Đến với Đà Nẵng bằng nhiều con đường khác nhau, với nhiều mục đích khác nhau… nhưng đã đến đây một thời gian thì tất cả đều có những cảm nhận tốt đẹp về mảnh đất, con người Đà Nẵng và tấm lòng của họ đối với Đà Nẵng ngày càng thêm sâu đậm.
|
Cộng đồng Doanh nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung Việt Nam tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở huyện Hòa Vang. |
Katherine, cô sinh viên người Mỹ đang du học tại Việt Nam theo chương trình Suny Brock Việt Nam, tuy sang Đà Nẵng chưa lâu, nhưng đã có những ấn tượng sâu sắc về thành phố nơi cửa biển này. Thông qua người phiên dịch, Katherine nói với chúng tôi: Những ngày tháng học tập ở đây, cô được nhiều bạn bè mời đến nhà chơi hết sức thân mật, điều mà không bao giờ có ở nước Mỹ. Cô đã được đi tham quan nhiều thắng cảnh và có những ấn tượng sâu sắc về Đà Nẵng.
Cô nói rằng, Đà Nẵng có con sông Hàn thơ mộng với những chiếc cầu rất đẹp, có tuyến cáp treo đạt hai kỷ lục quốc tế, có núi Non Nước với nhiều chùa chiền, hang động rất hấp dẫn. Đến thăm và chuyện trò với các cụ ở Mái ấm tình thương, cô đã thấy rõ sự quan tâm, săn sóc, hỗ trợ của xã hội Việt Nam đối với những người già neo đơn… Khi trở về Mỹ, cô sẽ nỗ lực vận động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và sẽ tuyên truyền vận động thêm nhiều sinh viên Mỹ sang du học tại Đà Nẵng.
Cuối cuộc trò chuyện, Katherine cho biết thêm: Có nhiều sinh viên Mỹ khi quyết định sang du học tại Việt Nam thì bị cha mẹ phản đối kịch liệt, nhưng khi các sinh viên này đến đây học đã viết thư về gia đình tả lại cảnh thanh bình của thành phố Đà Nẵng thì gia đình họ hết sức yên tâm và không ít người đã đến đây thăm con. Chính bà mẹ của Katherine đã nói: Quyết định sang du học tại Việt Nam của con tôi là hoàn toàn đúng!
Cũng ở Mỹ, ông Ben Wilson đã vận động thành lập tổ chức Children of Viet Nam, tên tiếng Việt là “Trẻ em Việt Nam” và đã thực hiện 11 chương trình giúp đỡ trẻ em và phụ nữ đặc biệt khó khăn ở thành phố Đà Nẵng. Những năm qua, tổ chức này đã tài trợ kinh phí xây dựng hàng trăm nhà tình thương, tặng 862 chiếc xe đạp cho học sinh chưa có phương tiện đến trường; hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để dạy phụ đạo cho học sinh nghèo… Cái tên “ông Ben” đã trở thành tiếng gọi quen thuộc của nhiều hộ nghèo ở các xã trung du, miền núi Hòa Vang và ngay ở các phường trong nội thành Đà Nẵng. Mới đây, ông đã hỗ trợ cho gia đình ông Lê Văn Nghĩa ở tổ 23 phường Hòa Thuận Đông 40 triệu đồng để xây nhà tình thương và mua sắm phương tiện sinh kế.
Một nhà sinh thái học người Canada tên là Reg Ernst, làm việc tại Tổ chức Mạng lưới Tình nguyện viên Toàn cầu (trụ sở tại phường Hòa An) với công việc cụ thể là dạy tiếng Anh ở một số trường đại học, cao đẳng, cơ sở mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Ông Reg Ernst nói rằng: Ông thấy thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, an ninh trật tự tốt và có nhiều điểm du lịch rất đẹp, còn người dân Đà Nẵng thì rất chuyên cần, tháo vát và mến khách. Mỗi lần về nước, ông đều tích cực vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp tham gia các chương trình tình nguyện tại Đà Nẵng.
Ông Reg Ernst và các tình nguyện viên của Mạng lưới Tình nguyện viên Toàn cầu vừa dạy tiếng Anh miễn phí, vừa hăng hái hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam, hướng dẫn trẻ khuyết tật luyện tập phục hồi chức năng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, chăm sóc và hướng dẫn liệu pháp dưỡng sinh cho các cụ già ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.
Kể từ năm 1993 đến nay, Tổ chức Le Don de l’Enfant (Pháp) với tên thường gọi là “Quà tặng Việt Nam” đã tài trợ kinh phí nuôi dưỡng, học tập, dạy nghề cho 30 em tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em đường phố và hỗ trợ học bổng cho hàng trăm em khác trong cộng đồng trên địa bàn thành phố. Nhiều trẻ em con hộ nghèo đã được tổ chức này hỗ trợ máy vi tính và dụng cụ học tập, tạo điều kiện cho các em nâng cao chất lượng học tập. Đặc biệt, em Ngô Thị Sa Ly ở phường Hòa Thọ Tây từ sự hỗ trợ của Tổ chức Quà tặng Việt Nam đã trở thành một học sinh giỏi toàn diện, vừa mới tốt nghiệp loại ưu tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng...
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM