Những “pháo đài” trong lũ

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, mô hình nhà đa năng, phòng tránh thiên tai đã được xây dựng tại các vùng thấp trũng, đã phần nào giúp người dân yên tâm hơn trong mùa mưa bão.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, mô hình nhà đa năng, phòng tránh thiên tai đã được xây dựng tại các vùng thấp trũng, đã phần nào giúp người dân yên tâm hơn trong mùa mưa bão.

Mô hình nhà “3 trong 1”

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Cam, tổ 3, Khuê Đông I, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn vào một chiều mưa. Là phụ nữ đơn thân, gia đình bà thuộc diện đặc biệt nghèo, thu nhập chính phụ thuộc vào công việc phụ hồ bữa có, bữa không. Trong căn nhà “3 trong 1” vừa được UBND quận Ngũ Hành Sơn hỗ trợ xây dựng, bà Cam chia sẻ: “Mọi năm, mỗi khi lũ lụt là mấy mẹ con lại phập phồng lo sợ. Nay thì có thể yên tâm rồi”. Bà Cam là một trong hơn 100 hộ dân được hỗ trợ xây nhà chống bão trên địa bàn phường Hòa Quý.

Mô tả ảnh.
Khi lũ lụt dâng lên, người dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: V.T.L
Nhà có 3 chức năng gồm ở, chống lũ, chống bão do UBND quận thiết kế. Với 3,6m chiều rộng; 6,7m chiều dài; 6 trụ bê-tông; gác lửng cao 2,4m, được xây dựng trên nền đất cao nhằm ứng phó với tình trạng nước lụt dâng. Kinh phí cho mỗi căn nhà là 32 triệu đồng. Mô hình nhà “3 trong 1” có diện tích nhỏ nhưng được xây dựng kiên cố trên 6 trụ bê-tông, sẽ giúp ngôi nhà đủ sức chống chọi khi có bão, lụt.

Được biết, từ năm 2009 đến nay, phường Hòa Quý đã xây dựng được 112 căn nhà “3 trong 1”, tập trung tại các vùng thấp trũng. Ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, việc xây dựng nhà ở kiên cố nhằm giúp dân giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão, lụt. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục đề xuất với quận, tập trung xây dựng mới và sửa chữa những ngôi nhà xuống cấp.

Cũng tại phường Hòa Quý, nhà cộng đồng chống lũ tại khu vực An Lưu, được xây dựng từ nguồn vốn của Quỹ Phòng chống thiên tai Luxembourg (Hà Lan) và tổ chức phi chính phủ CECI vào cuối năm 2006, với kinh phí 563 triệu đồng. “Pháo đài” cao 2 tầng được xây dựng kiên cố, tầng trên dùng để tránh lũ với đầy đủ phòng ở, nhà bếp, nhà vệ sinh, máy phát điện, điện thoại, bồn chứa nước, tầng dưới làm nơi sinh hoạt cộng đồng, có sức chứa gần 200 người. Được biết, đây là ngôi nhà đa năng tránh lũ kiên cố đầu tiên tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Từ đó đến nay, qua mấy trận lũ lụt, “pháo đài” An Lưu đã giúp người dân Hòa Quý chống lũ an toàn. Kế đó, năm 2007, cũng tại phường Hòa Quý, UBND quận tiếp tục trích 900 triệu đồng từ ngân sách địa phương xây nhà trú ẩn đa năng tại khối phố Mân Quang với sức chứa khoảng 150 người.

Những năm qua, 75 hộ dân nằm ở hạ lưu sông Cu Đê, tổ 37 Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc phải đối mặt với thiên tai, lũ lên là bị chia cắt, cô lập với bên ngoài. Năm 2009, UBND quận Liên Chiểu đầu tư 900 triệu đồng xây nhà tránh bão đa năng ngay tại tổ 37, làm nơi trú ẩn cho người dân quanh vùng, trong đó có các hộ ở Hòa Hiệp Nam và Hòa Liên (Hòa Vang). Ông Trần Văn Tề, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam đơn cử: “Khi chưa có nhà tránh bão lũ, các hộ dân tổ 37 phải sơ tán xuống Trường CĐ Giao thông Vận tải 2, nay thì có thể lánh lũ ngay tại chỗ. Trước mùa mưa bão năm nay, phường đã sửa chữa lại các cánh cửa, khắc phục mái khỏi dột nước, đưa nước sạch, bàn ghế đến để tạo sinh hoạt thoải mái cho người dân khi tránh lũ”.

