng định nhân dân bày tỏ tin tưởng, ủng hộ vào sự chỉ đạo điều hành rất quyết liệt, mạnh mẽ, có hiệu quả của TP. 

Đối với tình trạng người dân ra đường đông hơn so với thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch Mặt trận cho rằng cần phải có những biện pháp tuyên truyền hơn nữa để mỗi người, mỗi nhà có trách nhiệm hơn với cộng đồng, trong đó chú trọng đến các thiết chế văn hóa, dòng họ…

Ngoài công tác chống dịch, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải duy trì hoạt động thiết yếu của đời sống kinh tế xã hội để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại kinh tế tác động bởi dịch bệnh, tập trung tăng cường cho các hoạt động kinh tế mà TP có dư địa, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Để khi những chuỗi cung ứng đứt gãy, thì TP vẫn đảm bảo tự sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị TP cần chủ động tính toán, rà soát các gói an sinh xã hội để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. “Việc hỗ trợ phải thực hiện theo phương châm đúng người, đúng việc, kịp thời, tuyệt đối không được để ra sai phạm, tiêu cực, trục lợi trong vấn đề này là có tội và phải xử lý nghiêm theo hình thức tăng nặng", Bí thư Thành ủy nhắc nhở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng Thủ đô sẽ thắng lợi “kép”: Vừa phòng chống dịch thành công, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nạp năng lượng, tạo hiệu năng để “lò xo” kinh tế xã hội bật mạnh, tăng trưởng trở lại…

Cán bộ, công chức Thủ đô ủng hộ hơn 56 tỷ cho công tác chống dịch

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội chuyển giao quà ủng hộ chống dịch.
  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội chuyển giao quà ủng hộ chống dịch.

Tại phiên họp, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trao tặng, chuyển giao quà ủng hộ từ các tổ chức và cá nhân cho TP bao gồm: 20 máy thở; 40.000 bộ đồ bảo hộ y tế; 5 bộ đèn đặt nội khí quản; 65 máy lọc nước RO trị giá 2,1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý thay mặt lãnh đạo TP cũng trao tặng 56 tỷ 200 triệu đồng là tiền 1 ngày lương toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức TP để chung tay hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ hộ nghèo.

Đọc thêm