Chung tay xây nhà cho dân

Mô tả ảnh.
Với mô hình nhà “3 trong 1” được xây dựng trên nền đất cao, mẹ con bà Cam đã có thể yên tâm khi mùa mưa bão đang cận kề.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2009, đến nay Quỹ Hỗ trợ thiên tai (HTTT) miền Trung đã vận động hơn 40 tỷ đồng. Qua 2 năm, Quỹ đã triển khai xây dựng 26 nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai (nhà văn hóa, trường học, trạm y tế) tại 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung. Riêng tại Đà Nẵng, Quỹ đã xây 3 nhà cộng đồng thuộc huyện Hòa Vang. Hầu hết các công trình đều có kiến trúc vững chắc, 2 tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho dân tránh bão, lũ khi cần thiết.

Trong đó, với mô hình dãy nhà 2 tầng, gồm 6 phòng học, trường mầm non phòng tránh thiên tai ở Cẩm Nê 1, xã Hòa Tiến đã tạo điều kiện cho các em học tập, vui chơi. Khi có thiên tai bão lũ bất kỳ, đây cũng là nơi lánh nạn tạm thời cho khoảng 300 người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Quỹ HTTT miền Trung cho biết: “Trước khi thực hiện chương trình xây nhà cho dân, Quỹ HTTT đã tổ chức cuộc thi thiết kế với mô hình phải đáp ứng tiêu chí sử dụng đa năng và tiện lợi trong sử dụng, tiếp tế khi xảy ra mưa bão. Bình thường, những ngôi nhà này là trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng khi mưa lụt sẽ trở thành nơi trú ẩn với đầy đủ nhà bếp, nhà vệ sinh, kho dự trữ lương thực, phương tiện liên lạc với bên ngoài...”.

Để giúp dân “sống chung với lũ”, một người con của mảnh đất Hòa Phước, huyện Hòa Vang là ông Lê Hữu Bang, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng thương mại Tân Á Châu (TP. Hồ Chí Minh) đã đứng ra xây dựng tại thôn Giáng Nam một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng và trú ẩn thiên tai. Với diện tích sàn mái bê-tông tương đương 500m2, khu nhà có sức chứa hàng trăm người với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Ông Bang tâm sự: “Làm nhà tránh bão là cách để tôi chia sẻ với bà con quê mình những khó khăn, vất vả trong mỗi mùa mưa”. Theo ông Trần Viên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước, công trình được kiểm định chịu được sức gió từ cấp 12 đến cấp 14, có hệ thống thang thoát nạn bảo đảm di chuyển thuận tiện khi có sự cố.

Mô hình nhà tránh bão đa năng đã thực sự giúp người dân an tâm hơn trong mùa mưa bão. Trong trận lũ sau cơn bão số 9 năm 2009, nhân dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đã có thể chủ động trong việc sống chung với lũ bởi trước đó, Tổ chức Vietnam of Children cùng với địa phương đã hỗ trợ xây dựng hàng chục ngôi nhà tránh lũ cho dân. Nhà có một gác lửng cao hơn 2m để dự trữ lúa, gạo, thức ăn. Ngoài ra, khoảng 30% hộ có ghe thuyền di chuyển khi nước lớn.

Những ngôi nhà được ví von như “pháo đài” ấy là địa chỉ không thể thiếu mỗi khi có mưa bão xảy ra. Cũng theo ông Nguyễn Đăng Lâm, toàn miền Trung hiện nay còn khoảng 588 địa điểm cần xây nhà chống lũ đa năng. Với số tiền cần và đủ để xây dựng một địa điểm là 3 tỷ đồng, thì số tiền cần có là 1.764 tỷ đồng. Với số tiền không nhỏ này thì bất kỳ một sự đóng góp nào của các cá nhân, đơn vị đều là cần thiết, để góp phần giúp người dân miền Trung yên tâm hơn trong những ngày mưa bão đến.

Tiểu Yến

Đọc thêm